Pháp luật

Tại xã Vân Diên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An

Tự lập trang trại chăn nuôi gây ô nhiễm

14:23, 24/11/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Mặc dù được phê duyệt đầu tư lò giết mổ gia súc tập trung nhưng sau hơn 10 năm, chủ dự án đã thực hiện không hiệu quả dẫn đến phải “đóng lò”. Để tận dụng hạ tầng có được từ lò mổ, chủ hộ đã tự ý làm trang trại chăn nuôi. Điều đáng nói, trang trại này nằm trong khu dân cư, không nằm trong quy hoạch phát triển trang trại của địa phương, lại gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân xung quanh.

Khu vực trang trại chăn nuôi bị phản ánh gây ô nhiễm môi trường nhưng xã, huyện không hề biết
Khu vực trang trại chăn nuôi bị phản ánh gây ô nhiễm môi trường nhưng xã, huyện không hề biết

10 năm lò mổ bỏ hoang

Để tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong vấn đề phòng, chống dịch bệnh, đồng thời bảo vệ và phát triển ngành chăn nuôi, cung cấp thực phẩm có chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường, phục vụ người tiêu dùng nội địa và xuất khẩu, tháng 11/2002, ông Lê Văn Việt trú tại xóm Vạn An, xã Vân Diên, huyện Nam Đàn đã có tờ trình (sau khi được chính quyền địa phương xác nhận) gửi UBND huyện Nam Đàn về việc xin phê duyệt dự án “Lò giết mổ gia súc tập trung” tại khu vực Đá Bô, xã Vân Diên, huyện Nam Đàn.

Sau khi hoàn chỉnh các bước báo cáo đầu tư dự án, ngày 29/1/2003, UBND huyện Nam Đàn đã đồng ý phê duyệt dự án theo chủ dự án đề nghị và chính quyền xã Vân Diên chấp thuận. Theo quyết định này, dự án được quản lý theo hình thức thực hiện là chủ dự án (hộ ông Lê Văn Việt) kết hợp với UBND xã Vân Diên và Chi cục Thú y tỉnh.

Công nghệ triển khai dự án qua 2 giai đoạn gồm: Xử lý chất rắn thô sau đó làm sạch bằng sinh học, còn nước thải qua bể lắng cuối cùng thải ra ao cá, ruộng lúa. Toàn bộ dự án có tổng mức đầu tư trên 310 triệu đồng, từ nguồn vốn Nhà nước trợ giá theo QĐ118/2002-TTg; vốn vay giải quyết việc làm và vốn tự có của chủ dự án.

Theo như phê duyệt, dự án có quy mô diện tích sử dụng lâu dài là 1.500 m2; được ưu đãi miễn thuế các loại trong 2 năm 2003 và 2004. “Thực tế dự án đi vào hoạt động từ năm 2003, tính toán hiệu quả kinh tế sẽ thu hồi vốn trong vòng 7 - 8 năm, thế nhưng từ đó đến nay lò mổ của tôi gần như “bỏ không”, không thu hút, tập hợp được các hộ hành nghề giết mổ vào lò nên buộc phải “đóng cửa”, ông Việt cho biết.

Xác nhận thực tế này, ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND xã Vân Diên phụ trách Kinh tế cũng thừa nhận: Vào thời điểm đó (khoảng từ năm 2002 - 2005, P.V), huyện Nam Đàn có chủ trương xây dựng các lò mổ tập trung. Riêng xã Vân Diên có 2 lò mổ của hộ ông Nguyễn Văn Sơn ở xóm Quy Chính và ông Lê Văn Việt ở xóm Vạn An. Tuy nhiên, chỉ hoạt động được một thời gian rất ngắn rồi cả hai lò đều phải dừng.

Riêng lò mổ của ông Việt khi đó nằm ở vùng thưa dân cư, đường sá đi lại khó khăn trong khi không tập hợp được các hộ giết mổ nên không hiệu quả. Lúc bấy giờ xã đã phối hợp với địa phương và Trạm Thú y huyện tuyên truyền, vận động để họ vào tập trung để buôn bán nhưng như “ném đá ao bèo”, sau đó lò mổ buộc phải dừng hẳn.

Tự ý chuyển đổi mục đích kinh doanh gây ô nhiễm môi trường

Sau hơn 10 năm (2003 - 2014) hoạt động, dự án lò mổ được Nhà nước phê duyệt quy mô 30 - 40 con/ngày bị phá bỏ thì toàn bộ cơ cở hạ tầng gồm: Nhà bảo vệ kiêm nhà làm việc; nhà giết mổ lợn, nhà giết mổ trâu, bò; khu kiểm tra, xử lý thịt trước khi bán; bể đựng nước, bể tự hoại để ủ phân sau khi giết mổ gia súc; hệ thống chuồng nhốt, ao cá và hệ thống nước sinh hoạt… của chủ dự án bị bỏ hoang. Lợi dụng chủ trương của dự án và tận dụng từ hạ tầng hiện có nhằm “cứu vãn” số kinh phí bỏ vào để đầu tư, ông Lê Văn Việt đã tự ý cải tạo lại làm trang trại chăn nuôi lợn thịt.

Từ năm 2014 đến nay, toàn bộ khu vực được phê duyệt làm lò mổ tập trung đã được ông chuyển sang làm chăn nuôi với quy mô từ 50 - 60 con. Điều đáng nói, toàn bộ cơ sở này hoạt động gần 3 năm nay nhưng không được chính quyền xã Vân Diên và ban, ngành huyện Nam Đàn biết đến.

Mới đây, khi phóng viên trao đổi về phản ánh trại chăn nuôi của ông Việt hoạt động gây ô nhiễm môi trường xung quanh, ông Nguyễn Văn Chiến tỏ rõ sự bất ngờ về vấn đề này.

Ngày 15/11, chúng tôi có mặt tại trang trại của ông Lê Văn Việt ở xóm Vạn An, xã Vân Diên. Dù trước đó thời tiết có mưa nên không khí được điều tiết hơn nhưng khi đặt chân đến trang trại, mùi hôi thối vẫn bốc ra nồng nặc. Qua quan sát, hệ thống trang trại của ông Việt nằm sát 2 khu dân cư là khu vực giáp ranh thị trấn Nam Đàn với xã Vân Diên.

Tiếp xúc với một số hộ dân xung quanh, tất cả đều chung ý kiến và khẳng định trang trại chăn nuôi của ông Việt lâu nay gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt, sức khỏe của hàng chục hộ dân nơi đây, nhất là với trẻ nhỏ.

Theo phản ánh, không chỉ ô nhiễm từ rác thải, phân của gia súc từ thức ăn công nghiệp phát ra mà trong thời gian dài, ông Việt thường xuyên thu gom các loại gia súc như dê, chuột, mèo chết phân hủy lâu ngày về “tập kết” trước cổng nhà, ruồi nhặng, mùi hôi thối bốc lên, ảnh hưởng đến các hộ gia đình xung quanh.

Khi được hỏi, việc ông Việt được phê duyệt lò mổ gia súc tập trung nhưng tự ý chuyển làm trang trại chăn nuôi là sai quy định sao địa phương và huyện không nắm được, ông Nguyễn Hồ Tiến, Phó trưởng phòng Tài nguyên Môi trường và bà Bùi Thị Oanh, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện thừa nhận: “Bây giờ huyện mới nắm được, cái này thuộc về chính quyền địa phương. Bản thân ông Việt tự ý chuyển đổi mục đích kinh doanh, sử dụng khi chưa được chính quyền và cơ quan chức năng cấp phép là sai quy định”.

Xuân Thống

Các tin khác