(Congannghean.vn)-Từ điển bách khoa Công an nhân dân Việt Nam (năm 2005) định nghĩa: “Khủng bố là hoạt động bạo lực của cá nhân, tổ chức, Nhà nước hoặc liên minh Nhà nước để đe dọa hoặc cưỡng bức đối phương khiến họ vì khiếp sợ mà phải chịu khuất phục. Các hình thức khủng bố thường là bắt cóc, ám sát, đánh bom, tàn sát man rợ… Khủng bố được giới cầm quyền một số nước đế quốc và các thế lực phản động quốc tế coi như một quốc sách hoặc một chiến lược để chống lại các quốc gia tiến bộ và phong trào đòi độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”.
|
Các đại biểu tham dự Hội nghị quán triệt và triển khai Luật Phòng, chống khủng bố |
Sau sự kiện khủng bố ngày 11/9/2001 tại Mỹ đến nay, tình hình khủng bố diễn biến phức tạp, lan rộng ra các châu lục, gây hậu quả nặng nề cho nhiều quốc gia. Theo thống kê chưa đầy đủ của Cục A67 Bộ Công an, tính từ năm 2001 đến nay, trên thế giới xảy ra 5.774 vụ khủng bố, làm chết hơn 48.000 người và hơn 86.000 người bị thương.
Trong 6 tháng đầu năm 2015, trên thế giới xảy ra 174 vụ khủng bố, làm chết gần 2.300 người và hơn 3.000 người bị thương. Cơ quan chức năng các nước đã bắt giữ 486 đối tượng, tiêu diệt 1.758 đối tượng và đưa ra xét xử 145 đối tượng khủng bố. Khủng bố xảy ra ở hầu hết các khu vực, song tập trung chủ yếu tại châu Phi, Trung Đông và Đông Nam Á.
Phần lớn các vụ khủng bố do các tổ chức khủng bố quốc tế, các nhóm ly khai sắc tộc, tôn giáo chống chính quyền thực hiện. Ngoài ra, các phần tử Hồi giáo cực đoan cũng gây ra nhiều vụ khủng bố đơn lẻ. Đặc biệt, gần đây nổi lên tổ chức khủng bố quốc tế Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS.
Tại Việt Nam, đến nay chưa xảy ra vụ khủng bố quốc tế nào. Tuy nhiên, lực lượng Công an đã phát hiện 10 đối tượng khủng bố quốc tế là thành viên chi nhánh tổ chức khủng bố quốc tế AQ và JI tại khu vực Đông Nam Á nhập cảnh vào Việt Nam dưới hình thức ngụy trang là du lịch, thương mại. Mục đích của các đối tượng này là nhập cảnh vào Việt Nam nhằm tránh sự truy quét của cơ quan chức năng các nước.
Hoạt động khủng bố tại Việt Nam nổi lên là hành vi của các tổ chức phản động lưu vong ở nước ngoài cấu kết với các tổ chức phản động trong nước để mở các chiến dịch tấn công vào các mục tiêu, công trình trọng điểm, nơi tập trung đông người… Mục đích của chúng là gây áp lực đối với Chính phủ Việt Nam, đòi các yêu sách vô lý nhưng có lợi cho chúng. Tuy nhiên, tất cả các hoạt động đó đều đã bị cơ quan chức năng kịp thời phát hiện và ngăn chặn.
Trước tình hình trên, để phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm nói chung, tội phạm khủng bố nói riêng, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, giữ vững ANTT, Đảng và Nhà nước ta đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có hoạt động phòng, chống khủng bố (PCKB).
|
Diễn tập các phương án phòng, chống khủng bố (Nguồn ảnh: Internet) |
Hiện nay, với xu hướng hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam tiếp tục mở rộng quan hệ toàn diện với nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có các nước lớn. Do đó, hoạt động khủng bố nhằm vào lợi ích của các nước lớn, các nước có thù địch với các đối tượng khủng bố tại Việt Nam có thể xảy ra, đe dọa trực tiếp đến tình hình ANTT trên cả nước.
Xuất phát từ thực tế trên, để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác đấu tranh PCKB, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó việc hoàn thiện cơ sở pháp lý là giải pháp trọng tâm, cơ bản.
Có thể nói, công tác PCKB là tổng hợp các biện pháp chính trị, kinh tế, xã hội, kết hợp với các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng Công an, Quân đội nhằm chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động khủng bố dưới mọi hình thức, từ đó giảm thiểu hậu quả, thiệt hại do khủng bố gây ra.
