Pháp luật
Vụ bảo hiểm dầu khí PVI từ chối trách nhiệm bảo hiểm cho khách hàng
Viện kiểm sát nhân dân tối cao vào cuộc
09:00, 25/11/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Do bị bảo hiểm dầu khí PVI từ chối trách nhiệm bồi thường thiệt hại sửa chữa xe khi xảy ra tai nạn nên chủ xe là ông Chu Văn Loan và bảo hiểm PVI phải đưa nhau ra tòa. Sự việc kéo dài đến mức mới đây, Viện KSND tối cao phải ra quyết định kháng nghị đề nghị TAND tối cao xét xử giám đốc thẩm theo hướng hủy Bản án dân sự phúc thẩm và giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm.
Theo đơn khiếu nại gửi Báo Công An Nghệ An, vào ngày 23/11/2011, ông Chu Văn Loan trú tại xã Bảo Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) mua bảo hiểm vật chất xe của Tổng Công ty bảo hiểm PVI cho xe cho ôtô 37A-043.54 và được PVI cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm số BB 8036049. Số tiền mua bảo hiểm vật chất xe là 8.700.000 đồng.
Văn bản kháng nghị của Viện KSND tối cao |
Đến ngày 18/12/2011, ông Loan đang điều khiển xe thì bị nổ lốp phía sau bên trái, làm mất lái, đâm vào cột cổng bên đường, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Số tiền sửa chữa xe là 248.000.000 đồng. Sau tai nạn, ông Loan làm hồ sơ yêu cầu bồi thường gửi cho Công ty bảo hiểm PVI nhưng Công ty này từ chối bồi thường vì “do không có giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện xe cơ giới đường bộ hợp lệ tại thời điểm xảy ra đối với xe”?.
Không đồng ý với trả lời trên, ông Loan khởi kiện Tổng Công ty bảo hiểm PVI ra TAND TP Vinh, yêu cầu PVI bồi thường vì các lý do: Theo quy định tại Điều 15, Luật Kinh doanh bảo hiểm ngày 24/11/2010, khi khách hàng đã đóng đầy đủ phí bảo hiểm theo thoả thuận thì Công ty bảo hiểm phải chịu trách nhiệm bồi thường; Công ty PVI thấy xe ôtô của tôi có đủ điều kiện được mua bảo hiểm nên mới bán bảo hiểm và cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm cho tôi. Và khi Công ty PVI đã nhận tiền của tôi thì PVI phải có nghĩa vụ với chính những hành vi mà mình đã làm.
Nếu chiếc xe của tôi không đủ điều kiện bảo hiểm thì bên Công ty PVI sao lại bán bảo hiểm cho tôi và nhận tiền của tôi; - Theo khoản 2, Điều 16 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 thì “Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm phải được quy định rõ trong hợp đồng bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm phải giải thích rõ cho bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng”.
Tuy nhiên, khi tôi mua bảo hiểm của Công ty PVI thì chỉ có Giấy chứng nhận bảo hiểm, trong Giấy chứng nhận bảo hiểm mà Công ty cấp cho tôi lại không có điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm. Mặt khác, khi tôi mua bảo hiểm thì nhân viên bán bảo hiểm là ông Trần Mạnh Hùng không hề giải thích cho tôi về các điều khoản loại trừ bảo hiểm nên Công ty PVI phải có trách nhiệm bồi thường cho tôi. Như vậy, mối quan hệ giữa nguyên nhân và hậu quả của thiệt hại xảy ra là do xe bị nổ lốp chứ không phải do không có Giấy đăng ký đăng kiểm. Lỗi không có giấy đăng kiểm ở đây là lỗi vi phạm hành chính.
Sau khi tiếp nhận, thụ lý đơn khởi kiện của ông Chu Văn Loan, ngày 29/3/2013, TAND TP Vinh đưa vụ án ra xét xử và ra Bản án số 04/2013/DSST buộc Tổng công ty bảo hiểm PVI phải bồi thường cho ông Loan 1/2 thiệt hại, tương ứng số tiền 124.338.500 đồng.
Sau khi TAND TP Vinh đưa ra Bản án số 04/2013/DSST, PVI có kháng cáo gửi lên TAND tỉnh Nghệ An. Tiếp đến, ngày 27/9/2013, TAND tỉnh Nghệ An xét xử phúc thẩm và ra Bản án số 49/2013/DSST phủ nhận Bản án số 04/2013/DSST của TAND TP Vinh vì cho rằng, thiệt hại xảy ra do lỗi hoàn toàn của ông Loan, việc không ký hợp đồng bảo hiểm là do lỗi của ông Loan ... Không đồng ý với Bản án trên của TAND tỉnh Nghệ An, ông Chu Văn Loan tiếp tục làm đơn khiếu nại giám đốc thẩm lên Viện KSND tối cao.
Ngày 5/11/2013, Viện KSND tỉnh Nghệ An có Công văn số 1976/BC-VKS-P5 đề nghị Viện KSND tối cao kháng nghị giám đốc thẩm Bản án số 49/2013/DSST. Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, nghiên cứu đơn thư khiếu nại của ông Chu Văn Loan và đề nghị của Viện KSND tỉnh Nghệ An, ngày 14/10/2014, Viện trưởng Viện KSND tối cao ra Quyết định kháng nghị số 80/QĐ-KNGĐT-V5 kháng nghị Bản án số 49/2013/DSST của TAND tỉnh Nghệ An để hủy Bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Nghệ An. Viện KSND tối cao cũng ra quyết định tạm đình chỉ thi hành Bản án dân sự phúc thẩm nêu trên cho đến khi có quyết định giám đốc thẩm.
Theo đó, Viện KSND tối cao cho rằng, TAND TP Vinh xác định hai bên không ký hợp đồng bằng văn bản, PVI không giải thích rõ các điều khoản loại trừ bảo hiểm để phòng tránh nên có một phần lỗi và PVI phải chịu 1/2 thiệt hại là có căn cứ. Còn TAND tỉnh Nghệ An xác định ông Loan điều khiển xe không có Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện xe cơ giới đường bộ hợp lệ tại thời điểm xảy ra đối với xe không liên quan đến trách nhiệm của PVI là chưa đúng.
Nhóm PV