Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201610/dau-tranh-quyet-liet-voi-toi-pham-mua-ban-nguoi-705611/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201610/dau-tranh-quyet-liet-voi-toi-pham-mua-ban-nguoi-705611/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Đấu tranh quyết liệt với tội phạm mua bán người - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 25/10/2016, 08:37 [GMT+7]

Đấu tranh quyết liệt với tội phạm mua bán người

(Congannghean.vn)-Trong những năm qua, trước thực trạng tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người trên địa bàn tiếp tục có những diễn biến phức tạp, Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ tỉnh Nghệ An đã có nhiều biện pháp quyết liệt, đồng bộ để giảm thiểu tệ nạn này.

Công an huyện Tương Dương giải cứu thành công cháu bé 4 tuổi bị lừa bán sang Trung Quốc (tháng 5/2016)
Công an huyện Tương Dương giải cứu thành công cháu bé 4 tuổi bị lừa bán sang Trung Quốc (tháng 5/2016)

Vẫn còn nhức nhối tệ nạn mua bán người

Trung tuần tháng 7/2016, người dân một xã giáp ranh với thị trấn Con Cuông xôn xao trước sự trở về đầy bất ngờ của em Lô Thị Q. (SN 1996) sau gần 5 tháng bị mất tích.

Chuyện xảy ra vào ngày 28/12 âm lịch 2015, khi Q. cùng mẹ đẻ đến thăm họ hàng ở bản Tổng Chai, xã Chi Khê, huyện Con Cuông thì gặp bà Vi Thị M., một người họ hàng quen biết. Thấy Q. xinh xắn, bà M. đã rủ rê Q. đi làm tiếp viên cho một nhà hàng ở Hải Phòng với mức lương cao. Vì nhà chỉ có hai mẹ con, thương mẹ vất vả nên Q. đã đồng ý.

Ngày 16/2/2016, Q. đã lên chuyến xe định mệnh ra Quảng Ninh rồi đi thuyền sang Trung Quốc. Ở xứ người, cô gái 21 tuổi này đã bị biến thành “món hàng”. So với rất nhiều nạn nhân khác, Q. may mắn hơn nên đã trốn thoát. Trên đường bỏ chạy, Q. đã gặp một người Việt Nam tốt bụng nên được cưu mang, sau đó chỉ đường về Việt Nam.

Lô Thị Q. chỉ là một trong hàng trăm trường hợp bị lừa bán qua biên giới trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong thời gian qua. Em cũng là một trong số ít trường hợp may mắn được trở về sau khi bị lừa bán. Với rất nhiều chiêu bài khác nhau, bọn tội phạm mua bán người đã dụ dỗ, lừa phỉnh nạn nhân là trẻ em, phụ nữ trong độ tuổi từ 14 đến dưới 30 để bán sang Trung Quốc hoặc các địa phương khác trong nước làm gái mại dâm.

Bà Trương Thị Tuyết Mai, Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết: Qua khảo sát thực tế, hiện nay trên địa bàn huyện Quế Phong có 22 nạn nhân là phụ nữ nghi bị mua bán hiện đang vắng mặt ở địa phương hoặc đang ở nước ngoài.

“Xu hướng hoạt động chung của bọn tội phạm mua bán người là lừa những phụ nữ có trình độ văn hóa, khả năng nhận thức thấp, không có nghề nghiệp, nhẹ dạ đi làm việc kiếm tiền nơi xa rồi đưa ra nước ngoài bán. Thậm chí, một số bị can nguyên là người bị hại trong các vụ mua bán người qua biên giới trước đây, nay trở về thăm gia đình, vì vụ lợi lại tìm cách đưa những phụ nữ khác ra nước ngoài để bán kiếm tiền”, bà Mai cho biết thêm.

Một địa bàn cũng nhức nhối về tệ nạn này không kém Quế Phong là huyện miền núi biên giới Tương Dương. Theo số liệu mà ông Lô Thanh Nhất, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cung cấp thì tính ở thời điểm này, huyện có hơn 2.300 người ra nước ngoài lao động bất hợp pháp, trong đó có hơn 1.200 phụ nữ. Điều đáng quan ngại là trong số phụ nữ rời khỏi địa bàn này, chính quyền cũng không xác định được có bao nhiêu người tự rời đi và bao nhiêu người là nạn nhân của tội phạm mua bán người.

