Pháp luật

Xét xử sơ thẩm vụ sập giàn giáo Formosa ở Hà Tĩnh

08:19, 23/12/2015 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Sau gần 9 tháng khẩn trương tập trung điều tra, thu thập chứng cứ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an và Tỉnh ủy Hà Tĩnh, từ ngày 16 - 18/12/2015, TAND tỉnh Hà Tĩnh đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án sập giàn giáo ở Công trường Formosa (Khu kinh tế Vũng Vũng, TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) làm 13 người chết và 29 người bị thương.

Các bị cáo Lee Jae Myeong (62 tuổi), quốc tịch Hàn Quốc bị Viện KSND tỉnh đề nghị mức án từ 3 - 4 năm tù giam; Kim Jong Wook (43 tuổi), quốc tịch Hàn Quốc từ 3 năm 6 tháng đến 4 năm 6 tháng tù giam; Nguyễn Anh Tuấn (27 tuổi) trú tại xã Quảng Hải, TX Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình từ 3 - 4 năm tù giam và Nguyễn Thái Đức (30 tuổi) trú tại xã Kỳ Trung, Kỳ Anh, Hà Tĩnh từ 30 - 36 tháng tù giam về tội “Vi phạm quy định về an toàn lao động”.

Sáng 16/12, mặc dù chưa đến giờ xét xử nhưng hàng trăm người dân đến từ các tỉnh Quảng Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh đã tập trung về  TAND tỉnh Hà Tĩnh để theo dõi phiên tòa. Trong đó có nhiều người là nạn nhân trong vụ án đã may mắn thoát chết, họ vừa là nhân chứng, vừa là bị hại. Ngồi cạnh họ là những người vợ trẻ mất chồng, những người cha, người mẹ mất con, là những đứa con còn nhỏ mất đi người cha yêu quý. Mỗi gia đình có một hoàn cảnh khác nhau, nhưng họ đều chung một nỗi đau tột cùng là vĩnh viễn mất đi trụ cột của gia đình.

Các bị cáo tại phiên tòa
Các bị cáo tại phiên tòa

Theo kết luận điều tra, lúc 19 giờ ngày 25/3/2015, tại công trường sản xuất, lắp đặt thùng chìm trọng lực cảng Sơn Dương, thuộc Khu liên hợp gang thép Formosa, TX Kỳ Anh (Hà Tĩnh), có khoảng 43 công nhân đang làm việc tại khuôn trượt thủy lực Lane 2. Trong đó, chỉ huy trưởng là ông Kim Jong Wook. Đốc công phụ trách tổ công nhân làm việc do ông Lee Jae Myeong phụ trách. Tổ công nhân vận hành hệ thống thủy lực của Lane 2 gồm 3 người: Nguyễn Anh Tuấn (tổ trưởng), Nguyễn Thái Đức (công nhân) và Trần Anh Hoàn (đã tử vong).

Được biết, dự án sản xuất, lắp đặt thùng chìm trọng lực cảng Sơn Dương là nơi đúc hầm dìm dựng ngăn đê chắn sóng cảng Sơn Dương, có tổng chiều dài lên đến hơn 10 km. Mỗi hầm chìm bê tông được đúc rỗng, kín cả 4 mặt, cao 15 m, dài 40 m và rộng 35 m. Sau khi đúc xong, mỗi hầm chìm bê tông có trọng lượng hàng nghìn tấn sẽ được tàu di chuyển ra Cảng Sơn Dương rồi lắp ghép với nhau bao quanh để chắn sóng.

Trong khi công nhân đang làm việc, khoảng 30 phút sau, khuôn trượt thủy lực Lane 2 phát ra tiếng động mạnh, giàn giáo rung lắc. Công nhân đang làm việc trên giàn giáo hoảng sợ, bỏ chạy về phía hai bên cầu thang bộ thoát hiểm. Lúc này, ông Kim Jong Wook và Lee Jae Myeong đi lên giàn Lane 2 để kiểm tra nhưng không tìm hiểu nguyên nhân xảy ra sự cố mà yêu cầu công nhân quay trở lại tiếp tục làm việc.

