Pháp luật

Đất tranh chấp vẫn mang ra bán đấu giá

08:14, 05/05/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Đất là tài sản gán nợ của khách hàng, quá trình vay nợ đến kỳ hạn nhưng khách hàng không có trả nên phía ngân hàng đã phát mãi và tổ chức đấu giá tài sản thông qua công ty đấu giá. Tuy nhiên, phía ngân hàng lẫn công ty đấu giá đã giấu nhẹm thông tin về việc lô đất này đang xảy ra tranh chấp, dẫn đến hệ quả là đấu giá thành công, tiền đã nộp nhưng sau nhiều tháng vẫn không bàn giao được đất cho khách hàng.
 
Khốn khổ khi mua phải đất tranh chấp
 
Báo Công an Nghệ An nhận được đơn tố cáo của bà Lê Thị Huyền (SN 1967) trú tại xóm 1B, xã Hưng Lĩnh, huyện Hưng Nguyên về việc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chi nhánh Nam Hưng (đóng chân tại xã Hưng Tân, huyện Hưng Nguyên) cấu kết với Công ty CP Đấu giá tài sản Phú Quý (địa chỉ tại 17 Mai Hắc Đế, TP Vinh) lừa đảo, chiếm đoạt của bà số tiền 283,5 triệu đồng. 
Mảnh đất đang xảy ra tranh chấp vẫn được đưa ra bán đấu giá
Mảnh đất đang xảy ra tranh chấp vẫn được đưa ra bán đấu giá
Theo trình bày của bà Huyền, bản thân bà là cán bộ của Công ty Xây lắp điện Đà Nẵng về nghỉ hưu. Hiện tại, vì chưa có chỗ ở nên ngày 6/12/2014, bà Huyền ký hợp đồng mua bán tài sản số 31 để mua quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất, với diện tích 450 m2 thuộc thửa đất số 985, tờ bản đồ số 3 theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 798458. Đây là phần đất mà UBND huyện Hưng Nguyên đã cấp cho ông Trương Văn Duyệt, tại xóm 9A, xã Hưng Lĩnh vào ngày 2/4/1996. Ông Duyệt đã mang giấy chứng nhận quyền sử dụng phần đất này đến Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chi nhánh Nam Hưng thế chấp để vay tiền. Tuy nhiên, do đến kỳ hạn nhưng không có khả năng trả nợ, ngày 4/4/2013, Ngân hàng đã thu hồi nợ và nhờ Công ty CP Đấu giá tài sản Phú Quý tổ chức bán đấu giá để thu nợ.
 
Sau khi mua đấu giá thành công với số tiền 283,5 triệu đồng, ngày 27/11/2014, bà Huyền đã nộp đủ số tiền này tại Công ty CP Đấu giá tài sản Phú Quý. Đích thân ông Nguyễn Đình Sáu, Giám đốc Công ty đã nhận tiền và thể hiện bằng giấy biên nhận tiền có đóng dấu đỏ của Công ty, đồng thời hẹn sau 10 ngày sẽ bàn giao đất. Tuy nhiên, đến nay, đã quá thời hạn từ lâu, mặc dù đã nhiều lần thúc ép nhưng phía Công ty CP Đấu giá tài sản Phú Quý lẫn Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Nam Hưng vẫn khất lần, không chịu bàn giao đất.
 
Quá trình tìm hiểu, bà Huyền phát hiện, nguyên nhân của việc chậm bàn giao đất là do mảnh đất mà bà mua đấu giá thành công đang là đất tranh chấp, dẫn tới không thể bàn giao. “Khi biết điều này, tôi đã rất bức xúc, bởi quá trình tổ chức đấu giá, phía Ngân hàng lẫn Công ty đều giấu nhẹm thông tin này, không cho biết đây là phần đất đang có sự tranh chấp. Giả sử, việc bàn giao đất diễn ra thuận lợi thì nếu ở đây lâu dài, cũng sẽ gặp không ít phiền toái nên tôi quyết định đòi lại tiền nhưng vẫn không được đáp ứng”, bà Huyền cho biết thêm. 
 