Giai đoạn từ năm 2011 - 2015, Nghệ An đã phát hiện 65 vụ, 135 đối tượng liên quan đến tội phạm mua bán người. Trong đó, lực lượng BĐBP phát hiện, bắt giữ 15 vụ, 38 đối tượng và Công an tỉnh phát hiện, bắt giữ 50 vụ, 97 đối tượng. Qua đó, đã khởi tố điều tra 63 vụ, 132 bị can tham gia lừa bán 121 phụ nữ, trẻ em; phát hiện, triệt xóa 7 đường dây, giải cứu 26 nạn nhân, tập trung xác minh hàng chục đường dây nghi hoạt động mua bán phụ nữ, trẻ em.

Quyết liệt đấu tranh

Trước tình hình tệ nạn mua bán người ngày càng diễn biến phức tạp, tinh vi, Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ đã quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành liên quan tăng cường đấu tranh để làm “giảm nhiệt” loại hình tội phạm này.

Trong đó, Sở LĐ,TB&XH phối hợp với Trung tâm Hữu nghị phát triển cộng đồng Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Nghệ An về phối hợp thực hiện chương trình “Phòng, chống mua bán người qua biên giới” của Tổ chức “Vòng tay Thái Bình” để hỗ trợ công tác phòng, chống mua bán người ở các huyện giáp biên giới trên địa bàn Nghệ An.

Chương trình đã hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu về ăn, ở, sinh hoạt, học nghề, học văn hóa và tập huấn, tuyên truyền giáo dục cộng đồng cho các đối tượng có nguy cơ bị mua, bán và cho các đối tượng là nạn nhân trở về. Trong năm 2015, chương trình này đã tổ chức trao 14 phần quà cho các nạn nhân bị mua bán trở về trên địa bàn 2 huyện Thanh Chương và Quế Phong.

Cũng trong thời gian qua, Nghệ An đã giải cứu, tiếp cận 87 nạn nhân bị mua bán trở về, trong đó 81 phụ nữ được giải cứu và 6 trường hợp tự đào thoát trở về. Những nạn nhân này đã được hỗ trợ các điều kiện ban đầu như tiền tàu xe đi về, tư vấn tâm lý, y tế và các đoàn thể đã tiến hành hỏi thăm, động viên, trợ giúp nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng ngay khi nạn nhân trở về địa phương. Con số nạn nhân được hỗ trợ trong năm 2016 là 16 trường hợp.

Cũng trong thời gian gần đây, BĐBP và Hải quan Nghệ An thường xuyên phối hợp với lực lượng chức năng của nước bạn Lào, nhất là với chính quyền 3 tỉnh Xiêng Khoảng, Hủa Phăn và Bôlykhămxay để triển khai các giải pháp đảm bảo ANTT tại khu vực biên giới nhằm phòng, chống vượt biên trái phép, trao đổi thông tin hoạt động của các loại tội phạm, trong đó có tội phạm mua bán người.

Theo đánh giá của Ban Phòng chống tội phạm, tệ nạn ma túy và mại dâm của tỉnh, trong thời gian qua, mặc dù công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người đã được chỉ đạo quyết liệt, 100% các tuyến, địa bàn trọng điểm về tệ nạn này đã được áp dụng các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn; trên 95% các chuyên án, vụ việc liên quan đến mua bán người đều đạt kết quả và nạn nhân mua bán người được bảo vệ, hỗ trợ, trợ giúp pháp lý miễn phí, song nhìn chung, tình hình tội phạm mua bán người vẫn còn diễn biến phức tạp.

Bên cạnh đó, công tác phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này có nơi, có lúc vẫn còn hạn chế, chưa tương xứng với tình hình do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, phần lớn các vụ án liên quan, khi các đối tượng thực hiện hành vi mới phát hiện được; một số trường hợp do mặc cảm nên không khai báo, một số vụ án khi phát hiện thì nạn nhân lại đang ở nước ngoài dẫn đến việc củng cố tài liệu, chứng cứ để khởi tố vụ án, điều tra gặp nhiều khó khăn. Số đối tượng mua bán người hình thành nên các đường dây chặt chẽ, nằm rải rác ở các tỉnh trong cả nước, thậm chí là cả ở nước ngoài nên việc tổ chức bắt giữ, xử lý khó khăn, kéo dài thời gian, tốn nhiều công sức và kinh phí. Ngoài ra, lực lượng chuyên trách công tác này còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.

.

Thiện Thành

.