Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201408/can-xu-ly-nghiem-viec-xay-nha-trai-phep-tren-dat-nong-nghiep-517650/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201408/can-xu-ly-nghiem-viec-xay-nha-trai-phep-tren-dat-nong-nghiep-517650/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Cần xử lý nghiêm việc xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 06/08/2014, 07:36 [GMT+7]

Cần xử lý nghiêm việc xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp

(Congannghean.vn)-Thực hiện Chỉ thị 08 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An về chuyển đổi tích tụ ruộng đất, đến nay, 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu đã thực hiện xong chương trình chuyển đổi đất. Hầu hết người dân rất đồng tình với chủ trương này và canh tác hiệu quả trên những thửa đất được quy về một mối. Tuy nhiên, bên cạnh đó thì vẫn còn một số hộ dân lợi dụng việc thuê đất lâu dài để xây nhà trái phép, đưa vợ con ra sinh sống hay tự do kinh doanh trên những thửa đất nông nghiệp.
 
Từ việc ngang nhiên xây nhà ở trên đất hai lúa...
 
Chúng tôi có mặt tại cánh đồng Láng dọc tuyến kênh Nguyễn Văn Trỗi, thuộc địa bàn xóm 3, xóm 4, xã Quỳnh Thạch. Bên cạnh những chòi canh trang trại nuôi vịt của các hộ dân nổi lên một ngôi nhà cấp 4, hai gian được xây dựng khá kiên cố và đầy đủ các công trình phục vụ sinh hoạt gia đình như bể cạn, bồn nước, nhà bếp… Hỏi một người dân thì được biết, đây là nhà của hộ ông Nguyễn Sỹ Luân, có bố là Bí thư Chi bộ xóm 3, xã Quỳnh Thạch.
 
Cũng như bao hộ dân của xóm 3, vào năm 2009, thực hiện chương trình chuyển đổi tích tụ ruộng đất của xã, ruộng vườn hộ ông Luân được quy về một mối tại cánh đồng Láng để thực hiện mô hình nuôi cá rô phi. Toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của gia đình ông Luân rộng chừng 2 ha. Trong đó ông quy hoạch 1 ao nuôi cá lúa kết hợp nuôi vịt, 1 chuồng chăn nuôi bò, phần còn lại ông dành để cất “chòi canh vịt”. Gọi là chòi canh nhưng tất cả người dân đều biết ông Luân cất nhà để ở. Bởi ngoài các công trình như nhà bếp, bể cạn 24 khối, nhà vệ sinh, bồn nước thì “chòi canh” nhà ông còn được lợp mái tôn, sắm đầy đủ tiện nghi như tivi, tủ lạnh. Thậm chí còn lắp cả máy điều hòa nữa. Sự việc này đã gây nhiều bức xúc cho công dân xã Quỳnh Thạch.
 
Ông Hồ Văn Thái, người dân xóm 4, xã Quỳnh Thạch, huyện Quỳnh Lưu bày tỏ ý kiến: “Tôi cũng là một hộ dân đấu thầu đất thực hiện mô hình nuôi cá rô phi đơn tính. Nhưng hiện nay trên địa bàn xã Quỳnh Thạch có mấy hộ dân xây nhà để ở trên đất hai lúa khiến xã viên chúng tôi phản đối. Theo tôi nghĩ, nếu người dân chưa hiểu đến những quy định chung của Nhà nước dẫn đến làm sai thì phải nhắc nhở. Nhưng đây là đảng viên, là cán bộ mà tự ý xây nhà trên đất nông nghiệp thì nhân dân rất bất bình. Nếu những hộ này làm được mà xã không có biện pháp xử lý thì các hộ khác cũng sẽ làm theo thôi”.
 
Dạo quanh khu vực đồng “cồn củi chân đê” thuộc xóm 5, xã Quỳnh Hồng, những ngôi nhà mái ngói đỏ chót, kiên cố này đều là nhà xây dựng trái phép. Bởi tất cả cánh đồng rộng hàng chục ha này được chuyển đổi cho 17 hộ dân tham gia mô hình nuôi cá rô phi đơn tính. Trung bình mỗi hộ được đấu thầu từ 5 đến 6 sào đất. Mỗi năm các hộ dân phải đóng mức thuế từ 5 đến 6 triệu đồng cho UBND xã Quỳnh Hồng. Tuy nhiên trên thực tế, người dân thực hiện mô hình VAC thì ít mà nhà ở thì mọc lên ngày càng san sát. Cá biệt có những hộ còn đưa cả người già, trẻ nhỏ ra sinh sống, thậm chí sắm cả máy xay xát phục vụ “khu dân cư mới”. Ông Hoàng Quốc Tài, xóm 5, xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Lưu cho biết thêm: Theo quy định của Nhà nước thì mỗi hộ dân tham gia mô hình kinh tế nông nghiệp chỉ được xây một chòi canh để dụng cụ lao động, thức ăn chăn nuôi… Thế nhưng, không hiểu tại sao các hộ dân ở vùng này lại được phép xây nhà kiên cố để ở mà không thấy cơ quan nào xử lý”.
 
