Pháp luật

Cần xử lý nghiêm tội phạm chống người thi hành công vụ

14:42, 04/07/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Trong những năm qua, tình hình tội phạm nói chung, tội phạm về ma túy nói riêng luôn diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng cả về tính chất và mức độ; đặc biệt các đối tượng phạm tội có dấu hiệu hoạt động manh động hơn, ma túy được vận chuyển với số lượng lớn hơn.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tội phạm ma túy sẵn sàng sử dụng vũ khí “nóng”

Để đối phó với biện pháp trấn áp mạnh mẽ của các cơ quan chức năng, các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn, sẵn sàng sử dụng vũ khí “nóng” chống trả lại lực lượng truy bắt khi bị phát hiện hoặc để giải cứu đồng bọn khi bị bắt giữ. Việc chống người thi hành công vụ thường diễn ra với các lực lượng: cảnh sát giao thông, cảnh sát hình sự, cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, công an xã, phường,...

Từ năm 2014 - 2015 xảy ra 4.060 vụ chống người thi hành công vụ, trong đó có 3.207 vụ chống lại lực lượng công an, 137 vụ chống lại lực lượng kiểm lâm, 84 vụ chống lại các lực lượng khác. Đặc biệt là tình trạng các đối tượng phạm tội về ma túy sử dụng các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ chống người thi hành công vụ xảy ra ở một số địa phương làm bị thương và hy sinh một số cán bộ, chiến sỹ của các lực lượng trực tiếp đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy gây bức xúc trong dư luận xã hội. Đến nay, trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy đã có 20 cán bộ, chiến sỹ thuộc các lực lượng chức năng hy sinh và hàng trăm trường hợp bị thương hoặc bị phơi nhiễm HIV/AIDS.

Điển hình như các vụ chống người thi hành công vụ ở Hòa Bình ngày 5/2/2010, làm 3 chiến sĩ hy sinh, 4 chiến sĩ bị thương; vụ chống người thi hành công vụ ở Lạng Sơn ngày 25/9/2010, làm 1 chiến sĩ hy sinh, 2 chiến sĩ bị thương; vụ chống người thi hành công vụ ở Sơn La ngày 19/7/2014, làm 1 chiến sĩ hy sinh, 1 chiến sĩ bị thương.

Các vụ đối tượng phạm tội ma túy sử dụng vũ khí chống người thi hành công vụ điển hình xảy ra trên các tuyến và địa bàn trọng điểm phức tạp về tội phạm hình sự, ma túy. Tính chất, mức độ của các vụ việc khác nhau, tuy nhiên vấn đề trên đã và đang trở thành mối quan ngại, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải có sự nhìn nhận, đánh giá đúng đắn và có biện pháp để phòng tránh thương vong cho các lực lượng trực tiếp làm công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy, hình sự.

Sở dĩ trong thời gian qua thường xảy ra các vụ việc đối tượng phạm tội về ma túy sử dụng vũ khí chống người thi hành công vụ, gây thương vong cho các lực lượng truy bắt là do một số nguyên nhân chủ yếu như tính chất siêu lợi nhuận của việc mua bán trái phép chất ma túy, do tính chất côn đồ, hung hãn của một số đối tượng, mặc dù các đối tượng đều  nhận thức được chính sách hình sự của Nhà nước ta áp dụng cho các loại tội phạm về ma túy rất nghiêm khắc nhưng vẫn đi vào con đường phạm tội. Các đối tượng biết rằng, khi phạm các tội về ma túy nếu bị phát hiện, bắt giữ sẽ phải chịu hình phạt nghiêm khắc nhất của pháp luật. Chính vì vậy, trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội nếu bị phát hiện, bắt giữ chúng sẵn sang chống trả quyết liệt các lực lượng chức năng để tẩu thoát.

