Pháp luật
Tái lập lực lượng SBC để trấn áp tội phạm
Đề án tái lập lực lượng Săn bắt cướp (SBC) của Công an TP Hồ Chí Minh hiện đã được Bộ Công an ủng hộ và đồng ý về mặt chủ trương. Tuy nhiên, về việc này, Bộ Công an vẫn đang tiếp tục xem xét, nghiên cứu cơ chế hoạt động của lực lượng này, để đảm bảo hiệu quả công tác và không vi phạm pháp luật.
Bộ Công an ủng hộ chủ trương tái lập SBC
Cuối tháng 6 vừa qua, tại buổi họp báo thông báo tình hình, kết quả công tác 6 tháng đầu năm 2016 và nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm của Bộ Công an tổ chức, Trung tướng Lê Văn Đệ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND - đơn vị được giao nghiên cứu đề xuất của Công an TP Hồ Chí Minh - cho biết lãnh đạo Bộ Công an đã cho ý kiến về mô hình thành lập đội SBC, đồng thời trao đổi với Tổng cục Cảnh sát xem xét về mặt cơ chế hoạt động và pháp lý của mô hình.
Trung tướng Lê Văn Đệ cũng cho hay, Tổng cục Chính trị CAND muốn thành lập thí điểm 2 Đội SBC trực thuộc Phòng Cảnh sát ĐTTP về TTXH của Công an Hà Nội và Công an TP Hồ Chí Minh. Sau đó sẽ sơ kết, đánh giá và nhân rộng. “Về mặt chủ trương thì chúng tôi ủng hộ và thấy là vấn đề cần thiết, tuy nhiên về luật cần phải chặt chẽ. Hiện Tổng cục Chính trị vẫn đang xem xét nghiên cứu cơ chế hoạt động của đội này, đảm bảo hoạt động theo tổ chức và không vi phạm pháp luật”, Trung tướng Lê Văn Đệ nói.
Sáng 29-6, một doanh nghiệp đã trao tặng 100 xe mô tô cho lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm của Công an TP. Hồ Chí Minh nhằm hỗ trợ phương tiện trong việc trấn áp tội phạm. |
Có thể nói, việc tái lập lực lượng SBC thuộc Công an TP Hồ Chí Minh là rất cần thiết và đáp ứng yêu cầu công tác tấn công trấn áp tội phạm và nguyện vọng của đông đảo người dân hiện nay.
Bởi tại Hội nghị sơ kết tình hình, kết quả ba tháng cao điểm về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trên địa bàn TP Hồ Chí Minh tổ chức ngày 14-6-2016, dù được Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của Công an TP Hồ Chí Minh vì tình hình an ninh trật tự của thành phố đã có những chuyển biến tích cực; tội phạm đã bị đấu tranh, truy quét nhiều nơi. Tuy nhiên, tỷ lệ tội phạm vẫn rất cao, trong đó loại hình tội phạm như cướp giật, trộm cắp giảm không đáng kể, chiếm tỷ lệ cao trong tổng số vụ phạm pháp hình sự, gây bất ổn an ninh trật tự.
Đặc biệt, về nạn cướp giật, theo Công an TP Hồ Chí Minh, trong cao điểm 3 tháng đã xảy ra 218 vụ. Con số này cho thấy cứ trung bình một ngày trên địa bàn thành phố xảy ra từ 2-3 vụ cướp; mới nghe có vẻ đó là con số không lớn đối với một địa phương hơn chục triệu dân như TP Hồ Chí Minh. Nhưng theo nhiều người dân, con số này chưa phản ánh hết tình hình thực tế bởi có nhiều vụ cướp nạn nhân không trình báo với cơ quan Công an và cho đến giờ cướp giật vẫn là nỗi ám ảnh của người dân khi đi ra đường.
