Pháp luật
Hiệp đồng hai sắc áo trên mặt trận phòng, chống tội phạm
5 năm với gần 6.000 vụ án ma túy được đưa ra ánh sáng, 7.000 đối tượng phạm tội về ma túy bị bắt giữ, 646 vụ mua bán người được khám phá… Sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ có hiệu quả giữa những người lính mang quân hàm xanh đang ngày đêm canh giữ biên ải và các cán bộ Công an trên mặt trận phòng chống tội phạm đã tạo nên thế trận liên hoàn trên nhiều tuyến, nhiều địa bàn trọng điểm.
Tội phạm ma túy diễn biến phức tạp trên tất cả các tuyến biên giới
Theo đánh giá của BĐBP, từ năm 2011 đến nay, tình hình tội phạm vi phạm pháp luật trong cả nước nói chung và ở các địa phương trên tuyến biên giới nói riêng về cơ bản được kiềm chế, nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp, xu hướng có sự đan xen, liên kết giữa các loại tội phạm hình sự, kinh tế, ma túy, môi trường và sự cấu kết, móc nối hình thành các băng ổ, nhóm, đường dây tổ chức tội phạm hoạt động liên tỉnh, xuyên quốc gia, có yếu tố nước ngoài ngày càng rõ nét.
Lực lượng biên phòng và cảnh sát phối hợp trên mặt trận phòng, chống tội phạm |
Tình hình tội phạm về trật tự xã hội ngày càng diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng, đa dạng về loại tội phạm và đối tượng phạm tội; phương thức, thủ đoạn hoạt động liều lĩnh, manh động, tính chất, cường độ quyết liệt hơn, có lúc, có nơi gây lo lắng, bức xúc trong nhân dân… Từ năm 2011 đến 2015, toàn quốc xảy ra 276.237 vụ phạm pháp hình sự, trong đó 44 tỉnh, thành phố biên giới (đất liền, biển) xảy ra 172.049 vụ, chiếm 62,28% so với cả nước.
Tội phạm về ma túy tiếp tục diễn biến rất phức tạp trên tất cả các tuyến biên giới đất liền, tuyến biển, tuyến hàng không, trong đó tuyến biên giới Việt Nam - Lào được xác định là trọng điểm, ma túy được vận chuyển từ khu vực “Tam giác vàng” thẩm lậu vào nước ta chủ yếu qua tuyến này, sau đó vận chuyển đi các nơi (20% tiêu thụ trong nước, 80% vận chuyển sang nước thứ ba).
Tình hình trên đặt ra yêu cầu đòi hỏi các lực lượng chức năng trong nước, trong đó có hai lực lượng nòng cốt là Cảnh sát phòng chống tội phạm và Bộ đội Biên phòng phải không ngừng đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp phối hợp với nhau cũng như tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng của nước ngoài và các tổ chức quốc tế để nâng cao hiệu quả PCTP, đảm bảo ANTT.
Công tác phối hợp phát huy được hiệu quả
Theo Thiếu tướng Bùi Đức Hạnh, Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, trong 5 năm qua (2011-2015), hai lực lượng Cảnh sát và Bộ đội Biên phòng đã phối hợp thực hiện tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, tổ chức, đoàn thể xã hội và toàn dân tham gia công tác PCTP, đảm bảo TTATXH, kiềm chế sự gia tăng của các loại tội phạm, không để tội phạm hoạt động lộng hành, phức tạp kéo dài tại khu vực biên giới đất liền, biển đảo, góp phần ổn định tình hình, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Công tác phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau trong trao đổi, xử lý, xác minh thông tin, xác lập, đấu tranh chuyên án chung từng bước đi vào chiều sâu và phát huy hiệu quả, nhất là trong PCTP ma túy, tội phạm mua bán người...
Trong phối hợp xây dựng và triển khai thực hiện các phương án, kế hoạch PCTP, đảm bảo TTATXH ở các tuyến, địa bàn trọng điểm, nhất là khu vực biên giới đất liền, giáp biển, hai lực lượng đã xây dựng triển khai 270 kế hoạch nghiệp vụ; 5 Phương án; tổ chức 660 đợt cao điểm tập trung đấu tranh với tội phạm về ma túy; mua bán người; buôn lậu, gian lận thương mại; tàng trữ, mua bán vũ khí, vật liệu nổ.
Trong đó nổi bật là phối hợp triển khai các Phương án, kế hoạch đấu tranh với tội phạm về ma túy trên tuyến Việt - Lào, Việt - Trung; phối hợp đấu tranh với tội phạm mua bán người và phối hợp đấu tranh với tội phạm hình sự, trong đó phải kể đến việc triển khai nhân rộng mô hình KH 1048 trên các địa bàn trọng điểm về tệ nạn và tội phạm ma túy; Phương án 592 giải quyết tình hình phức tạp về TTATXH tại cụm 3 xã: Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu, Hòa Bình) và xã Loóng Luông (Mộc Châu, Sơn La); Phương án 3597 của Bộ Tư lệnh BĐBP về đấu tranh ngăn chặn tội phạm vận chuyển ma túy có vũ trang qua biên giới trên địa bàn tỉnh Sơn La; Kế hoạch số 1162/KH-BTL của Bộ Tư lệnh BĐBP về chỉ đạo phối hợp với Tổng Cục Cảnh sát/BCA giải quyết địa bàn trọng điểm về ma túy tại huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La và huyện Mai Châu, tỉnh Hoà Bình… và nhiều đề án, chương trình, kế hoạch phối hợp quan trọng khác phục vụ đảm bảo TTATXH ở các khu vực biên giới.
