(Congannghean.vn)-Theo báo cáo của UBND TX Thái Hòa, Nghệ An, trên địa bàn có 33 lò gạch thủ công và 1 lò đứng liên tục cải tiến. Đến thời điểm này, thị xã đã cơ bản hoàn thành việc xóa bỏ 30 lò gạch thủ công, hiện còn 3 lò đang hoạt động cầm chừng, đối phó và cơ quan chức năng đang tiếp tục xóa bỏ theo lộ trình.
Lò gạch thủ công tiếp tục “nhả khói”
Theo thông tin phản ánh của người dân, thời gian qua, trên địa bàn phường Quang Tiến, TX Thái Hòa vẫn còn một số lò gạch thủ công đang hoạt động, bất chấp sự vào cuộc của các cơ quan chức năng địa phương.
Trung tuần tháng 4/2016, phóng viên Báo Công an Nghệ An đã có chuyến công tác tại TX Thái Hòa, khảo sát thực tế vị trí hoạt động của các lò gạch thủ công như thông tin phản ánh. Sáng 14/4, sau khi vượt qua cầu sông Hiếu và đi dọc theo đê sông Hiếu về phía hạ nguồn hơn 1 km, chúng tôi bắt gặp một lò gạch thủ công đang hoạt động.
Công nhân vận chuyển gạch lên xe ôtô (Ảnh chụp sáng 14/4/2016 tại lò gạch của ông Cận) |
Theo tìm hiểu của phóng viên, chủ lò gạch này là ông Lê Trọng Cận (trú tại khối Quang Phú - P.V). Thời điểm phóng viên có mặt, chủ lò gạch đi vắng. Quan sát xung quanh lò gạch, có hàng nghìn viên gạch mộc (gạch chưa nung -P.V) được sắp xếp thành nhiều hàng dài.
Tại vị trí lò chính, 1 nhóm người đang vận chuyển gạch thành phẩm từ trong lò lên chiếc xe tải BKS 37N-8510. Tại vị trí tập kết vật liệu, còn nhiều khối đất sét chờ sản xuất gạch… 1 người đàn ông ở đây cho biết, lò gạch này là của ông Cận, lâu nay hoạt động cầm chừng, chủ yếu là tận dụng số nguyên liệu (đất, than, củi - P.V) còn lại. Chúng tôi đã liên lạc với ông Cận để làm rõ một số nội dung liên quan, song ông Cận không hợp tác!
Cách lò gạch của ông Cận không xa là lò gạch thủ công của ông Nguyễn Văn Minh, trú tại khối Tây Hồ 1, phường Quang Tiến. Qua quan sát cho thấy, có hàng nghìn viên gạch mộc được sắp xếp thành từng hàng dài chờ đưa vào lò nung. 1 người phụ nữ ở đây cho biết, ông Minh đang trực tiếp sắp gạch ở trong lò. Tuy nhiên, khi tiếp cận người đàn ông này, ông ta chỉ kiểm tra giấy tờ của phóng viên rồi khẳng định “tôi không phải chủ ở đây”, ông chủ đi vắng!
Theo tìm hiểu của phóng viên, ngoài 2 lò gạch thủ công nói trên thì tại khối Tây Hồ 1, phường Quang Tiến còn có một lò gạch khác của bà Nguyễn Thị Phiên cũng đang hoạt động.
Trong khi đó, theo Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của các bộ, ngành cũng như các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Nghệ An thì các lò gạch này phải được xóa bỏ trong năm 2015.
Chính quyền địa phương “bất lực”?
Để làm rõ nguyên nhân tồn tại của các lò gạch thủ công trên địa bàn, qua trao đổi sự việc với phóng viên, ông Phạm Xuân Hiếu, Phó Chủ tịch UBND phường Quang Tiến cho biết: Trước đây, trên địa bàn phường có 8 lò sản xuất gạch thủ công.
Từ khi có chủ trương của UBND tỉnh và UBND thị xã về xóa lò gạch thủ công, chúng tôi đã mời các chủ lò gạch lên làm việc, giao trách nhiệm và cam kết thời gian xóa bỏ các lò gạch thủ công.
