Pháp luật

Ẩn họa từ những điểm thu mua phế liệu trong khu dân cư

08:23, 26/03/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Sau vụ nổ do “cưa bom” từ điểm thu mua phế liệu ở Khu đô thị Văn Phú (Hà Đông, Hà Nội), nhiều người mới giật mình bởi từ lâu, nhiều gia đình đã phải sống chung với những “quả bom nổ chậm”, không đảm bảo các điều kiện an toàn PCCC, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao.

Giật mình sau vụ “cưa bom” khiến 5 người thiệt mạng

Vào khoảng 15 giờ 10 phút ngày 19/3, trước cửa nhà số 15-TT19, Khu đô thị Văn Phú, phường Phú La, quận Hà Đông (Hà Nội) đã xảy ra một vụ nổ khiến 5 người chết, 10 người khác bị thương, 6 căn hộ liền kề bị hư hỏng nặng và 213 căn hộ bị hư hại.

Nguyên nhân được xác định là do anh Phạm Văn Cường (SN 1975), quê ở tỉnh Nam Định, thuê nhà số 15-TT19, Khu đô thị Văn Phú từ năm 2013 để hành nghề thu mua phế liệu.

“Hố bom” xuất hiện sau vụ nổ do cưa phế liệu khiến 5 người thiệt mạng ở Hà Nội
“Hố bom” xuất hiện sau vụ nổ do cưa phế liệu khiến 5 người thiệt mạng ở Hà Nội

Trước đó, vào tối 18/3, một chiếc xe tải chở một khối kim loại hình trụ bằng sắt đã hoen gỉ, đường kính khoảng 40 - 45 cm, dài khoảng 80 cm, hai đầu bằng và có nhiều ốc nhỏ nhô ra xung quanh, ở giữa có 2 đai sắt hình vuông, khối lượng ước khoảng trên 100 kg được đưa đến trước cửa hàng phế liệu của gia đình anh Cường.

Nghĩ đó là khối sắt bình thường nên anh Cường nhờ hàng xóm di chuyển từ vỉa hè vào nhà và hôm sau vần ra khò cắt dẫn đến vụ nổ kinh hoàng. Nguồn tin từ cơ quan Công an cho biết, sẽ không khởi tố vụ án hay truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người gây ra vụ nổ là anh Phạm Văn Cường, vì nạn nhân đã tử vong.

Vụ nổ gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng trên đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về lỗ hổng trong quản lý các điểm thu mua phế liệu hiện nay.

Cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, tại Nghệ An hiện có hàng trăm điểm thu mua phế liệu nằm trong khu dân cư nhưng không được cấp phép, phần lớn đều chật chội, tạm bợ và các hoạt động phân loại, cắt cưa của chủ phế liệu diễn ra hoàn toàn bằng phương pháp thủ công. Trên địa bàn TP Vinh, hầu như tại tất cả các phường, xã đều có các điểm thu mua phế liệu, trong đó tập trung nhiều nhất ở phường Vinh Tân.

Hàng ngày, những người thu mua phế liệu thu gom bất cứ thứ gì, từ túi ni - lông, bìa cát - tông, dây điện đến quạt cũ, các mẩu sắt… sau đó chở về địa điểm mình thuê trọ để phân loại.

Ẩn họa trong các khu dân cư

Dạo một vòng quanh khu vực Bến xe chợ Vinh, không khó để bắt gặp những điểm thu mua phế liệu với hàng trăm loại phế liệu chất đống ngổn ngang, mùi hôi bốc lên, lẫn vào không khí rất khó chịu. Khu vực này vốn được người dân TP Vinh xem là “lãnh địa” của những người buôn bán, thu gom phế liệu hàng chục năm nay.

Ông Hà, một người hành nghề này từ hơn 5 năm nay ở khu vực khối 1, phường Vinh Tân cho biết, gia đình ông thuê trọ để kinh doanh nghề này đã lâu nhưng chưa được tập huấn kiến thức về PCCC và an toàn cháy nổ, cơ sở của ông cũng không trang bị bất cứ dụng cụ PCCC nào.

Nghiêm trọng hơn, nhiều cơ sở thu mua phế liệu nằm trong các ngõ cụt, không có lối thoát, trường hợp có sự cố liên quan đến cháy nổ xảy ra thì rất khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc tiếp cận, xử lý. Phần đông cư dân sống trong khu nhà tạm đều là người ngoại tỉnh đến thuê đất làm nơi tập kết phế liệu và sống luôn ở đó.