Các lực lượng trực tiếp tiến hành công tác phòng, chống tội phạm về ma túy những năm qua tuy đã được tăng cường nhưng vẫn còn mỏng; đồng thời các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật phục vụ chiến đấu còn rất thiếu thốn, lạc hậu, nhất là ở các địa bàn biên giới, vùng sâu, vùng xa. Trong khi đó, một số quy định về sử dụng súng rất chặt chẽ (nhất là trước khi có Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ). Chính vì vậy, một số cán bộ, chiến sỹ còn tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm liên đới khi sử dụng vũ khí.

Công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ còn nhiều bất cập. Mặc dù tại các địa bàn trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự nói chung và tội phạm ma túy nói riêng, chính quyền địa phương đã tổ chức nhiều đợt vận động đồng bào giao nộp các loại vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, nhưng thực tế vẫn còn tồn tại một lực lượng vũ khí quân dụng, vũ khí tự tạo không nhỏ trong nhân dân. Đồng bào các dân tộc vẫn có thói quen sử dụng vũ khí, đặc biệt là các vũ khí tự tạo để săn bắn, chống lại thú rừng hoặc để phòng thân khi đi làm nương rẫy. Hơn nữa, tại các địa bàn biên giới, các đối tượng phạm tội về ma túy có thể dễ dàng trao đổi, mua bán các loại vũ khí khác nhau với các đối tượng người nước ngoài.

Công tác tuyên truyền pháp luật đối với nhân dân, đặc biệt là đồng bào ở vùng sâu, vùng xa còn hạn chế. Một số vụ án chống người thi hành công vụ, điều tra, truy tố, xét xử chưa nghiêm, không có tác dụng giáo dục răn đe. Tệ nạn ma túy, cờ bạc, rượu bia, văn hóa đạo đức của một bộ phận nhân dân xuống cấp, cũng là nguyên nhân dẫn đến chống người thi hành công vụ. Thực tế các vụ việc tội phạm ma túy sử dụng vũ khí chống người thi hành công vụ, gây thương vong cho các lực lượng truy bắt trong thời gian qua chủ yếu diễn ra tại các địa bàn trọng điểm phức tạp về ma túy, các địa bàn biên giới, đồi núi hiểm trở, hoang vắng, ít người qua lại. Chính vì vậy, các đối tượng phạm tội có thể lợi dụng dùng vũ khí chống trả quyết liệt để nhanh chóng tẩu thoát. Các loại vũ khí mà các đối tượng phạm tội về ma túy sử dụng để chống trả lại các cơ quan chức năng gồm các loại vũ khí quan dụng như K54, K59, AK, súng kíp, súng săn, súng thể thao, súng tự tạo, lựu đạn, giáo mác,… thậm chí bất kỳ công cụ phương tiện thô sơ nào.

Nhìn lại các vụ việc đã xảy ra trong thời gian qua cho thấy, các đối tượng sử dụng vũ khí chống người thi hành công vụ, thường là các trùm đầu nậu ma túy, các đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm về ma túy, các đối tượng lưu manh chuyên nghiệp, đối tượng nghiện ma túy. Trong các vụ bắt giữ này, các cơ quan chức năng thường thu giữ được một số lượng lơn ma túy, cho nên các đối tượng phạm tội biết rằng với số lượng ma túy đó nếu bị bắt thì chúng có thể phải chịu mức hình phạt cao nhất.

Như vậy, có thể thấy các đối tượng phạm tội về ma túy ngày càng trở nên manh động, vì tính chất siêu lợi nhuận của việc mua bán ma túy mà chúng hoạt động ngày càng ráo riết, tự trang bị vũ khí để chống trả các lực lượng truy bắt nếu bị phát hiện, truy bắt hoặc để giải cứu đồng bọn.