Xây nhà trái phép trên đê sông Hào, xã Quỳnh Bá, Quỳnh Lưu
Xây nhà trái phép trên đê sông Hào, xã Quỳnh Bá, Quỳnh Lưu
 
...Đến tự do kinh doanh trên đất nông nghiệp
 
Theo quan sát của chúng tôi, hiện nay không chỉ có xã Quỳnh Thạch, Quỳnh Hồng người dân xây nhà trái phép trên đất hai lúa mà hầu hết các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều để xảy ra tình trạng người dân ngang nhiên “đưa nhà ra đồng”. Trên đường liên xã từ Quỳnh Bá sang Quỳnh Hưng, giữa bao trang trại chăn nuôi vịt chúng ta không khó để tìm xưởng gỗ Văn Đồng của gia đình ông Vũ Hoàng Văn, xóm 3, xã Quỳnh Hưng. Trên thửa đất nông nghiệp rộng 1 ha gia đình ông nhận đấu thầu từ UBND xã với thời hạn 5 năm để thực hiện mô hình chăn nuôi vịt. Tuy nhiên, nhận thấy bãi đất quá rộng, giao thông đi lại thuận lợi nên gia đình ông đã nảy sinh ý định xây dựng 1 xưởng chế biến gỗ ngay tại đây. Khi biết sự việc, UBND xã Quỳnh Hưng đã xuống hiện trường lập biên bản xử lý, buộc gia đình tháo dỡ các hạng mục của nhà xưởng. Thế nhưng không lâu sau, khi sự việc lắng xuống, nhà xưởng lại tiếp tục được xây đâu vào đấy, công việc kinh doanh buôn bán đồ mộc mỹ nghệ vẫn phát triển tốt.
 
Đem vấn đề này trao đổi với ông Trần Bình Trọng, Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Hưng, ông Trọng cho biết: “Hộ ông Vũ Hoàng Văn, công dân xóm 3 có nhận 1 mẫu diện tích ao cá. Thời gian làm hợp đồng với xã là 5 năm và xã thu khoán từng năm một. Khi làm hợp đồng cũng có cam kết các quy định về sản xuất, xây dựng lều trông coi theo quy định của Nhà nước, xây không quá 30 m2. Nhưng vì khu đất đó gần làng nghề mộc nên hộ ông Văn cũng có lợi dụng để xây nhà xưởng sản xuất và chế biến gỗ mộc. Khi biết sự việc, UBND xã cũng đã thành lập đoàn đi kiểm tra và lập biên bản buộc gia đình tháo dỡ các hạng mục, không được cơi nới thêm nhưng được một thời gian, hộ ông Văn lại tiếp tục xây và kinh doanh đồ mộc”.
 
Cần những biện pháp xử lý nghiêm
 
Những nhà xưởng rộng rãi, cao ráo, những căn nhà màu sơn còn tươi rói, những quán hàng với đủ loại hình giải khát được mọc lên trên những thửa đất nông nghiệp tại huyện Quỳnh Lưu đang báo động tình trạng nở rộ xây nhà trái phép. Điều này cho thấy, phải chăng để xảy ra tình trạng này, trước hết thuộc về trách nhiệm của chính quyền địa phương đã buông lỏng quản lý Nhà nước về đất đai, không xử lý và ngăn chặn kịp thời. Để giờ đây người người thi nhau, nhà nhà đua nhau xây nhà trái phép trên đất hai lúa?
 
Rút kinh nghiệm bài học từ Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A, cũng chỉ vì lý do một thời cán bộ địa phương yếu kém đã buông lỏng quản lý Nhà nước về đất đai nên đã xảy ra tình trạng người dân lấn chiếm đất đai, cơi nới công trình trên hành lang an toàn giao thông. Để đến khi dự án đi vào thực hiện đã gây bao khó khăn, mất bao thời gian, tiền của cho công tác giải phóng mặt bằng. Thiết nghĩ, để giải quyết dứt điểm tình trạng xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp, huyện Quỳnh Lưu cần có nhiều biện pháp mạnh, xử lý nghiêm những hộ vi phạm để nêu gương cho mọi người. Có như vậy, nhân dân mới yên tâm phát triển mô hình kinh tế nông nghiệp hiệu quả, đồng thời cũng chấp hành đúng quy định của pháp luật.
 
Theo quy định của Nhà nước, sau khi chuyển đổi đất, nông dân nhận đấu thầu đất nuôi trồng thủy sản hay thực hiện các mô hình kinh tế nông nghiệp như cá - lúa, VAC sẽ được phép xây một lều canh giữ với diện tích nền không quá 30 m2 và chiều cao không quá 4 m. Tuy nhiên, lợi dụng vào quy định này, cùng với sự buông lỏng quản lý Nhà nước về đất đai tại các địa phương, không ít hộ dân trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu đã tự ý xây nhà ở trái phép trên đất nông nghiệp.

 

.

Như Thủy