Theo Thượng tá Vũ Như Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu (PV11) Công an TP Hồ Chí Minh, hiện Công an TP Hồ Chí Minh đã và đang chuẩn bị những việc làm cần thiết cho sự tái lập của lực lượng này. Mọi khâu chuẩn bị cả về cơ cấu, chức năng quyền hạn của lực lượng và phối hợp với các đơn vị khác để thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh với tội phạm, cướp giật trên đường phố… gần như đã hoàn tất. Đồng thời, Công an TP Hồ Chí Minh cũng đang gấp rút cho lực lượng này tổ chức luyện tập để chuẩn bị cho việc thành lập Đội SBC.
Thượng tá Vũ Như Hà nhấn mạnh rằng với lực lượng SBC thì phải đảm bảo được hai yêu cầu quan trọng nhất: Thứ nhất là phải đảm bảo yêu cầu về nghiệp vụ, tức là phải đấu tranh trấn áp có hiệu quả các loại tội phạm trên đường phố; thứ hai là phải đảm bảo an toàn cho người dân.
Về lực lượng thì các chiến sĩ Cảnh sát hình sự đặc nhiệm sẽ là lực lượng chính tham gia vào Đội SBC sắp tới, nhưng phải là những chiến sĩ dũng cảm, giỏi chuyên môn nghiệp vụ nhất. Các chiến sĩ SBC sẽ có cơ chế đặc biệt và nhiều quyền hạn hơn trong đấu tranh tội phạm, ví dụ như sẽ cho phép Đội SBC có thể trưng dụng phương tiện, tài sản của công dân trong quá trình truy bắt tội phạm… Đồng thời, lực lượng này sẽ được trang bị các phương tiện hỗ trợ như bộ đàm, vũ khí quân dụng, áo chống đạn…
Sẽ tạo hành lang pháp lý và có quy chế hoạt động cho các “hiệp sĩ đường phố”
Một vấn đề rất đáng lưu ý khác là sau khi lực lượng SBC chính quy được thành lập, Công an TP Hồ Chí Minh vẫn đang chỉ đạo các đơn vị phối hợp với ban ngành liên quan nghiên cứu thành lập các Câu lạc bộ, Đội, Nhóm phòng chống tội phạm. Đồng thời, nghiên cứu cơ chế huy động quỹ phòng, chống tội phạm và khuyến khích, thưởng bằng vật chất cho quần chúng nhân dân có thành tích trong việc trực tiếp truy bắt tội phạm hoặc cung cấp tin báo có giá trị trong phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội.
Trao đổi ý kiến xung quanh việc Công an TP Hồ Chí Minh sẽ tái lập lực lượng SBC, một số “hiệp sĩ đường phố” đều bày tỏ sự hoan nghênh và cho biết rất sẵn sàng tham gia cộng tác. Bởi theo đúng bản chất thì các “hiệp sĩ đường phố” chỉ đóng vai trò như những người dân cùng tham gia bắt cướp. Do đó, các nhóm “hiệp sĩ đường phố” vẫn sẽ tiếp tục hoạt động khi Công an TP Hồ Chí Minh tái lập Đội SBC.
Về hoạt động của các nhóm “hiệp sĩ đường phố”, Thượng tá Vũ Như Hà cho biết: “Công an thành phố cũng theo hướng là phải tạo hành lang pháp lý cho họ (tức các “hiệp sĩ”) hoạt động, thứ hai là phải có hướng dẫn, quy chế để họ biết phạm vi hoạt động của mình như thế nào đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật”.
Bao nhiêu năm qua, mỗi khi nhắc tới SBC, người dân TP Hồ Chí Minh vẫn mãi ghi nhớ về những chiến sĩ SBC luôn kịp thời xuất hiện những nơi có bọn cướp, với những chiến công đã trở thành huyền thoại. Việc Công an TP Hồ Chí Minh sẽ tái lập Đội SBC trong tình hình tội phạm cướp giật đang phức tạp như hiện nay có thể nói là rất cần thiết và đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người dân.
Nguồn: Cand.com.vn