Tính đến cuối năm 2014, đã có 5 chủ hộ tự giác chấp hành việc xóa bỏ lò gạch thủ công, chuyển đổi nghề nghiệp. Riêng 3 lò còn lại, từ tháng 10/2014, các chủ lò xin tận dụng sản xuất hết số nguyên liệu, sau đó sẽ ngừng hoạt động, tự tháo dỡ. Thế nhưng đến nay, các lò gạch này vẫn chưa ngừng sản xuất hoàn toàn.
Theo ông Hiếu, thời gian qua, địa phương vẫn tiến hành kiểm tra nhưng các lò gạch chỉ sản xuất cầm chừng chứ không liên tục, ồ ạt như trước… Khi chúng tôi đặt vấn đề, tại sao địa phương không triển khai các biện pháp để xóa bỏ các lò gạch này, ông Hiếu cho biết, phường cũng đã nhiều lần kiểm tra, nhắc nhở nhưng các chủ lò không chịu thực hiện cam kết việc xóa bỏ.
Theo như cách trả lời của ông Phó Chủ tịch UBND phường Quang Tiến thì địa phương này dường như đang “bất lực” trước sự ngang nhiên hoạt động của các lò gạch thủ công. Với cách làm vừa kiểm tra, vừa thông báo, nhắc nhở nhưng không có biện pháp mạnh tay hơn, chắc chắn việc xóa bỏ lò gạch thủ công trên địa bàn phường Quang Tiến chưa biết lúc nào mới chấm dứt.
Khi phóng viên đặt vấn đề, các lò gạch khác đã xóa bỏ, hay số lò gạch còn lại vẫn hoạt động đã mang lại lợi ích nào đó cho địa phương hoặc có mối quan hệ nào khác, ông Hiếu khẳng định, “từ khi có chủ trương xóa lò gạch thủ công đến nay, ngành thuế cũng như địa phương không thu bất cứ khoản nào của các lò gạch này”.
Liên quan đến hoạt động của lò gạch thủ công trên địa bàn, qua trao đổi, ông Lưu Hồng Đức, Phó Trưởng phòng Phòng quản lý đô thị TX Thái Hòa cho biết: Theo báo cáo, toàn thị xã có 33 lò gạch thủ công, tập trung tại các phường: Quang Tiến, Long Sơn, Quang Phong… Hiện, chúng tôi đã chỉ đạo xóa bỏ hoàn toàn 30 lò gạch thủ công, chỉ còn 3 lò tại phường Quang Tiến chưa xóa bỏ, đang hoạt động cầm chừng.
Theo ông Đức, Phòng quản lý đô thị là cơ quan cấp trên, có các văn bản tham mưu cho UBND thị xã, chỉ đạo các địa phương thực hiện chủ trương xóa bỏ lò gạch thủ công, còn việc để tồn tại lò gạch thủ công như phản ánh, trách nhiệm thuộc về UBND phường Quang Tiến. Sắp tới, chúng tôi sẽ có văn bản, chỉ đạo rà soát các phường, xã đang có lò gạch thủ công hoạt động để có giải pháp xử lý việc này.
Tuy nhiên, theo ông Đức, sau khi xóa bỏ lò gạch thủ công, địa phương cũng đang gặp nhiều khó khăn trong khâu giải quyết việc làm, chuyển đổi ngành nghề cho các lao động dôi dư.
Có thể nói, chủ trương xóa bỏ lò gạch thủ công là phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, từng bước giảm thiểu ô nhiễm khí thải, ô nhiễm môi trường. Song hiện nay, các địa phương đang gặp khó khăn trong vấn đề chuyển đổi việc làm cho số lao động tại các lò gạch sau khi xóa bỏ. Mặt khác, hiện chưa có nhiều cá nhân, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư sản xuất sản phẩm gạch không nung cung ứng cho thị trường. Có chăng, một số cá nhân nhỏ lẻ vẫn sản xuất gạch không nung, song chưa được cơ quan chức năng cho phép hoặc kiểm định chất lượng nên khó để được người tiêu dùng lựa chọn.