Thời gian gần đây, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vụ sản xuất thực phẩm bằng phụ gia lậu, kinh doanh thực phẩm hết hạn sử dụng, không kiểm dịch… với mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng.
Tại TPHCM, chỉ trong một tuần (từ ngày 6-13/8) lực lượng quản lý thị trường (QLTT) đã bắt giữ 8 vụ kinh doanh thực phẩm trái phép, trong đó nổi bật là vụ vận chuyển 600 chai sữa nước Ensure hàng lậu, vụ kinh doanh 800kg nấm đông cô, rong biển ngoại nhập tại chợ Bình Tây không có nhãn phụ tiếng Việt và vụ đang làm rõ chứng từ kinh doanh 120 tấn bột ngọt nghi hàng kinh doanh trái phép.
Cũng trong thời điểm này, đoàn công tác liên ngành của Thành phố cũng phát hiện 23 vụ vi phạm về kiểm dịch động vật, phần lớn là vận chuyển từ các tỉnh vào Thành phố, đã giao cho cơ quan thú y xử lý 607kg gà vịt, 912kg thịt gia súc, gia cầm.
Ngày 12/8, Đội QLTT huyện Bình Chánh đã kiểm tra điểm sản xuất và chế biến khô bò không có đăng ký kinh doanh, tại địa chỉ nhà không số thuộc ấp 4, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, phát hiện chủ cơ sở đang chế biến 419kg phổi heo thối thành khô bò.
Không chỉ thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, thực phẩm đóng hộp mới vi phạm an toàn vệ sinh mà thực phẩm chức năng (TPCN) cũng bị phát hiện nhiều loại kém chất lượng và cấm lưu hành.
Mới đây nhất, vào ngày 19/8, Đoàn liên ngành huyện Bình Chánh (TPHCM) kiểm tra và phát hiện 2 doanh nghiệp vi phạm về lưu trữ, sản xuất thực phẩm.
Vụ thứ nhất ở kho hàng của Công ty TNHH Minh Nhật quốc tế (A35/35 Nguyễn Văn Linh, ấp 3B, huyện Bình Chánh). Theo đó, 21 tấn lòng heo muối, xuất xứ Trung Quốc, được nhập về để chế biến lạp xưởng, dù có giấy tờ nhập khẩu, kiểm dịch thú y… nhưng doanh nghiệp chưa đăng ký thành lập chi nhánh tại địa chỉ kho như trên, chưa xuất trình giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm và nhãn mác thiếu một số nội dung bắt buộc.
Vụ thứ hai là ở Công ty TNHH một thành viên Hòa Thắng (xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh), hoạt động với chức năng sản xuất tép mỡ và mỡ nước cung cấp nguyên liệu làm thức ăn gia súc.
Tại thời điểm kiểm tra, địa điểm sản xuất trên không đảm bảo vệ sinh trong hoạt động sản xuất khi nền sàn đọng nước bẩn, lẫn nhiều tạp chất lạ. Cùng với đó, Công ty hoạt động không đúng như giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh: Sơ chế gần nửa tấn tai heo thành sản phẩm sơ chế dùng cho người.
Đoàn kiểm tra lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 8,5 triệu đồng, buộc đình chỉ ngay hành vi vi phạm và lấy mẫu xét nghiệm, kiểm dịch lại lô hàng tai heo theo quy định.
Sản xuất mỳ cay bằng phụ gia nhập lậu
Ngày 18/8, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Công an TP. Móng Cái và Chi cục ATVSTP tỉnh Quảng Ninh kiểm tra cơ sở sản xuất thực phẩm của Công ty TNHH La La do ông Phùng Quang Hòa làm Giám đốc.
Tại khu vực kho chứa, Đoàn đã phát hiện có 15.255kg sản phẩm bánh (3 loại bánh) đã thành phẩm mang nhãn mác mỳ cay thơm ngon Oliwa, Snack cay ngựa Happy và Beefsteak thơm cay, cùng 500,2kg phụ gia thực phẩm mang nhãn mác của Trung Quốc, gồm: Chất phụ gia bảo quản, bột nở, đường trắng, đường keo tạo màu, mỳ chính xay đều không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.
Thêm vào đó, trong quá trình hoạt động sản xuất, Công ty đã vi phạm như sau: Chưa có đầy đủ thủ tục pháp lý theo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường và ATTP (không có bản cam kết bảo vệ môi trường, sản phẩm của Công ty sản xuất ra chưa đăng ký công bố hợp quy, phù hợp quy định an toàn thực phẩm); không có giấy chứng nhận tập huấn kiến thức và khám sức khỏe định kỳ đối với công nhân sản xuất thực phẩm; phụ gia thực phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ hợp pháp...
Hiện Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường đã lấy mẫu 3l bánh thành phẩm và chất phụ gia thực phẩm nói trên gửi cơ quan chức năng kiểm định. Đồng thời tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ những hành vi sai phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.
.