Pháp luật
Mất an toàn ở các 'Cổng trường an toàn giao thông'
08:18, 15/12/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Thực hiện đề án của Ban ATGT tỉnh, về việc đảm bảo TTATXH và ATGT khu vực trước cổng trường học, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tiến hành gắn biển “Cổng trường ATGT” tại các trường học trên địa bàn. Mặc dù được gắn biển nhưng tại các cổng trường vẫn xảy ra tình trạng ùn tắc, mất ATGT, nhất là vào giờ tan trường.
Hàng ngày, vào giờ tan tầm, từ 16 giờ 30 - 17 giờ, đường Đinh Công Tráng, phường Lê Mao, TP Vinh luôn là nỗi ám ảnh của những người tham gia giao thông trên đoạn đường này. Xe máy, ôtô nối đuôi nhau xếp hàng dài, dừng, đỗ tràn lan từ vỉa hè xuống lòng đường, khiến người đi đường bị “kẹt cứng”. Đoạn đường gần như bị ách tắc cục bộ. Sở dĩ có tình trạng này là vì trên trục đường có 3 ngôi trường với gần 3.000 học sinh.
Đoạn đường Đinh Công Tráng vào giờ tan tầm luôn là nỗi ám ảnh của người đi đường |
Vào giờ tan trường, các phụ huynh tập trung đưa đón con dẫn đến tình trạng ùn tắc. UBND phường và các nhà trường cũng đã phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông, tổ dân phố để giải tỏa, điều tiết giao thông. Tuy nhiên, đây chỉ là phương án tạm thời, bởi khi vắng bóng lực lượng chức năng thì tắc vẫn hoàn tắc. Không chỉ riêng đường Đinh Công Tráng mà nhiều con đường khác cũng chung tình trạng như vậy vào mỗi giờ tan trường, như đường Herman Gmeiner, đường Lê Hồng Phong…
Từ năm học 2014, thực hiện đề án của Ban ATGT, Sở GD&ĐT, 100% các trường học trên địa bàn tỉnh đều gắn biển “Cổng trường ATGT”. Tuy nhiên, việc gắn biển dường như chỉ mang tính hình thức mà chưa phát huy được hiệu quả. Bởi thế mới dẫn đến tình trạng ùn tắc, mất ATGT tại các cổng trường, nhất là vào giờ tan tầm. Ông Nguyễn Trọng Hoàn, Phó Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT cho biết: “Chủ trương của Sở là gắn biển “Cổng trường ATGT” tại các trường học nhằm đảm bảo TTATGT. Các trường phải xây dựng kế hoạch, hành động cụ thể, phối hợp với chính quyền địa phương để mô hình thực sự phát huy được hiệu quả. Tuy nhiên, hầu hết các trường vẫn chưa có động thái gì”.
Được biết, mô hình “Cổng trường ATGT” đã được Tỉnh đoàn Nghệ An triển khai thực hiện và thí điểm ở 10 địa phương từ nhiều năm nay. Một số trường học trên địa bàn tỉnh đã triển khai quyết liệt và thực sự phát huy được hiệu quả như TP Vinh, Đô Lương… Trường THPT Lê Viết Thuật, TP Vinh là một trong những đơn vị thực hiện tốt mô hình này. Thầy Nguyễn Trọng Bé, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Viết Thuật cho biết: Mô hình này đã được nhà trường triển khai từ nhiều năm, do Đội an ninh xung kích của Trường trực tiếp đảm nhận.
Nằm trên trục đường Phong Định Cảng, có lưu lượng xe tham gia giao thông rất đông, nhất là xe tải. Để tránh tình trạng ùn tắc vào giờ tan trường, Đội an ninh xung kích đã phối hợp với tổ bảo vệ bố trí lực lượng nhắc nhở, giữ gìn TTATGT khu vực trước cổng trường. Nhờ đó, giao thông khu vực này luôn được đảm bảo, không xảy ra ùn tắc hay TNGT. Tại Đô Lương, Trường THPT Đô Lương 1 và THPT Đô Lương 3 là 2 đơn vị thực hiện tốt mô hình này. Ngoài tham gia giữ gìn TTATGT, Đội xung kích còn phối hợp với Công an xã giải quyết, ngăn chặn các vụ đánh nhau trong nhà trường.
Trong khi các trường học gắn biển “Cổng trường ATGT” cho có hình thức thì tình trạng lộn xộn, mất ATGT trước cổng trường vẫn đang diễn ra hàng ngày, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn, đe dọa tính mạng giáo viên lẫn học sinh. Không những thế, còn gây cản trở, ảnh hưởng đến những người tham gia giao thông. Vì vậy, để mô hình thực sự có hiệu quả, các trường và đơn vị có liên quan cần có biện pháp khắc phục, chấn chỉnh kịp thời.
Được biết, trong thời gian tới, Sở GD&ĐT sẽ tăng cường chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện mô hình “Cổng trường ATGT” tại các trường học, đồng thời tổ chức nhiều chương trình tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến học sinh, giáo viên nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của mỗi cá nhân. Bên cạnh đó, phối hợp với Ban ATGT, lực lượng Cảnh sát giao thông tổ chức ký cam kết không vi phạm ATGT. Thiết nghĩ, để đảm bảo ATGT trước cổng trường học không chỉ là trách nhiệm của ngành giáo dục mà cần có sự vào cuộc quyết liệt từ phía nhà trường, chính quyền địa phương để có những giải pháp thực sự hiệu quả.
Huyền Thương