(Congannghean.vn)-Qua 5 năm thực hiện, mô hình “Ngày pháp luật” đã trở thành sự kiện pháp lý, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân về vị trí, vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội. Đồng thời, cổ vũ, vận động nhân dân chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của Hiến pháp và pháp luật, nâng cao ý thức bảo vệ pháp luật. Từ đó, góp phần tạo chuyển biến mới về hiệu quả thực thi pháp luật trong cuộc sống…
Đưa pháp luật vào thực tiễn
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) luôn được Đảng và Nhà nước xác định là nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần giữ ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế. Để thực hiện tốt mục tiêu trên, cần tìm ra những biện pháp hữu hiệu để đưa các chủ trươngcủa Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân một cách kịp thời, thường xuyên và hiệu quả.
Đông đảo người dân tham gia tuyên truyền, hưởng ứng Ngày pháp luật |
Tại Nghệ An, ngay từ năm 2011, UBND tỉnh đã chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện “Ngày pháp luật”, nhằm giúp nhân dân nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành và tôn trọng pháp luật. Từ đó có tác dụng thúc đẩy chính sách, pháp luật của Nhà nước được thực thi một cách sâu rộng trong thực tiễn, đồng thời hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật.
Ngoài ra, người dân biết tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân khi tham gia các quan hệ pháp luật. Cán bộ, nhân dân được thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định của pháp luật. Từ đó góp phần giảm bớt tình trạng khiếu nại không có căn cứ, kéo dài, vượt cấp, nhằm xây dựng môi trường sống lành mạnh trong cộng đồng dân cư, giữ vững ANTT ở địa bàn cơ sở, góp phần vào sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước.
Thông qua Ngày pháp luật, nhận thức về vị trí, vai trò của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với tính chất là cầu nối đưa pháp luật vào cuộc sống được coi trọng, tạo nền tảng vững chắc để tiếp tục đẩy mạnh công tác này trong thời gian tới.
Qua 5 năm thực hiện, “Ngày pháp luật” đã được triển khai rộng rãi, với nhiều hình thức, phương pháp tổ chức thực hiện đa dạng, phát huy hiệu quả và phù hợp với từng đối tượng. Điển hình như: Hoạt động lồng ghép các kiến thức về pháp luật trong nội dung sinh hoạt chi bộ, qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở hoặc các cuộc thi tìm hiểu pháp luật.
Ngoài ra, tổ chức tọa đàm, giao lưu trao đổi, thảo luận về các nội dung liên quan đến pháp luật; thông qua sinh hoạt câu lạc bộ Phụ nữ với pháp luật, Thanh niên với pháp luật; lồng ghép nội dung PBGDPL với các hoạt động thực hiện nội dung “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng nông thôn mới”, “Năm an toàn giao thông”...
Nội dung phổ biến được nghiên cứu có chọn lọc, ngoài việc tập trung tuyên truyền các văn bản pháp luật có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người dân, còn chú trọng các văn bản liên quan đến tình hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.
Cần tiếp tục nhân rộng mô hình
Qua thực tiễn cho thấy, việc triển khai thực hiện hoạt động “Ngày pháp luật” là một trong những biện pháp hiệu quả trong việc tuyên truyền, PBGDPL. Tuy nhiên, so với yêu cầu, việc thực hiện “Ngày pháp luật” vẫn còn gặp khó khăn và hạn chế. Một số cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức sinh hoạt “Ngày pháp luật” chưa đều, chưa thành nề nếp; việc tổ chức lồng ghép với sinh hoạt tổ hội hoặc sinh hoạt câu lạc bộ các đoàn thể chưa được thực hiện một cách rộng rãi.
Hoạt động triển khai pháp luật chủ yếu tập trung vào việc tổ chức các hội nghị, hội thảo, cuộc thi tìm hiểu pháp luật... mà chưa có nhiều mô hình hay, sáng tạo. Một số huyện, xã còn nhầm lẫn giữa việc tổ chức tuyên truyền PBGDPL theo các kế hoạch thường niên với các hoạt động của Ngày pháp luật.
Như vậy, để phát huy hơn nữa vai trò, hiệu quả hoạt động của mô hình “Ngày pháp luật”, cần xác định việc tổ chức triển khai Ngày pháp luật hàng tháng nói riêng đến hưởng ứng Ngày pháp luật 9/11 hàng năm và công tác PBGDPL nói chung là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, lâu dài nhằm nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Đồng thời, kịp thời tôn vinh những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong công tác PBGDPL, thực thi và chấp hành pháp luật.
Cùng với đó, chú trọng đổi mới và đa dạng hoá nội dung, hình thức tổ chức thực hiện Ngày pháp luật đảm bảo phù hợp với từng đối tượng và địa bàn, có tính thực chất và đi vào chiều sâu. Ngoài ra, cần dựa trên tình hình thực tế các địa phương, vùng miền để tìm ra những cách làm hay, sáng tạo, linh hoạt nhằm đưa pháp luật dần đi vào cuộc sống.
Đặc biệt, cần tiếp tục đẩy mạnh PBGDPL, nâng cao ý thức tôn trọng, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật gắn với việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật; đề cao giáo dục đạo đức, thông qua hoạt động thực thi công vụ kết hợp PBGDPL cho nhân dân; gắn hoạt động thực thi công vụ với phổ biến các quy định của pháp luật; lồng ghép tổ chức Ngày pháp luật, tuyên truyền PBGDPL với việc thực hiện nội dung “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Bên cạnh đó, quan tâm hơn nữa đến việc bố trí kinh phí, nguồn lực thực hiện công tác tuyên truyền, PBGDPL…
Mong rằng trong thời gian tới, nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu các kiến thức pháp luật sẽ thực sự trở thành nhu cầu tự thân của mỗi cán bộ, công chức, cá nhân, để tinh thần của Ngày pháp luật có sức lan tỏa sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân.