(Congannghean.vn)-Ngày 12/11/2014, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có Văn bản số 5971/TCĐBVN-QLPT&NL gửi Sở Giao thông Vận tải (GTVT) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đổi Giấy phép lái xe (GPLX) bằng giấy sang GPLX bằng vật liệu PET. Theo đó, “GPLX ôtô bằng vật liệu giấy sau năm 2014 và GPLX môtô bằng vật liệu giấy sau năm 2020 nếu còn thời hạn sử dụng ghi trên GPLX thì GPLX đó vẫn còn hiệu lực sử dụng, được đổi sang GPLX bằng vật liệu PET khi hết hạn hoặc được đổi khi có nhu cầu”.
Trước đó, theo Thông tư số 38/2013/TT-BGTVT, ngày 24/10/2013 của Bộ GTVT, hướng dẫn về việc cấp đổi GPLX cơ giới theo lộ trình nhằm đảm bảo công tác quản lý người lái phương tiện, theo đó: “GPLX ôtô được chuyển đổi trước ngày 31/12/2014; GPLX hạng A4 chuyển đổi trước ngày 31/12/2015. Riêng GPLX không xác định thời hạn gồm A1, A2, A3 có lộ trình như sau: GPLX cấp trước năm 2003, chuyển đổi trước ngày 31/12/2016; GPLX cấp trước năm 2004, chuyển đổi trước ngày 31/12/2017; GPLX cấp trước năm 2007, chuyển đổi trước ngày 31/12/2018; GPLX cấp trước năm 2010, chuyển đổi trước ngày 31/12/2019; GPLX cấp sau năm 2010, chuyển đổi trước ngày 31/12/2020”.
Người dân làm thủ tục cấp đổi GPLX từ vật liệu giấy sang vật liệu PET |
Thời gian gần đây, từ tin đồn lan truyền trong nhân dân, đến ngày 31/12/2014, nếu không chuyển đổi GPLX xe bằng vật liệu giấy sang vật liệu PET (nhựa) thì GPLX đó sẽ không còn giá trị sử dụng, người dùng buộc phải sát hạch lại để được cấp giấy phép mới. Từ luồng thông tin thất thiệt này, người dân ở nhiều địa phương trong cả nước lo sợ phải “thi lại”, ùn ùn kéo nhau đến Sở GTVT các tỉnh làm thủ tục đổi GPLX sang vật liệu mới, khiến lượng người đổi GPLX tăng đột biến, gây ách tắc, khó khăn cho việc đổi GPLX.
Tại Nghệ An, từ khi có quy định mới về việc chuyển đổi GPLX từ vật liệu giấy sang vật liệu mới (PET), lượng người làm thủ tục chuyển đổi ngày một tăng lên. Đến nay, hàng nghìn GPLX đã được chuyển sang vật liệu mới. Tuy nhiên, thời gian gần đây cũng với luồng tin đồn thất thiệt về “thời hạn chót” (31/12/2014) cho các loại GPLX cũ nên số lượng người dân kéo đến Sở GTVT làm thủ tục chuyển đổi GPLX cũng tăng đột biến.
Theo ghi nhận của phóng viên tại “Bộ phận một cửa” Sở GTVT Nghệ An trong ngày 17/11/2014, lượng người đến làm thủ tục chuyển đổi GPLX vẫn chật cứng, chen chúc nhau đến những phút cuối cùng của giờ làm việc buổi sáng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Anh Tuấn, Phó phòng Quản lý Phương tiện và Người lái, Sở GTVT Nghệ An cho biết: Từ đầu năm đến nay, số lượng người dân đến làm thủ tục để chuyển đổi bằng lái xe các loại từ chất liệu giấy sang vật liệu mới (PET) đã tăng lên rất nhiều. Do đó, để tạo điều kiện thuận lợi giao trả bằng cho người dân đến tận nơi ở, nơi làm việc, Sở GTVT đã phối hợp cùng Bưu điện Nghệ An thực hiện “chuyển phát nhanh” cho những người có nhu cầu.
Phải nói rằng, chủ trương này đã đem lại hiệu quả hết sức thiết thực, nhận được sự đồng tình cao của người dân. Chỉ với 135.000 đồng lệ phí, sau 5 ngày thụ lý hồ sơ, người dân sẽ có bằng mới theo quy định hiện hành. Cũng theo ông Tuấn, thời gian gần đây, mỗi ngày “Bộ phận một cửa” tiếp nhận khoảng 150 - 180 bộ hồ sơ chuyển đổi GPLX, nếu tính cả hồ sơ từ các huyện chuyển về thì mỗi ngày tiếp nhận khoảng gần 500 hồ sơ. Hiện tại, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản gia hạn thời gian chuyển đổi GPLX đến hết 31/12/2015 nhưng lượng người đến làm thủ tục thời gian gần đây vẫn còn đông.
Cũng theo Công văn số 5971/TCĐBVN-QLPT&NL, ngày 12/11/2014 của Bộ GTVT thì: “Hiện nay, không có quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với người sử dụng GPLX bằng vật liệu giấy do cơ quan có thẩm quyền cấp còn thời hạn sử dụng ghi trên GPLX mà chưa đổi sang GPLX bằng vật liệu PET”.
Như vậy, với sự chỉ đạo kịp thời của ngành GTVT, người dân hoàn toàn yên tâm về giá trị sử dụng của GPLX bằng chất liệu giấy đang còn thời hạn sử dụng và có một khoảng thời gian dài, từ nay đến cuối năm 2015 để chuyển đổi từ GPLX chất liệu giấy sang chất liệu PET, phù hợp với lộ trình cấp, đổi GPLX của Bộ GTVT.
.