Đất tranh chấp lâu năm vẫn mang ra bán đấu giá
 
Về vấn đề này, ông Đặng Đình Hướng, cán bộ địa chính xã Hưng Lĩnh cho biết: Phần đất xảy ra tranh chấp có diện tích 97 m2 mặt nước, là đất công ích (5%), do UBND xã Hưng Lĩnh quản lý. Phần đất này nằm giữa đất của ông Trương Văn Duyệt và bà Trương Thị Tư, đã xảy ra tranh chấp từ năm 2008 đến nay, chính quyền đã nhiều lần tổ chức hòa giải nhưng bất thành. Nguồn gốc phần đất này được xác định như sau: Trước năm 1985, đây là phần đất mà gia đình bà Tư để lại khi lấy đất đắp đê, khi lập phơ đồ 299 đã không thể hiện trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình.
 
Năm 1990, khi không có nhu cầu sử dụng, bà Tư nhờ em ruột viết đơn trả lại cho hợp tác xã, sau đó được ông Duyệt viết đơn xin nhận và từ năm 1995 đến nay, phần đất này được ông Duyệt sử dụng dưới hình thức thầu khoán. “Mặc dù bà Tư (nay là Nguyễn Thị Thu, con gái bà Tư) không có giấy tờ, hồ sơ là cơ sở pháp lý chứng minh phần đất 97 m2 mà ông Duyệt đang sử dụng là đất thổ cư của mình nhưng vẫn tranh chấp, khiếu kiện trong 7 năm qua. Mới đây nhất, khi đại diện Ngân hàng và Công ty CP Đấu giá tài sản Phú Quý xuống làm việc để giao đất, bà Thu và em trai tiếp tục cản trở. Ngày 24/4, UBND xã Hưng Lĩnh tiến hành hòa giải nhưng bất thành”, ông Hướng cho biết thêm.
 
Ông Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Nam Hưng cho biết: “Về việc giới thiệu Công ty CP Đấu giá tài sản Phú Quý bán đấu giá, trước đó, do Công ty này đã giao dịch thành công cho Ngân hàng một trường hợp ở đường 558, giúp thu hồi nợ đọng cho Ngân hàng nên năm 2014, khi có khoản nợ tại xóm 9A, xã Hưng Lĩnh, Ngân hàng đã gửi thư yêu cầu Công ty Phú Quý tham gia ký kết hợp đồng bán tài sản. Quá trình tổ chức đấu giá, ông Thuận khẳng định phía Ngân hàng lẫn Công ty Phú Quý đã làm đúng và đầy đủ quy trình bán đấu giá tài sản.
 
Sau khi tổ chức bán đấu giá tài sản thành công, theo quy định thì sau 22 ngày, công ty đấu giá phải nộp tiền vào Ngân hàng và tổ chức bàn giao đất nhưng quá thời hạn nói trên, Công ty Phú Quý vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ của mình. Khi chị Huyền thắc mắc, phía Ngân hàng đã có văn bản gửi tới Công ty Phú Quý nhưng đến thời điểm này, Công ty vẫn chưa nộp tiền vào Ngân hàng theo quy định”.
 
Về việc phần đất đang xảy ra tranh chấp nhưng vẫn tổ chức bán đấu giá, ông Nguyễn Văn Thuận cho hay: Trước đây, khi thực hiện thế chấp tài sản để vay tiền, phía Ngân hàng xác định bìa đất 450 m2 của ông Duyệt không có tranh chấp nên giao dịch được đảm bảo và phía Ngân hàng đã tiến hành cho vay. Tuy nhiên, sau khi tiến hành xác minh để bàn giao thì mới nắm được thông tin. Song “đất này là đất tranh chấp theo nghĩa khác”. Việc tranh chấp của bà Thu là vô căn cứ, không có cơ sở.
 
Quá trình xác minh tài sản để bàn giao, xác định diện tích trên cạn là 353 m2, phần còn lại là diện tích mặt nước. Hiện, đang tiến hành xác định lại nên việc bàn giao có phần chậm hơn. Cũng theo Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Nam Hưng, để giải quyết dứt điểm vấn đề này, trước hết, yêu cầu Công ty Phú Quý phải nộp tiền vào tài khoản ngân hàng để đảm bảo tài sản cho bà Huyền, tiếp đó sẽ giải quyết các vấn đề còn tồn đọng để tiến hành giao đất. Tuy nhiên, sau lần hòa giải mới đây nhất là vào ngày 24/4 nhưng bất thành, hướng giải quyết tiếp theo là nhờ tòa án phân xử.

Thiện Thành

Các tin khác