Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201408/nghi-van-9-chau-be-o-chua-bo-de-bien-mat-bi-an-517882/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201408/nghi-van-9-chau-be-o-chua-bo-de-bien-mat-bi-an-517882/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Nghi vấn 9 cháu bé ở chùa Bồ Đề biến mất bí ẩn - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 06/08/2014, 14:37 [GMT+7]

Nghi vấn 9 cháu bé ở chùa Bồ Đề biến mất bí ẩn

Những ngày qua, cơ quan điều tra đã tiếp nhận gần chục lá đơn phản ánh về việc còn 9 cháu bé khác từng được nuôi dưỡng tại chùa Bồ Đề nhưng hiện nay đã “biến mất” một cách đầy bí ẩn

123
Mấy ngày qua, cổng Nhà mở chùa Bồ Đề luôn đóng kín, không cho người lạ vào

Thượng tá Vũ Thái Hưng, Phó trưởng Phòng CSHS Công an Hà Nội khẳng định sẽ điều tra sự liên quan của sư Thích Đàm Lan, khi thông tin với báo chí về kết quả điều tra vụ án mua bán trẻ em xảy ra tại chùa Bồ Đề (Long Biên, Hà Nội) vào chiều 5/8.

Theo thượng tá Vũ Thái Hưng, từ đơn trình báo của anh Nguyễn Thành Long (quận Long Biên) về việc con trai đỡ đầu của anh là cháu Cù Nguyên Công bị “mất tích” đầy bí ẩn tại chùa Bồ Đề, CQĐT đã làm rõ vụ án, bắt giam Nguyễn Thị Thanh Trang (SN 1978, ở quận Hai Bà Trưng, người được giao quản lý khu trông nom trẻ trong chùa Bồ Đề) và Phạm Thị Nguyệt (SN 1979, tạm trú quận Hoàng Mai, Hà Nội) về hành vi Mua bán trẻ em.
Kịch bản bán trẻ của bảo mẫu

Bước đầu, CQĐT xác định, sau khi sinh con chị Trần Thị Thu H. (SN 1989, ở Phú Thọ, mẹ đẻ cháu Công) mang con đến chùa Bồ Đề gặp sư Thích Đàm Lan nói rằng đứa trẻ là con của một người khác không có điều kiện nuôi dưỡng nên nhờ nhà chùa cưu mang cháu. Sau đó, sư Lan dẫn chị H. gặp Nguyễn Thị Thanh Trang (người quản lý khu nuôi trẻ của chùa, có trách nhiệm giúp sư Lan trông các cháu và trả lương 2 triệu/tháng) để làm thủ tục gửi trẻ. Khoảng một tuần sau, anh Long đến chùa làm từ thiện và nhận cháu bé làm con đỡ đầu, đặt tên Cù Nguyên Công và thi thoảng đưa cháu về nhà chăm sóc vài ngày...


Nhớ lại lời đề nghị tìm giúp một đứa trẻ khỏe mạnh để làm con nuôi của Phạm Thị Nguyệt cách đó một năm, Trang đã lừa vợ chồng anh Long đưa cháu Công về chùa, với lý do sắp có đoàn kiểm tra rồi nhờ người quen đóng giả làm mẹ đẻ cháu Công đến xin con về.

Rút được cháu Cù Nguyên Công ra khỏi chùa, Trang tìm gặp và lừa chị H. viết giấy cho con rồi lập tức thông báo với Nguyệt, đồng thời ra giá 40 triệu đồng. Nguyệt đồng ý, sau khi đưa cháu Công đi kiểm tra sức khỏe, HIV…, Nguyệt đưa tiền cho Trang và mang cháu Công về nuôi. Tuy nhiên, đến tháng 6/2014, cháu Công đổ bệnh và tử vong. Khi báo tin cho chị H. về việc cháu Công tử vong, Nguyệt cũng nói đã đưa cho Trang 35 triệu đồng để đưa cho chị H., gọi là tiền bồi dưỡng công sinh đẻ. Tuy nhiên, chị H. cho biết Trang chỉ chuyển cho chị 30 triệu đồng…

Đáng chú ý, trong quá trình điều tra, công an đã phát hiện và thu giữ nhiều giấy khai sinh của các cháu bé không phải con đẻ của Nguyệt và giấy viết tay của người khác, có dấu hiệu hợp thức hóa nguồn gốc một số cháu bé mà Nguyệt đang nuôi.

“Cơ quan điều tra không né tránh"

Thượng tá Vũ Thái Hưng đánh giá, để xảy ra việc cháu Cù Nguyên Công bị đem bán, sư trụ trì chùa Bồ Đề - Thích Đàm Lan chắc chắn có trách nhiệm, song trách nhiệm đến đâu cần phải tiếp tục điều tra.

123
Thượng tá Vũ Thái Hưng thông tin về vụ án

“Qua điều tra vụ án cho thấy việc tiếp nhận và nuôi các cháu bé mồ côi tại chùa Bồ Đề tương đối lỏng lẻo, không có sổ ghi chép các cháu vào – ra, cũng như không có bất kỳ loại giấy tờ mang tính pháp lý nào cả. Đây chính là kẽ hở, điều kiện cho đối tượng Nguyễn Thị Thanh Trang - người được giao quản lý khu trông nom trẻ trong chùa Bồ Đề thực hiện hành vi phạm tội” – thượng tá Hưng nói.

Theo đó, CQĐT khuyến nghị các chùa có tiếp nhận, nuôi dưỡng trẻ em cần sổ sách theo dõi, quản lý các cháu cũng như cần khai báo đầy đủ với chính quyền. Khi các gia đình có nhu cầu nhận nuôi các cháu phải có sự đồng ý của các cơ quan có thẩm quyền chính quyền.

Đại diện Phòng CSHS Công an Hà Nội cũng xác nhận, trong một vài ngày qua, CQĐT đã tiếp nhận gần chục lá đơn phản ánh về việc còn 9 cháu bé khác từng được nuôi dưỡng tại chùa Bồ Đề nhưng hiện nay đã “biến mất” một cách đầy bí ẩn.

“Hiện CQĐT đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án, xác minh làm rõ các nội dung tố giác trên. Chúng tôi khẳng định không né tránh, đã là công dân thì trách nhiệm trước pháp luật như nhau không phân biệt đối tượng tôn giáo hay không. Sư Thích Đàm Lan cũng là đối tượng điều tra của vụ án. Tuy nhiên, việc sư có liên quan đến việc mua bán trẻ em hay không thì đến nay chưa có đủ tài liệu, cần phải điều tra thêm” - thượng tá Vũ Thái Hưng nói.

 

.

Nguồn: tienphong.vn

.