Pháp luật

Lần theo dấu vết 'lâm tặc' tàn phá rừng phòng hộ

15:08, 04/07/2015 (GMT+7)

Kì 2: Ai đã tiếp tay cho lâm tặc

Kì 3: Chính quyền chối bỏ trách nhiệm

(Congannghean.vn)-Khi đám “lâm tặc” đang tập trung đốn hạ cây trong rừng nguyên sinh, các trinh sát trong tổ công tác đặc biệt thuộc Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Nghệ An ẩn nấp trong những rậm cây đã lập tức lao ra bắt giữ các đối tượng. Trước sự xuất hiện của lực lượng Công an, nhóm “lâm tặc” bỏ chạy tán loạn vào rừng sâu hòng thoát thân, trong đó có một đối tượng vừa chạy vừa dùng cưa máy quay lại hăm dọa tổ công tác. Cuộc vật lộn giữa các CBCS với nhóm “lâm tặc” đã diễn ra khá gắt gao nơi núi rừng hiểm trở.

Đối tượng đầu nậu bỏ lại xe bò chở gỗ trốn vào rừng
Đối tượng đầu nậu bỏ lại xe bò chở gỗ trốn vào rừng
 
Cuộc vật lộn không cân sức 
 
Sau một đêm thức trắng mật phục, khi trời vừa hửng sáng, những đám sương mù dày đặc phủ kín cả khu rừng nguyên sinh rộng lớn, bạt ngàn các loại cây gỗ quý chưa kịp tan, các trinh sát trong tổ công tác đặc biệt thuộc Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Nghệ An phát hiện một nhóm “lâm tặc” mang theo cưa máy đang lầm lũi tiến sâu vào khu vực Tiểu khu 752 và 748 rừng phòng hộ thuộc xã Mậu Đức, giáp ranh với xã Đôn Phục, huyện Con Cuông. Bất chấp muỗi rừng, ruồi vàng đua nhau bám đốt, các trinh sát vẫn căng mắt tập trung dõi theo từng bước chân của “lâm tặc”.
Phương tiện dùng để kéo gỗ được “lâm tặc”                                            cất giấu trong rừng
Phương tiện dùng để kéo gỗ được “lâm tặc” cất giấu trong rừng
 
Những cây cao to có đường vanh khoảng nửa mét bị chúng ngang nhiên dùng cưa máy đốn hạ. Xác định đây là đám “lâm tặc” tại địa phương lâu nay cấu kết với các đối tượng “đầu nậu” về buôn bán lâm sản trái phép để phá rừng phòng hộ, Thiếu tá Hà Quang Chung, Phó đội trưởng Đội 3 cùng các trinh sát Trần Thanh Hải và Trần Doãn Ngọc đã tranh thủ hội ý chớp nhoáng, sau đó thống nhất phương án hành động. Trong lúc đang triển khai khép kín vòng vây, bắt quả tang bọn “lâm tặc”, các anh nghe tiếng máy cày từ phía sau lưng khu rừng vọng lại, càng lúc càng gần. Trước tình thế phức tạp, mặc dù lực lượng mỏng nhưng xét thấy thời cơ đã đến, tổ công tác quyết định hành động, bắt quả tang đám “lâm tặc” trước khi “đội quân” làm thuê vận chuyển gỗ có mặt tại khu vực đang diễn ra hoạt động phá rừng trái phép.
 
Khi đám “lâm tặc” đang cắt xẻ những khúc gỗ tròn thành hộp gỗ vuông vức thì bất ngờ các trinh sát lao ra khống chế, bắt giữ. Trong tình thế bị động, nhóm “lâm tặc” xô nhau bỏ chạy tán loạn vào rừng sâu, để lại ngổn ngang phía sau các loại cây đã bị đốn hạ. Duy nhất chỉ có một đối tượng vừa chạy vừa quay lại dùng cưa máy hăm dọa tổ công tác. Với kinh nghiệm sau những lần mật phục, truy bắt “lâm tặc”, một trinh sát trong tổ công tác đã khôn khéo lao đến ôm chặt đối tượng từ phía sau để đồng đội lao vào giật lưỡi cưa trên tay đối tượng.
 
Như con thú dữ cùng đường, đối tượng dồn hết sức lực còn lại, gồng mình nhằm trốn thoát. Cuộc vật lộn không cân sức giữa các trinh sát với “lâm tặc” đã diễn ra khá li kì nơi núi rừng hiểm trở. Trong lúc vật lộn, đối tượng đã bất chấp hiểm nguy, cuộn tròn người lăn nhào xuống chân núi hòng trốn thoát nhưng hắn đã bị 2 trinh sát Trần Thanh Hải và Trần Doãn Ngọc kịp thời lao đến bắt giữ. Cùng thời điểm này, Thiếu tá Hoàng Quang Chung đã bất chấp hiểm nguy, lách rừng, vượt núi để truy tìm, bắt giữ bằng được tên “lâm tặc” đang chạy trốn. 
 
