Pháp luật
Vỡ mộng 'đa cấp'
Các tin liên quan |
(Congannghean.vn)-Thực hiện Quyết định ủy thác điều tra số 15 ngày 20/1/2016 của Cục Cảnh sát Kinh tế Bộ Công an, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an Nghệ An đã vào cuộc tiếp nhận đơn tố cáo của nạn nhân và tổ chức hoạt động điều tra để làm rõ hành vi, thủ đoạn phạm tội, xác định số người bị hại và hậu quả thiệt hại do các đối tượng lừa đảo tại Công ty Liên kết Việt gây ra. Qua đó bước đầu xác định tại Nghệ An có 57 người, Hà Tĩnh có 207 người tham gia.
Hàng trăm người tham gia Liên kết Việt tại văn phòng Nghệ An và Hà Tĩnh
Theo kết quả điều tra bước đầu của cơ quan CSĐT Bộ Công an, Công ty Cổ phần Liên kết sản xuất Thương mại Việt Nam (gọi tắt là Công ty Liên kết Việt) có các hành vi gian dối như: Soạn thảo, ký và đóng dấu khống các hợp đồng hợp tác bán hàng và hợp đồng phân phối không đúng với mẫu hợp đồng và nội dung đã đăng ký tại Bộ Công thương và Sở Công thương TP Hà Nội; lấy danh nghĩa là công ty trực thuộc Bộ Quốc phòng để quảng cáo, thuyết trình nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa không đúng thực tế; làm giả Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; tổ chức tuyên truyền, quảng cáo nhiều chương trình khuyến mãi, trả “hoa hồng”, tiền thưởng cao, lôi kéo người tham gia nộp tiền để chiếm đoạt tài sản.
Văn phòng Công ty Liên kết Việt tại TP Vinh hoạt động được 6 tháng rồi đóng cửa vì không phát triển được thành viên |
Trong thời gian từ tháng 11/2014 đến tháng 2/2016, Công ty Liên kết Việt đã lôi kéo khoảng 60.000 người tham gia mạng lưới, lừa đảo chiếm đoạt số tiền hơn 1.900 tỉ đồng. Hiện, Công ty Liên kết Việt đã mở rộng mạng lưới tại 27 tỉnh và thành phố trên cả nước, trong đó có Nghệ An và Hà Tĩnh.
Trung tá Nguyễn Văn Khương, Đội trưởng Đội 2 Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an Nghệ An cho biết: Thực hiện Quyết định ủy thác điều tra số 15/C46-P12 ngày 20/1/2016 của Cục Cảnh sát Kinh tế Bộ Công an về việc điều tra đối với vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty Liên kết Việt (trụ sở số 10, ngõ 80 Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) và các đơn vị có liên quan, Phòng Cảnh sát Kinh tế đang tiến hành điều tra hoạt động của Công ty Liên kết Việt trên địa bàn Nghệ An.
Trong số 57 người được cho là nạn nhân của Văn phòng Liên kết Việt tại Nghệ An theo danh sách Cục Cảnh sát Kinh tế gửi về, qua xác minh, Phòng Cảnh sát Kinh tế xác định có 15 người sinh sống trên địa bàn Nghệ An, còn lại là ngoài địa phương. Tại đây, đã có 179 mã hàng được giao dịch với tổng số tiền 1,539 tỉ đồng.
Văn phòng đại diện của Công ty Liên kết Việt tại Nghệ An được thành lập vào tháng 10/2014, địa chỉ tại đường Đặng Thái Thân, phường Cửa Nam, TP Vinh. Qua làm việc với nguyên Trưởng đại diện Văn phòng này và từ những giấy tờ, sổ sách để lại cho thấy, đến tháng 4/2015, tức là sau 6 tháng hoạt động, Văn phòng này đã có quyết định giải thể, thu hồi con dấu từ phía Công ty vì không phát triển được thành viên và không mang lại lợi nhuận cho Công ty.
Trong thời gian hoạt động, Văn phòng đã bán được 40 mã hàng, với số tiền 344 triệu đồng. Trong số này, một khách hàng ở Hà Tĩnh đã mua 10 mã hàng, Trưởng văn phòng mua 10 mã hàng, số còn lại chia đều cho các thành viên khác.
Qua làm việc với 6/15 người trong danh sách thì hầu hết không có khiếu kiện gì và đã nhận máy móc trong mã hàng để sử dụng, gồm nhiều máy khử Ozone và các loại thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, cơ quan Công an gặp không ít khó khăn vì nhiều nạn nhân đã không hợp tác với cơ quan điều tra, dẫn đến thời gian điều tra kéo dài.
Trong khi đó, thông tin từ cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết, Văn phòng Công ty Liên kết Việt tại Hà Tĩnh có trụ sở tại số 281 Trần Phú, phường Trần Phú, TP Hà Tĩnh và tính đến thời điểm này, đã có 207 người tham gia nộp tiền vào Văn phòng này.
