(Congannghean.vn)-Kiểm tra thực tế công trình, phát hiện hàng loạt sai phạm nghiêm trọng nhưng Ban quản lý (BQL) Dự án cải thiện nông nghiệp có tưới Hà Tĩnh vẫn “bật đèn xanh” cho nhà thầu tiếp tục thi công.
Vừa qua, Báo Công an Nghệ An nhận được đơn tố cáo về việc vi phạm quản lý chất lượng công trình N1-16 của Dự án cải thiện nông nghiệp có tưới (WB7). Theo đơn tố cáo, BQL Dự án WB7 Hà Tĩnh do ông Nguyễn Văn Tâm làm Giám đốc đã cố tình bao che sai phạm của nhà thầu. Trong đó có những sai phạm nghiêm trọng, biểu hiện “rút ruột” công trình như: Bớt kích thước chiều dày đáy kênh, bớt thép dọc, thép ngang, bớt xi măng, bớt kích thước đá đổ bê tông, không làm khớp nối…
Đoạn kênh N1-16, địa điểm chủ đầu tư bị tố bao che sai phạm của nhà thầu |
Dự án WB7 do Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh làm chủ đầu tư, từ nguồn vốn của Ngân hàng thế giới (WB) tài trợ. Mục tiêu của Dự án là cấp đủ nước tưới cho 31.348 ha đất sản xuất nông nghiệp và thủy sản, cấp nước sinh hoạt 13.600 m3/ngày đêm trong vùng Dự án. Tổng mức đầu tư Dự án gần 704 tỉ đồng. Trong đó chủ yếu tập trung vào nâng cấp cơ sở hạ tầng hệ thống tưới kênh Kẻ Gỗ, kênh Sông Rác. Địa điểm xây dựng trên địa bàn các huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà và TP Hà Tĩnh.
Công trình kênh N1-16, N-17 thuộc gói thầu xây lắp số 4, có ký hiệu HT/W4/2014 nằm trong Dự án nâng cấp, cải tạo hệ thống thủy lợi Kẻ Gỗ, được đầu tư với tổng mức đầu tư gần 21 tỉ đồng. Đơn vị trúng thầu là liên doanh 3 công ty gồm: Công ty cổ phần Mai Thành Huy, Công ty Nhật Long và Công ty CP xây lắp và dịch vụ Việt Tiệp. Đơn vị giám sát là Công ty CP tư vấn và xây lắp Vương Thịnh.
Trong quá trình thi công kênh N1-16, cán bộ kỹ thuật của chủ đầu tư đã nhiều lần phát hiện, lập biên bản hàng loạt sai phạm nghiêm trọng của nhà thầu nhưng những người có trách nhiệm của BQL lại không xử lý triệt để.
Cụ thể, tháng 3/2015, BQL Dự án đã lập 3 biên bản làm việc tại hiện trường, có cả hình ảnh kèm theo về những sai phạm của nhà thầu như không bố trí chỉ huy công trường và cán bộ kỹ thuật, thay đổi thiết kế đá, bố trí thiếu thép, bớt xi măng…
Tiếp đó, BQL Dự án cũng đã có văn bản yêu cầu đơn vị giám sát thi công báo cáo chi tiết về việc giám sát thi công và chi tiết những sai phạm của nhà thầu. Tuy nhiên, sau những động thái mang tính hình thức này, phía BQL không có bất cứ biện pháp nào để buộc nhà thầu khắc phục những sai phạm.
Việc phát hiện sai phạm thì đã được làm rõ, thế nhưng, việc xử lý sai phạm của BQL Dự án WB7 lại khiến dư luận hoài nghi có sự dung túng, bao che? Liệu đằng sau sự “ưu ái” đặc biệt này còn có nguyên nhân nào khác?