Luật PCKB ở Việt Nam được thể chế hóa bằng các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng về bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế; kiên quyết đấu tranh với âm mưu, hoạt động chống phá Việt Nam, hoạt động khủng bố và tài trợ cho khủng bố, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.
Luật PCKB cũng đảm bảo phù hợp với quy định của Hiến pháp, sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với chính sách đối nội, đối ngoại của Đảng, Nhà nước và quy định của các điều ước quốc tế về phòng, chống tội phạm mà Việt Nam là thành viên.
Mặt khác, Luật PCKB ở nước ta được xây dựng trên cơ sở tổng kết đầy đủ, toàn diện thực tiễn công tác PCKB trong nước và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các nước. Bên cạnh đó, Luật cũng tạo khuôn khổ pháp lý toàn diện cho công tác PCKB; đảm bảo phù hợp với điều kiện, yêu cầu thực tiễn của nước ta và tính khả thi của Luật.
Theo đó, Luật PCKB được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 12/6/2013 và có hiệu lực từ ngày 1/10/2013, gồm 8 chương, 51 điều. Chương I (từ Điều 1 đến Điều 11) là những quy định chung, quy định phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, trách nhiệm của các cơ quan; công tác điều tra, xét xử tội phạm khủng bố…
Chương II (Từ Điều 12 đến Điều 18) quy định về Ban chỉ đạo PCKB, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban chỉ đạo PCKB, trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ… Chương III (Từ Điều 19 đến Điều 27) quy định về biện pháp phòng ngừa khủng bố, thông tin tuyên truyền công tác PCKB… Chương IV (Từ Điều 28 đến Điều 32) quy định về phát hiện khủng bố, tiếp nhận, xử lý tin báo về khủng bố và các biện pháp PCKB…
Chương V (Từ Điều 33 đến Điều 35) quy định về phát hiện tài trợ khủng bố; tiếp nhận, xử lý tin báo; kiểm soát vận chuyển tiền mặt, kim khí quý, đá quý… Chương VI (Từ Điều 36 đến Điều 38) quy định về nguyên tắc hợp tác quốc tế về PCKB… Chương VII (Từ Điều 39 đến Điều 49) quy định về cơ quan quản lý Nhà nước về PCKB; trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan... Chương VIII (Từ Điều 50 đến Điều 51) quy định về thời điểm có hiệu lực thi hành và trách nhiệm quy định chi tiết thi hành Luật PCKB.
|
Lực lượng Cảnh sát cơ động thực hiện tình huống diễn tập phòng, chống khủng bố |
Có thể khẳng định, Luật PCKB được ban hành đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật trên lĩnh vực ANTT, tạo cơ sở pháp lý trong công tác PCKB, góp phần giữ vững an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An đã tổ chức Hội nghị quán triệt và triển khai Luật PCKB cho cán bộ chủ chốt của các ngành, địa phương trong toàn tỉnh. Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe đồng chí Đại tá Nguyễn Như Hường, Phó Cục trưởng Cục A67 Bộ Công an quán triệt một số nội dung liên quan đến công tác PCKB và phòng, chống bạo loạn; tình hình khủng bố tại Việt Nam trong thời gian qua; đồng thời, giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai Luật PCKB và công tác PCKB.
Cũng tại Hội nghị, đồng chí Lê Xuân Đại, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khẳng định: Ở Nghệ An đến nay chưa xảy ra khủng bố nhưng qua công tác nắm tình hình, các cơ quan chức năng đã phát hiện một số đối tượng sử dụng các loại vật liệu nổ mìn, lựu đạn để giết người, đe dọa mang tính chất cá nhân…
Hiện nay, Nghệ An được xem là một trong những địa bàn mà các thế lực phản động, thù địch có âm mưu, hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước bằng nhiều phương thức, kể cả phá hoại, khủng bố. Do vậy, để làm tốt công tác PCKB trong thời gian tới, đồng chí Lê Xuân Đại đề nghị, các thành viên của Ban chỉ đạo PCKB tỉnh căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ theo quy định, chủ động tham mưu UBND tỉnh tổ chức, chỉ đạo hoạt động PCKB trên địa bàn tỉnh.
UBND các huyện, thành, thị quán triệt, thực hiện có hiệu quả công tác PCKB trên địa bàn, tăng cường sức chiến đấu của các lực lượng để sẵn sàng ứng phó với các tình huống khủng bố, nghi có khủng bố xảy ra.
Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cảnh sát PC&CC và các sở, ngành có liên quan chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch, phương án, biện pháp PCKB trên địa bàn tỉnh, không để xảy ra bị động, bất ngờ.