Từ nạn nhân của Liên kết Việt, chị H. trú tại huyện Nghi Lộc trở thành nạn nhân của nạn bạo hành gia đình |
Vỡ mộng “đa cấp”
Từ lá đơn tố cáo của người vợ bị bạo hành dã man bởi người chồng đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) từ châu Phi trở về, chúng tôi tìm hiểu ngọn ngành thì được biết, nguyên nhân bắt nguồn từ Liên kết Việt. Nạn nhân là chị Nguyễn Thị H. (SN 1978) trú tại xóm 13, xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc. Gương mặt chị H. thâm tím, sưng vêu, mái tóc bị cắt cụt lủn, nham nhở.
Qua tìm hiểu được biết, trước khi xảy ra sự việc đau lòng, cuộc sống của vợ chồng chị H. luôn ấm êm, hạnh phúc. Chị H. và chồng là anh Nguyễn Ngọc P. là người cùng làng, quen biết nhau từ nhỏ nên sớm nên duyên chồng vợ. Anh P. nhận thầu công trình xây dựng còn chị H. làm thợ hồ nên cũng đủ ăn, đủ mặc.
Năm 2013, chị H. vay mượn ngân hàng, bạn bè và người thân để nộp gần 200 triệu đồng tiền chi phí để anh P. đi XKLĐ tại Angola. Sau hơn một năm, anh P. gửi tiền về cho chị H. để trả hết nợ. Những năm tháng sau đó, những tưởng đồng tiền “mồ hôi, nước mắt” mà chồng tích cóp được gửi về sẽ được sinh lời nhưng chị H. lại “nướng” vào đa cấp.
“Thời gian chồng đi XKLĐ, em ở nhà thì có người rủ rê bán hàng đa cấp với lợi nhuận cao. Đang lúc sẵn tiền, em đã mua 5 mã hàng với trị giá gần 50 triệu đồng và tham gia bán hàng đa cấp của mạng lưới Công ty Liên kết Việt”, chị H. kể lại.
Thời gian đầu, chị H. thừa nhận là có nhiều tiền khi nhận được tiền “hoa hồng” nên đã tìm đủ mọi cách rủ rê, lôi kéo người thân, bạn bè tham gia với tiêu chí càng nhiều người càng tốt, tiền “hoa hồng” cũng theo đó tăng lên. Thậm chí, cuối năm 2015, anh P. về nước, chị H. cũng dẫn chồng ra Hà Nội để thăm Công ty, sau đó lôi kéo chồng tham gia mua 4 mã hàng với trị giá hơn 30 triệu đồng.
Sau đó, anh P. tiếp tục đi XKLĐ tại châu Phi, còn chị H. ở nhà vẫn “trung thành” với đa cấp, xây thêm các ki-ốt để kinh doanh. Song cũng bắt đầu từ đó, mâu thuẫn vợ chồng nảy sinh khi lời đồn đoán trong quá trình buôn bán và tham gia mạng lưới đa cấp, chị H. giao lưu, tiếp xúc với nhiều người đàn ông đến tai anh P..
Bi kịch gia đình bắt đầu từ Tết Nguyên đán năm nay, khi anh P. về nước. Chị H. cho hay, nhiều lần chồng sử dụng vũ lực với chị do mâu thuẫn tài chính, chị H. không thanh minh được về số tiền chồng gửi về nên đành cắn răng chịu đựng. Đêm giao thừa 2016, anh P. đánh đập chị đến thâm tím mặt mày.
Những ngày sau đó, gần như ngày nào P. cũng “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với vợ. Có những thời điểm chị H. bị chồng lôi ra đường đánh đập, lấy roi điện dí vào người. Thậm chí, P. còn bóp cổ, lấy kéo cắt tóc vợ trước mặt nhiều người. Tệ bạc hơn, vào ngày 3/3 vừa qua, anh này lấy chiếc tô bằng Inox đã nướng nóng đỏ áp vào má vợ khiến nạn nhân đau đớn, nhan sắc bị hủy hoại.
Ông Phan Đình Chương, Trưởng Công an xã Nghi Diên cho biết, về sự việc nói trên, Công an xã đã có buổi làm việc với hai vợ chồng nhưng anh P. không chịu thừa nhận về hành vi đánh đập vợ nên Ban Công an xã đã báo cáo sự việc với Công an phụ trách xã để tiếp tục chỉ đạo xử lý.
Sự việc của chị H. chỉ là một trường hợp điển hình trong hàng vạn trường hợp khác là nạn nhân của Công ty Liên kết Việt tại Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung. Nhiều gia đình rơi vào cảnh vợ chồng ly tán, “tan đàn xẻ nghé”, có những gia đình khuynh gia bại sản, phải bán nhà để trả nợ. Nhiều gương mặt thẫn thờ, vô vọng khi các “sếp lớn” của Liên kết Việt vướng vòng lao lý.
Đó là nỗi đau cần sự chia sẻ, nhưng cũng là lời cảnh tỉnh, bài học sâu sắc cho những ai còn nuôi mộng làm giàu mà không cần bỏ công sức lao động. Bởi đó chỉ là những chiếc "bánh vẽ" mà các công ty đa cấp bày ra để "hút máu" người dân.
Thiên Thảo