Khi Nguyễn Anh Tuấn và Nguyễn Thái Đức kiểm tra, phát hiện 4 kích thủy lực có sự cố đã báo cáo với ông Kim Jong Wook là chỉ huy trưởng nhưng ông này vẫn để công nhân trên giàn Lane 2 tiếp tục làm việc. Đến khoảng 20 giờ cùng ngày, toàn bộ khuôn trượt nâng đỡ thủy lực Lane 2 kết cấu bằng sắt dài, cao khoảng 25 m, trọng lượng hàng trăm tấn bất ngờ đổ sập, làm 13 người chết và 29 người bị thương.

Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Thái Đức khai, bản thân phát hiện một số kích thủy lực bị tụt xuống và đã báo với Kim Jong Wook. Tuy nhiên, bị cáo Kim Jong Wook lại khai rằng, thời điểm bị cáo lên kiểm tra không hề biết trước đó đã có sự cố bị rung. Còn bị cáo Lee Jae Myeong, là đốc công quản lý công nhân tại công trường khai rằng, có lên giàn giáo lúc 19 giờ 30 phút ngày 25/3. Bị cáo cho rằng, do trước đó có mưa, khả năng giàn giáo sẽ bị nhiễm điện nên bị cáo có kiểm tra nhưng nghĩ không có vấn đề gì nên đã gọi công nhân quay trở lại làm việc.

Một nạn nhân bị thương trong vụ án trình bày, trước khi nghe tiếng giàn giáo rung lắc, người tổ trưởng nói không sao, đến khi rung lắc lần 2, công nhân chạy ra cầu thang thoát hiểm thì thấy bị cáo Kim và Lee đi lên, gọi mọi người vào làm. Như vậy, những người làm chứng và bị hại đều cho biết, 2 bị cáo Kim và Lee đều biết việc giàn giáo rung lắc 2 lần và đã lên kiểm tra nhưng vẫn yêu cầu công nhân tiếp tục làm việc.

Từ những lời khai của nhân chứng, chủ tọa phiên tòa khẳng định, bị cáo Kim và Lee là những người trực tiếp chỉ huy tại công trường, đều biết giàn giáo rung lắc chứ không phải như lời khai nhận tại tòa của 2 bị cáo là do chủ quan, kiểm tra không đến nơi, đến chốn nên dẫn đến sự cố.

Về dân sự, phía Công ty Samsung C&T (đơn vị thi công) đã bồi thường thiệt hại trong sự cố nói trên với số tiền tổng cộng hơn 8,4 tỉ đồng. Trong đó, gia đình 13 người tử vong nhận bồi thường với tổng số tiền 5,2 tỉ đồng, 29 công nhân bị thương được bồi thường, hỗ trợ tổng cộng hơn 3,2 tỉ đồng. Phía Công ty CP Xây dựng và Cung ứng Lao động quốc tế (Nibelc) cung cấp công nhân (nhà thầu phụ) cho Công ty Samsung C&T đã hỗ trợ 13 gia đình có công nhân thiệt mạng số tiền hơn 780 triệu đồng và 29 người bị thương tổng số tiền 426 triệu đồng.

Bản luận tội của Viện KSND tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, vụ tai nạn đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, tuy nhiên, các bị cáo đã ăn năn hối cải, thành khẩn khai báo và nhận tội. Bản thân 4 bị cáo có nhân thân tốt. Bị cáo Kim Jong Wook đã nhờ mẹ từ Hàn Quốc sang Việt Nam gặp gỡ các gia đình, người thân của các nạn nhân để động viên và xin lỗi. Đây là những tình tiết để xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo. Một số công nhân bị thương cũng đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho 4 bị cáo. Sau 3 ngày xét xử, dự kiến sáng nay (21/12), tòa chuyển sang phần tranh tụng và tuyên án.

Hữu Trọng

Các tin khác