Ông Nguyễn Hoàng Mạnh, Chủ tịch UBND phường Vinh Tân cho biết, hoạt động kinh doanh phế liệu trên địa bàn là tự phát. Những người làm nghề này chủ yếu từ nơi khác đến, không có quy hoạch mặc dù việc thu gom phế liệu luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ và ô nhiễm môi trường cao.

 Một điểm thu mua phế liệu nằm trong khu dân cư ở phường Vinh Tân, TP Vinh
Một điểm thu mua phế liệu nằm trong khu dân cư ở phường Vinh Tân, TP Vinh

Một trong những địa điểm được ví như  “lãnh địa” thứ hai trong việc thu mua phế liệu tại Nghệ An là xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu. Thậm chí, nơi đây còn có hẳn một khu công nghiệp chuyên thu gom, luyện sắt thép trước khi nhập hàng cho khu công nghiệp gang thép ở tỉnh Thái Nguyên.

Nguồn phế liệu được các chủ vựa thu gom khắp nơi, trong đó có vỏ bom, đạn chủ yếu được nhập về từ Lào. Do giá cả hấp dẫn (500.000 đồng/kg) nên đây là phế phẩm được giới buôn bán, kinh doanh phế liệu săn đón hơn cả.

Theo thống kê của UBND xã Diễn Hồng, đến nay, toàn xã có khoảng 20 hộ kinh doanh phế liệu, đặt cơ sở thu gom ở rất nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh. Từ trước đến nay, tại Diễn Hồng đã xảy ra 5 vụ tai nạn liên quan đến cưa phế liệu là vỏ đầu đạn, bom mìn. Trong đó, có 3 vụ xảy ra tại các cơ sở luyện phôi sắt trong Khu công nghiệp Diễn Hồng và 2 vụ xảy ra tại nhà dân.

Nói về vụ nổ xảy ra ở Văn Phú, một chủ cơ sở kinh doanh phế liệu ở đây cho rằng, việc “cưa bom” vẫn xảy ra thường xuyên đối với những người sống bằng nghề này. Cưa để tách vỏ và thuốc súng, vỏ đạn bán tầm 7.000 đồng/kg nhưng thuốc bán cao gấp 10 lần và đó là lý do dù biết nguy hiểm nhưng nhiều người vẫn cố tình “cưa bom”.

Theo quy định, các cơ sở kinh doanh phế liệu phải đáp ứng được những yêu cầu như: Có giấy phép kinh doanh, giấy cam kết bảo vệ môi trường, trang bị đầy đủ hệ thống phòng, chống cháy nổ... Tuy nhiên trên thực tế, phần lớn các cơ sở đều hoạt động một cách tự phát khi chưa được cấp giấy phép và các cơ sở tập kết phế liệu thường nằm lẫn trong các khu dân cư, tiểm ẩn nguy cơ cháy nổ cao, đặc biệt là trong mùa khô sắp tới.

Ngoại trừ những cơ sở lớn có đăng ký kinh doanh, hiện nay phần lớn các cơ sở kinh doanh phế liệu đều không đăng ký kinh doanh nên dĩ nhiên không chịu sự quản lý của Nhà nước.

Theo một cán bộ làm ở bộ phận quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thì phế liệu được xếp vào danh mục những mặt hàng thông thường, chỉ cần đảm bảo yếu tố môi trường là có thể kinh doanh nên ngành Công an không quản lý. Do đó, không thể đưa loại hình này vào danh mục kinh doanh có điều kiện để quản lý.

Tuy nhiên, ngay sau khi vụ nổ ở Khu đô thị Văn Phú xảy ra, Cục Quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ - Bộ Công an đã báo cáo Tổng cục Cảnh sát và có văn bản gửi Công an các địa phương tiếp tục tuyên truyền về mối nguy hiểm tiềm ẩn của vũ khí, vật liệu nổ, bom mìn và rà soát toàn bộ cơ sở kinh doanh phế liệu để tuyên truyền cho người kinh doanh hiểu mức độ nguy hiểm để phòng tránh. Khi người dân thu mua phát hiện có bom mìn phải báo với cơ quan Công an, Quân đội để thu hồi; qua rà soát, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm.

Điều 5, Pháp lệnh 16 ngày 30/6/2011 về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ quy định cấm kinh doanh vũ khí, bom mìn. Khoản 4, Điều 10, Nghị định 67 cũng quy định mức phạt từ 5 - 10 triệu đồng về hành vi mua phế liệu, phế phẩm là vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ hoặc cưa, tháo bom mìn trái phép.

 

Thiện Thành

Các tin khác