Lâm tặc ngang nhiên “tàn sát” rừng
 
Nhận  được tin “nóng”, trưa chủ nhật (29/6), lãnh đạo Phòng Cảnh sát Môi trường do Thượng tá Chu Minh Tiến, Phó trưởng phòng làm Trưởng đoàn đã lập tức lên đường, có mặt tại xã Mậu Đức, huyện Con Cuông. Bất chấp cái nắng gay gắt của miền Tây xứ Nghệ, cộng với gió Lào bỏng rát, đoàn công tác liên ngành gồm Phòng Cảnh sát Môi trường, lực lượng Kiểm lâm, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Con Cuông và Công an xã Mậu Đức đã cuốc bộ hàng chục cây số đường rừng để kịp thời có mặt tại khu vực rừng bị “lâm tặc” tàn phá trước khi mặt trời lặn. Đi đến một khe suối cách UBND xã Mậu Đức và Trạm Kiểm lâm khoảng 3 cây số, đoàn công tác phát hiện một xe máy kéo đang kéo khoảng 6 khối gỗ từ khe suối lên tập kết trên đường.
Hai “lâm tặc” bị Cảnh sát môi trường bắt giữ
Hai “lâm tặc” bị Cảnh sát môi trường bắt giữ
Bên cạnh mép đường là một lán trại để trông giữ gỗ lậu (cách nơi “lâm tặc” đốn hạ rừng trái phép khoảng 14 cây số). Hai đối tượng khai, chúng vận chuyển gỗ lậu thuê cho một “đầu nậu” chuyên buôn bán lâm sản ở huyện Con Cuông. Ngay lúc đó, Thượng tá Chu Minh Tiến giao nhiệm vụ cho 2 cán bộ trong đơn vị kết hợp với Công an xã Mậu Đức tiến hành tạm giữ 2 đối tượng vận chuyển gỗ lậu cùng phương tiện và toàn bộ số gỗ nói trên, đưa về Hạt Kiểm lâm huyện Con Cuông để làm rõ và xử lý. 
 
Để kịp thời mục sở thị “đại bản doanh” khu vực rừng bị “lâm tặc” chặt phá trước lúc trời tối, đoàn công tác và nhóm phóng viên chúng tôi tiếp tục cuốc bộ bất chấp đồi núi quanh co, gập ghềnh, hiểm trở. Trong suốt chuyến hành trình vượt núi, qua quan sát, chúng tôi phát hiện dọc 2 bên đường vẫn còn dấu vết của lốp xe máy kéo và của những phiến gỗ được kéo ra từ trong rừng, tạo thành một đường hào sâu khoảng 1,5 mét.
 
Điều ngạc nhiên hơn cả là, khi đến khu vực cửa rừng của xã Mậu Đức, trước mặt chúng tôi là một bãi đất rộng, lâu nay được “lâm tặc” dựng lều lán làm nơi ăn nghỉ, phục vụ cho việc phá rừng phòng hộ; xung quanh lán trại với hơn chục khúc gỗ được “lâm tặc” tập kết để chuyển ra khỏi cửa rừng nhưng không bị lực lượng chức năng tháo gỡ. Một trinh sát chỉ tay về phía khúc gỗ tròn có đường kính khoảng 70 cm rồi nói: “Trước khi 2 đối tượng khai thác gỗ trái phép bị bắt, tại khu vực này có khoảng gần chục khúc gỗ như thế này, nhưng chỉ trong một đêm, “lâm tặc” đã thuê người “tẩu tán””. 
 
Để được tận mắt chứng kiến những khu rừng phòng hộ bị “lâm tặc” tàn phá, chúng tôi tiếp tục theo chân đoàn liên ngành vượt đỉnh núi. Trước mặt mọi người là những cây to đã bị “lâm tặc” đốn hạ, nằm ngổn ngang trên các cánh rừng. Tại đây, chúng tôi phát hiện 2 xe bò lốp dùng để vận chuyển gỗ lậu. Thiếu tá Nguyễn Văn Tùng, Phó đội trưởng Đội 3, Phòng Cảnh sát Môi trường đưa chúng tôi đến nơi có 3 máy cày dùng để vận chuyển gỗ lậu đang cất trong rừng, nói: “Loại xe này không chỉ dùng để kéo gỗ mà còn dùng để tời gỗ từ dưới khe lên. Sau khi bị “đánh động”, chúng đưa máy cày vào chân núi cất giấu. Hiện, chúng tôi đang tạm giữ để điều tra, làm rõ chủ phương tiện của các máy cày trên”.
 
Đúng 19 giờ cùng ngày, trời xẩm tối, đoàn công tác rời Tiểu khu 752 và 748 khu vực rừng phòng hộ của xã Mậu Đức giáp ranh với xã Đôn Phục đã bị tàn phá. Hai “lâm tặc” bị bắt giữ là Nguyễn Mộng Thanh và Lô Hồng Thiện đều trú tại huyện Con Cuông. Ba cán bộ Cảnh sát môi trường được giao nhiệm vụ đóng tại cửa rừng cùng lực lượng chức năng canh giữ và đánh thứ tự toàn bộ các khúc gỗ được “lâm tặc” tập kết tại cửa rừng, để phục vụ công tác điều tra, sau đó giao cho lực lượng chức năng và chính quyền địa phương quản lý. 23 giờ cùng ngày, đoàn công tác ra đến UBND xã Mậu Đức.
 
Nhiệm vụ lúc này của tổ công tác Cảnh sát môi trường là báo cáo chính quyền địa phương để chỉ đạo các cơ quan liên quan và chính quyền xã phối hợp với Công an huy động tối đa lực lượng để đưa toàn bộ số gỗ do “lâm tặc” tàn phá ra khỏi cửa rừng, sau đó giao cho lực lượng Kiểm lâm quản lý để phục vụ công tác điều tra; đồng thời làm rõ ranh giới rừng phòng hộ bị khai thác trái phép. Theo đánh giá ban đầu, trữ lượng gỗ bị “lâm tặc” khai thác ước tính khoảng 40 m3. Câu hỏi được đặt ra là, tại sao hoạt động tàn phá rừng của “lâm tặc” diễn ra ngang nhiên trong thời gian dài như vậy nhưng các lực lượng chức năng ở địa phương lại không có biện pháp xử lý. 

Kì 2: Ai đã tiếp tay cho lâm tặc

Kì 3: Chính quyền chối bỏ trách nhiệm

TIN LIÊN QUAN

 

Hữu Trọng

Các tin khác