Pháp luật
Ngăn chặn chiêu trò bóp méo thông tin trước thềm Đại hội Đảng lần thứ XII
(Congannghean.vn)-Trước thềm Đại hội Đảng lần thứ XII, thời gian gần đây, các phương tiện truyền thông đại chúng và nhiều diễn đàn đã đăng tải nhiều ý kiến của dư luận đóng góp cho Đại hội Đảng. Trong những ý kiến đưa ra, có rất nhiều góp ý tâm huyết, có giá trị. Tuy nhiên, bên cạnh đó, trên một số trang thông tin điện tử, blog, mạng xã hội… xuất hiện nhiều nội dung xuyên tạc, bịa đặt, với mục đích gây nhiễu loạn thông tin, hạ uy tín của các lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước.
Nhiều thông tin sai sự thật trước thềm Đại hội XII của Đảng
Để tăng thêm tính thuyết phục, các trang mạng này không chỉ đăng tin nặc danh mà còn đăng cả đơn tố cáo của một cá nhân hay tập thể, tự nhận là cán bộ Văn phòng Chính phủ, kiến nghị thanh tra về một đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; ngoài ra còn đưa thêm một số bức ảnh khẳng định đó là tài sản của các đồng chí lãnh đạo cấp cao. Tuy nhiên, qua xác minh, tại các cơ quan có đơn tố cáo không có ai là người đứng đơn như địa chỉ tố cáo và người tố cáo cũng không chính danh. Thậm chí, tại một bức ảnh được cho là nhà thờ họ của một đồng chí lãnh đạo cấp cao, qua xác minh được biết đó là căn nhà mẫu của một hộ dân ở TP Hồ Chí Minh.
Ngày 12/1/2016, trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ đăng tải công khai thông tin với tựa đề “Văn phòng Chính phủ đang bị mạo danh”. Nội dung cho biết, thời gian gần đây, trên mạng Internet xuất hiện thông tin bịa đặt về tình hình nội bộ, nói xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước và một vài bạn đọc gọi điện hỏi về sự thật của lá đơn tố cáo đang lan truyền trên mạng Internet được cho là của cán bộ Văn phòng Chính phủ đối với một vị lãnh đạo của Chính phủ.
Văn phòng Chính phủ đang bị mạo danh |
Cổng thông tin điện tử Chính phủ trả lời như sau: Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ khẳng định đây là việc mạo danh, thông tin hoàn toàn bịa đặt, tại Văn phòng Chính phủ không có cán bộ nào có tên như thế và cán bộ Văn phòng Chính phủ không làm những việc như vậy.
Thực tế, cứ vào dịp trước, trong và sau khi diễn ra các sự kiện lớn của đất nước như Đại hội Đảng, nhiều đối tượng chống phá lại tung ra đủ loại thông tin xuyên tạc, sai sự thật, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhằm gây rối, làm nhiễu loạn thông tin trước Đại hội Đảng, phá hoại sự thành công của Đại hội. Các thông tin này xuất hiện với mật độ, tần suất cao hơn bình thường.
Trước mỗi sự kiện trọng đại, những thông tin này xuất hiện theo kiểu “đến hẹn lại lên” và người tung ra là các thế lực thù địch, chống phá Đảng và Nhà nước. Không chỉ chờ đến trước thềm Đại hội Đảng lần thứ XII, trước đó, ở các kỳ Đại hội Đảng lần thứ IX, X, XI, cứ gần đến thời điểm diễn ra Đại hội Đảng, các thông tin xuyên tạc, bịa đặt về lãnh đạo cấp cao lại xuất hiện với số lượng lớn và tần suất dày đặc.
Chiêu trò của các thế lực chống phá là hạ thấp uy tín của đồng chí này và song song với đó là “khen ngợi” một đồng chí khác để công kích, nhằm làm suy giảm niềm tin của người dân vào Đảng, Nhà nước, qua đó để nhân dân lầm tưởng rằng có tình trạng “phe phái” trong nội bộ Đảng. Thủ đoạn chống phá cũng có sự khác nhau qua các thời kỳ.
Năm 2012, mục tiêu mà chúng hướng tới là nhằm chống phá việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 của Đảng; năm 2013 là “can thiệp” vào việc lần đầu tiên Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm các chức danh lãnh đạo chủ chốt. Tại Đại hội XII, mục tiêu là nhằm chia rẽ nội bộ, chia rẽ mối đoàn kết, thống nhất giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân trong việc chuẩn bị cho Đại hội.