Lực lượng Công an các đơn vị, địa phương đã tích cực phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng các cấp tiến hành khảo sát, điều tra cơ bản địa bàn, tuyến, hệ loại đối tượng tại khu vực biên giới, biển, đảo và các địa bàn, tuyến phức tạp về tội phạm, vi phạm pháp luật. Hai lực lượng đã phối hợp hoàn chỉnh điều tra cơ bản 1033/1075 địa bàn nội biên; 175 tuyến trọng điểm về ma túy; 135 tuyến trọng điểm về buôn lậu; 42 địa bàn, 26 tuyến trọng điểm về mua bán người.
Trong công tác phòng ngừa, phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc cụ thể, hai lực lượng Cảnh sát và Bộ đội Biên phòng các cấp đã tích cực, chủ động phối hợp triển khai nhiều kế hoạch, biện pháp theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền quy định của pháp luật tại các địa bàn được giao quản lý. Qua đó đã phát hiện, điều tra, xử lý nhiều vụ phạm tội, vi phạm pháp luật, góp phần đảm bảo TTATXH.
Đặc biệt trong giai đoạn 2011 - 2015, lực lượng BĐBP đã phối hợp với lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy phát hiện, bắt giữ, xử lý gần 6.000 vụ và gần 7.000 đối tượng liên quan đến tội phạm ma túy; thu giữ 2.089 bánh heroin; 219.568 viên và 210,8 kg MTTH, 453,65 kg nhựa và quả thuốc phiện, 5.515 kg cần sa, 31,6 kg cocain cùng nhiều tài sản, tài liệu liên quan; lực lượng Cảnh sát hình sự và Bộ đội Biên phòng đã phối hợp điều tra, khám phá 646 vụ mua bán người, bắt 673 đối tượng, tiếp nhận và giải cứu 721 nạn nhân. Lực lượng BĐBP đã khởi tố bàn giao 5.824 vụ, 7.082 đối tượng cho Công an các cấp xử lý.
Ngoài ra, công tác trao đổi thông tin và thống kê tình hình tội phạm, công tác phối hợp hướng dẫn và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, công tác phối hợp bắt, vận động đối tượng truy nã ra đầu thú, tiếp nhận phân loại, khai thác đối tượng đối tượng phạm tội, tiếp nhận nạn nhân trở về, công tác phối hợp quản lý biên giới và phát động phong trào quần chúng nhân dân tham gia PCTP, bảo vệ ANTQ cũng được phối hợp chặt chẽ và triển khai có hiệu quả.
Tuy nhiên, công tác phối hợp giữa hai lực lượng mới tập trung chủ yếu ở công tác PCTP về ma túy, tội phạm mua bán người, còn trong đấu tranh PCTP về kinh tế, môi trường, buôn lậu; bắt, vận động đối tượng truy nã ra đầu thú (nhất là đối tượng là người nước ngoài)... kết quả chưa cao, chưa tương xứng với tình hình, tính chất tội phạm, vi phạm pháp luật tại khu vực biên giới và trên tuyến đường sông, đường biển, nhất là tội phạm buôn lậu; buôn bán hàng giả, hàng cấm; săn bắt, vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã; khai thác trái phép khoáng sản, lâm sản, thủy, hải sản...
Trong thời gian tới, hai lực lượng cảnh sát và biên phòng tiếp tục tăng cường phối hợp thực hiện thường xuyên, có hiệu quả hơn nữa các mặt công tác nghiệp vụ cơ bản, công tác vận động quần chúng, công tác tuần tra, kiểm soát, quản lý biên giới, tập trung mở các đợt cao điểm tuyên truyền, tấn công, trấn áp tội phạm trên tuyến biên giới đất liền, tuyến đường thủy, tuyến biển; phối hợp lực lượng cùng nhau xác lập, đấu tranh chuyên án chung và làm tốt công tác hợp tác quốc tế, nhất là đối với các nước láng giềng, các nước trong khu vực..., nhằm chủ động phòng ngừa tội phạm, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh chống tội phạm, nhất là tội phạm ma túy, buôn lậu, mua bán người, tệ nạn cờ bạc, các băng nhóm, tổ chức, đường dây tội phạm hình sự nguy hiểm, hoạt động xuyên quốc gia, có yếu tố nước ngoài...
Đồng thời đổi mới và thực hiện chế độ, chính sách phù hợp, đồng bộ đối với các lực lượng thực thi nhiệm vụ đấu tranh PCTP, đảm bảo ANTT ở khu vực biên giới; có chính sách tăng cường bố trí cán bộ là người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại các địa bàn trên tuyến biên giới; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang bị phương tiện nghiệp vụ, kinh phí và các điều kiện đảm bảo, góp phần phục vụ và nâng cao hiệu quả công tác phối hợp PCTP, đảm bảo ANTT giữa hai lực lượng, trong đó ưu tiên cho các đơn vị Công an, Biên phòng ở cơ sở đảm bảo đủ điều kiện, khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, góp phần bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia ổn định, hòa bình, hữu nghị và phát triển bền vững lâu dài.
Nguồn: Chinhphu.vn