Xét xử nghiêm những vụ chống người thi hành công vụ

Để góp phần hạn chế xảy ra các vụ sử dụng vũ khí chống người thi hành công vụ trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy cũng như giảm thiểu thương vong cho các lực lượng tham gia truy bắt đối tượng phạm tội, đề nghị cấp ủy chính quyền địa phương và các đơn vị chức năng thường xuyên tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tội phạm nói chung, mà cụ thể là Điều 330 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định tội chống người thi hành công vụ: “Người nào dùng vũ lực, đe dọa hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc hành vi trái pháp luật thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 03 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội;

d) Gây thiệt hại về tài sản 50.000.000 đồng trở lên;

đ) Tái phạm nguy hiểm."


Các lực lượng chức năng thường xuyên tổ chức tập huấn quân sự, võ thuật cho cán bộ chiến sỹ để nâng cao trình độ kỹ, chiến thuật trong chiến đấu. Cần quán triệt sâu sắc Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ được Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua ngày 30/6/2011, nhất là tại Khoản 2, Khoản 3, Điều 22.

Khoản 2, Điều 22: Khi thi hành nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự có tổ chức, việc nổ súng tuân theo mệnh lệnh của người có thẩm quyền. Khi thi hành nhiệm vụ độc lập, việc nổ súng tuân theo các nguyên tắc sau đây:

a) Phải căn cứ vào từng tình huống, tính chất, mức độ hành vi nguy hiểm của đối tượng để quyết định việc nổ súng;

b) Chỉ nổ súng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của tượng và sau khi đã cảnh báo mà đối tượng không tuân theo. Nếu việc nổ súng không kịp thời sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe cho bản thân hoặc người khác hoặc có thể gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì được nổ súng ngay;

c) Không nổ súng vào đối tượng khi biết rõ người đó là phụ nữ, người tàn tật, trẻ em, trừ trường hợp những người này sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác;

d) Trong mọi trường hợp nổ súng, người sử dụng súng cần hạn chế thiệt hại do việc nổ súng gây ra.

Khoản 3, Điều 22: Các trường hợp nổ súng gồm:

a) Đối tượng đang sử dụng vũ lực, vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp đe dọa đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác;

b) Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc đe dọa sự an toàn của công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, mục tiêu quan trọng được bảo vệ theo quy định của pháp luật;

c) Đối tượng đang thực hiện hành vi cướp súng của người thi hành công vụ;

d) Đối tượng đang sử dụng vũ khí gây rối trật tự công cộng có thể gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng;

đ) Đối tượng đang đánh tháo người bị giam, người bị dẫn giải do phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, tái phạm nguy hiểm; người bị giam, giữ, bị dẫn giải, bị áp giải do phạm tội đặc biệt nghiêm trọng đang chạy trốn hoặc chống lại;

e) Được phép bắn vào phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông đường thủy nội địa để dừng phương tiện đó trong các trường hợp sau, trừ phương tiện giao thông của các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế:

Đối tượng điều khiển phương tiện đó tấn công hoặc đe doạ trực tiếp đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác;

Khi biết rõ phương tiện đó do đối tượng phạm tội điều khiển cố tình chạy trốn, trừ trường hợp trên phương tiện có chở khách hoặc có con tin;

Khi biết rõ trên phương tiện cố tình chạy trốn có đối tượng phạm tội hoặc vũ khí, vật liệu nổ trái phép, tài liệu phản động, bí mật nhà nước, ma túy số lượng lớn, tài sản đặc biệt quý hiếm, bảo vật quốc gia, trừ trường hợp trên phương tiện có chở khách hoặc có con tin;

g) Động vật đang đe dọa đến tính mạng và sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác.

Ngoài ra, các cơ quan, đài báo thường xuyên tuyên truyền, lên án những hành vi chống người thi hành công vụ; cơ quan tiến hành tố tụng phải tích cực điều tra, truy tố, xét xử nghiêm những vụ chống người thi hành công vụ để răn đe các đối tượng khác, không nên áp dụng án treo.

 


Đại tá Phạm Văn Chình

Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an

Nguồn: Chinhphu.vn

Các tin khác