Xử lý nghiêm
Thủ đoạn chống phá chủ yếu là tung các thông tin hỏa mù lên các website không chính thống, thông qua việc cắt ghép hình ảnh, sử dụng sự suy diễn để tạo tâm lý tò mò của một bộ phận độc giả. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, mặc dù các thế lực thù địch mở nhiều “chiến dịch công phá” nhưng mọi âm mưu của chúng đều “nếm mùi” thất bại. Nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước mặc dù bị đặt điều, bôi nhọ danh dự nhưng vẫn giữ được sự tín nhiệm cao của nhân dân.
Trước thềm Đại hội XII của Đảng, nhiều thông tin sai sự thật được kẻ xấu tung lên mạng xã hội |
Đồng chí Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu IV cho rằng, bản chất của các thế lực thù địch không bao giờ thay đổi, vì vậy chúng ta phải kiên quyết đấu tranh, không được mơ hồ, ảo tưởng. Còn đồng chí Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhận định, các thủ đoạn tung tin xuyên tạc, bịa đặt nhằm làm xấu hình ảnh của lãnh đạo cấp cao không có sự thay đổi. Đồng chí Đại tướng cho biết, cơ quan chức năng đã nhiều lần xử lý các vụ việc liên quan đến vấn đề trên vào dịp chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp, cụ thể là có Ủy viên Trung ương Đảng bị đưa thông tin giả. Sau khi cơ quan pháp luật vào cuộc, người tung tin bịa đặt đã bị xử lý và phải ngồi tù. Nếu những vụ việc như thế được công khai thì sẽ có tính răn đe.
Ông Nguyễn Bá Hảo, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nghệ An cho biết thêm, hành vi nói xấu, bóp méo thông tin liên quan đến các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước trước thềm Đại hội Đảng là hành vi vi phạm pháp luật, vì đã lợi dụng Internet để phát tán thông tin giả mạo, bịa đặt, sai sự thật, theo quy định tại Điểm e, Khoản 1, Điều 5, Nghị định 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ; đồng thời vi phạm hình sự. Việc lợi dụng mạng xã hội, Internet để giả mạo, xuyên tạc, bôi nhọ uy tín, danh dự của người khác là hành vi phạm pháp.
Trong thời gian qua cũng như thời gian tới, với trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo Cục An toàn thông tin và các nhà mạng phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng Bộ Công an, sử dụng có hiệu quả các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ để truy tìm những đối tượng lợi dụng mạng Internet để phát tán thông tin sai sự thật và xử lý theo quy định của pháp luật.
Trả lời phỏng vấn báo chí mới đây, ông Huỳnh Phong Tranh, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, về những đơn có liên quan đến nhân sự Đại hội các cấp, Thanh tra Chính phủ sẽ phối hợp với Ủy ban Kiểm tra các cấp tiến hành chuyển đơn, xem xét theo đúng quy định của pháp luật và Điều lệ Đảng. Đối với những đơn thư có mục đích bôi nhọ, bêu xấu theo quy định tại Luật Khiếu nại, tố cáo, cũng như các thông tư liên quan thì sẽ xử lý nghiêm tùy theo mức độ vi phạm.
Trong bối cảnh bùng nổ thông tin như hiện nay, việc kẻ xấu lợi dụng mạng Internet để tung tin giả và thông tin sai sự thật có phần khó ngăn chặn và kiểm soát. Do vậy, người đọc cần biết chọn lọc thông tin để tránh bị kẻ xấu lợi dụng.
Hiện nay, trước các thông tin xuyên tạc, bịa đặt được tung lên mạng một cách thiếu kiểm soát với ý đồ xấu, việc cung cấp thông tin của các cơ quan Nhà nước và báo chí chính thống là hết sức quan trọng. Việc cung cấp thông tin chính xác, kịp thời sẽ góp phần định hướng dư luận, đồng thời đấu tranh, phản bác các luận điệu thù địch và những quan điểm thiếu tính xây dựng, thông tin sai lệch sự thật nhằm hạ thấp uy tín và bôi nhọ danh dự của các tổ chức, cá nhân lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước.
“Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ (TTCP) về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo phục vụ Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, năm 2015, TTCP tiếp nhận 17.777 đơn và đã xử lý 17.058 đơn. Trong số đơn đã xử lý, có 4.198 đơn đủ điều kiện xử lý (chiếm 24,6%), 12.860 đơn không đủ điều kiện (chiếm 75,4%). TTCP cũng đã làm việc với Ủy ban Kiểm tra Trung ương thống nhất phương án xử lý đối với đơn thư không rõ họ tên, địa chỉ tố cáo lãnh đạo cấp cao nhưng có nội dung cụ thể và đã chuyển 14 đơn lên Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét. |
Thiện Thành