Pháp luật
An toàn giao thông đường sắt
Tiềm ẩn tai nạn khó lường
09:00, 19/12/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Thời gian qua, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt trên địa bàn tỉnh Nghệ An tiếp tục diễn biến phức tạp; số vụ, số người chết và bị thương đều tăng cao. Nguyên nhân chính là do người dân tự ý mở đường ngang dân sinh và không quan sát khi đi qua đường sắt.
Theo số liệu của Ban ATGT tỉnh, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 19 vụ TNGT đường sắt, làm chết 16 người, bị thương 3 người, hư hỏng 4 đầu máy tàu hỏa, 2 ôtô, 8 môtô, 1 xe đạp (tăng 4 vụ, 3 người chết so với cùng kỳ năm 2013). Riêng tuyến đường sắt qua địa phận ga Yên Lý, huyện Diễn Châu đã xảy ra 15 vụ TNGT giữa đường sắt và đường bộ, làm chết 6 người. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến TNGT đường sắt. Ý thức tự giác của người tham gia giao thông còn hạn chế, công tác tuyên truyền, giáo dục chưa được thường xuyên, quyết liệt... Và có một nguyên nhân quan trọng, đó là vẫn còn hàng trăm đường ngang dân sinh tự ý mở cắt qua đường sắt, tình trạng lấn chiếm hành lang ATGT đường sắt diễn ra phổ biến.
TNGT đường sắt xảy ra ngày 9/11 tại địa phận xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu |
Mới đây nhất, vào lúc 0 giờ 15 phút ngày 13/12, tại trạm gác chắn đường sắt thuộc địa bàn xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu, 2 nhân viên gác chắn Yên Lý của Công ty TNHH MTV quản lý Đường sắt Nghệ Tĩnh vừa hạ barie đón tiễn tàu thì bất ngờ 1 chiếc xe taxi Mai Linh BKS 37A-099.63 lao nhanh từ QL48 ra QL1A. Sau đó, chiếc xe đâm thẳng vào bục ngăn cách giữa hai tuyến quốc lộ làm đổ cột tín hiệu, rồi lật nghiêng bên đường sắt. Vụ tai nạn khiến 4 người trên xe taxi bị thương phải đưa đi cấp cứu. Đây cũng là hồi chuông báo động về tình trạng mất ATGT đường sắt hiện nay.
Tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua Nghệ An có chiều dài gần 100 km. Dọc tuyến đường sắt đi qua các xã, phường trên địa bàn tỉnh có 313 đoạn đường giao cắt giữa đường sắt và đường bộ, trong đó có 231 đường ngang dân sinh tự mở. Đi thực tế dọc tuyến đường sắt, chúng tôi thấy nhiều đường ngang bị che khuất tầm nhìn bởi nhà dân, cây xanh, biển quảng cáo.
Hệ thống biển báo hiệu đường bộ đã cũ không phát huy tác dụng, thiếu thiết bị cảnh báo về ATGT đường bộ tại điểm giao cắt với đường sắt như: Gờ giảm tốc, vạch sơn dừng xe; cao độ ở một số đường ngang giao với đường sắt không đảm bảo an toàn, nhất là khi nâng cấp, mở rộng QL1A, tại một số điểm giao cắt không được nối hài hòa, gây khó khăn cho các phương tiện giao thông… Đó là những nguyên nhân xảy ra các vụ TNGT đường sắt nghiêm trọng tại tỉnh ta.
Nguy hiểm nhất, tại các huyện có đường giao cắt nhiều, gồm: Quỳnh Lưu có 11 đường ngang dân sinh tự phát, Diễn Châu 46 đường, Nghi Lộc 15 đường, Hưng Nguyên 11 đường… Tiềm ẩn nguy cơ TNGT rất cao. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 82 đường ngang dân sinh hợp pháp và 231 đường ngang dân sinh bất hợp pháp, có nguy cơ cao về TNGT. Đường ngang dân sinh tự phát tồn tại lâu nay, đặc biệt, trên địa bàn các huyện Diễn Châu và Nghi Lộc, đường sắt dài khoảng 40 km thì có khoảng 60 đường ngang dân sinh, do lòng đường bộ chật hẹp, khoảng cách với ta luy đường sắt quá ngắn, người dân tụ họp buôn bán... dẫn đến nhiều vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Trước thực tế đó, vừa qua, Sở GTVT, Ban ATGT tỉnh và Công ty TNHH MTV quản lý Đường sắt Nghệ Tĩnh đã tổ chức kiểm tra, khảo sát thực địa. Qua đó, đưa ra một số biện pháp để giảm thiểu TNGT đường sắt. Tuy nhiên, xử lý những bất cập về hạ tầng nói trên vẫn khó thực hiện vì thiếu nguồn vốn đầu tư. Do đó, các cơ quan chức năng liên quan cần ưu tiên nguồn vốn, phân loại các điểm giao cắt có nguy cơ cao để đầu tư trước. Đồng thời, các địa phương cần chủ động trong công tác giải tỏa tầm nhìn. Có như vậy mới giảm thiểu ẩn họa về TNGT tại các điểm giao nhau giữa đường ngang dân sinh và đường sắt.
Tai nạn đường sắt đang là vấn đề nhức nhối của xã hội. Bên cạnh việc người tham gia giao thông thiếu ý thức, không tuân thủ đúng luật thì tình trạng lấn chiếm hành lang khiến ngành đường sắt nhiều khi “lực bất tòng tâm”, một phần do kinh phí, phần do công tác tuyên truyền chưa đồng bộ, thiếu thuyết phục. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết sự vào cuộc của các cấp chính quyền, ban, ngành chức năng với những biện pháp hữu hiệu nhất.
Cao Loan