Pháp luật

Viết tiếp bài 'Phụ huynh phản ánh hiệu trưởng sách nhiễu, tiêu cực' tại Trường THPT Nam Đàn 2:

Nhiều sai phạm trong giải quyết chế độ, quản lý, thu chi tài chính

09:18, 08/07/2014 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Sau khi chúng tôi đăng tải bài viết “Phụ huynh phản ánh hiệu trưởng sách nhiễu, tiêu cực”, phản ánh những tiêu cực trong tuyển sinh đầu vào, tổ chức “chạy trường”, chuyển trường của ông Từ Viết Thái, tòa soạn tiếp tục nhận được nhiều thông tin xung quanh những bất minh trong quản lý tài chính tại Trường THPT Nam Đàn 2. Để rộng đường dư luận, PV đã có cuộc làm việc với Ban Giám hiệu, kế toán, thủ quỹ… nhà trường. Nhiều chuyện động trời hé lộ... nhưng ông Từ Viết Thái, hiệu trưởng bình thản cho rằng đó là “lỗi kỹ thuật...”(?)

Giáo viên “mỏi cổ” chờ chế độ thai sản
 
Theo hồ sơ chúng tôi thu thập được, trong 2 năm học 2012 - 2013 và 2013 - 2014 đã có ít nhất 18 trường hợp giáo viên Trường THPT Nam Đàn 2 phải “thiệt đơn, thiệt kép” do nhà trường chậm làm hồ sơ, thủ tục thanh toán chế độ thai sản.
 
Trong 2 bản danh sách đề nghị của Trường THPT Nam Đàn 2 do ông Từ Viết Thái ký tên đóng dấu xin BHXH huyện Nam Đàn (đề ngày 31/1 và 21/11/2013) thanh toán chế độ thai sản cho 18 giáo viên nghỉ sinh trong 2 năm học nói trên có tổng số tiền đã chi là 293.137.400 đồng. Trong số này, người được giải quyết chế độ thai sản sớm nhất sau ngày sinh (theo giấy chứng sinh) là gần 2 tháng, có trường hợp phải hơn 2 năm mới được nhận chế độ (BHXH chi trả tính từ thời điểm lao động nữ xin nghỉ sinh). Theo tìm hiểu của PV, trong khoảng thời gian cuối năm 2013, đầu năm 2014, Trường THPT Nam Đàn 2 còn có 2 giáo viên đã nghỉ sinh (khoảng 5 - 6 tháng) nhưng đến giữa tháng 6/2014, tại BHXH huyện Nam Đàn vẫn chưa có hồ sơ hưởng chế độ thai sản của họ. Một cán bộ ngành BHXH cho biết, nếu chế độ thai sản giải quyết chậm, khi giáo viên chưa đủ sức khỏe công tác sẽ không được giải quyết chế độ dưỡng sức.
 
Để biện hộ cho mình, ông Từ Viết Thái cho rằng, trong các cuộc họp, bản thân ông luôn nhắc nhở việc giải quyết chế độ cho các giáo viên một cách kịp thời. Thế nhưng, khi nhận bàn giao từ tháng 7/2012, có rất nhiều trường hợp tồn đọng chưa được giải quyết chế độ thai sản(!?).
 
Tuy nhiên, theo hồ sơ BHXH Nam Đàn cung cấp thì trong số 18 trường hợp đã được BHXH giải quyết chế độ, có tới 11 trường hợp bị chậm đều bắt đầu nghỉ sinh trong thời gian ông làm hiệu trưởng (sau tháng 8/2012). Thế nhưng, ông Thái đã không nhận trách nhiệm của mình, quay sang đổ lỗi cho kế toán: “Sự chậm trễ này chủ yếu do anh Nhân (Nguyễn Tiến Nhân, kế toán - PV) lười đi làm thủ tục”(!?).
 
Giáo viên Trường THPT Nam Đàn 2 “thiệt đơn thiệt kép” vì sự trì trệ của Ban Giám hiệu Trường THPT Nam Đàn 2
Giáo viên Trường THPT Nam Đàn 2 “thiệt đơn thiệt kép” vì sự trì trệ của Ban Giám hiệu Trường THPT Nam Đàn 2
Còn ông Nguyễn Tiến Nhân lại đổ lỗi cho số giáo viên nghỉ sinh nộp hồ sơ quá muộn cho dù họ khẳng định đã làm hồ sơ ngay sau khi sinh và thường xuyên thúc giục giải quyết. Thế nhưng, trên thực tế họ vẫn phải “mỏi cổ” chờ từ năm này qua năm khác mới được nhận tiền thai sản.
 
Lập khống hồ sơ "rút ruột" ngân sách Nhà nước
 
Theo quy định và các thông tư hướng dẫn Luật BHXH và Luật Ngân sách Nhà nước: Trong thời gian nghỉ sinh, ngân sách Nhà nước sẽ ngừng việc chi trả lương và các khoản phụ cấp theo lương của nữ giáo viên.
 
Các khoản này (trừ tiền % đứng lớp) sẽ được trích từ quỹ BHXH để chi trả. Vì vậy, sự chậm trễ trong việc giải quyết chế độ thai sản, theo dư luận còn có một nguyên nhân khác. Đó là việc Ban Giám hiệu Trường THPT Nam Đàn 2 cố tình trì hoãn việc báo cáo danh sách giáo viên nghỉ sinh lên BHXH nhằm “qua mặt” Kho bạc Nhà nước, giữ nguyên danh sách giáo viên của trường để tiếp tục rút tiền ngân sách về chi tiêu. Sau đó mới lập danh sách giáo viên nghỉ sinh gửi lên BHXH để thanh quyết toán chế độ thai sản.
 
Việc nhận song song 2 chế độ từ Kho bạc Nhà nước và BHXH huyện Nam Đàn đã được chính ông Từ Viết Thái thừa nhận tại buổi làm việc với PV vào sáng 30/6/2014: “Mới đây, cô Phương (cán bộ Kho bạc Nhà nước huyện Nam Đàn - PV) gọi điện báo về, tôi mới biết sự việc và đã gọi điện cho thầy Nhân - kế toán. Chúng tôi cũng đã gặp Kho bạc và sẽ nộp lại số tiền trên cho Kho bạc Nhà nước huyện Nam Đàn… Đây chỉ là lỗi kỹ thuật, các anh biết đấy, số tiền này không thể mất đi đâu được!(?)”- ông Thái biện minh.
 
Trên thực tế, số giáo viên bị chậm thời gian nhận thai sản, tổng thời gian lập khống hồ sơ rút ruột ngân sách và số tiền này là bao nhiêu, đang ở đâu hay đã được sử dụng vào mục đích gì chỉ có Ban Giám hiệu và bộ phận tài vụ Trường THPT Nam Đàn 2 mới biết. Tuy nhiên, theo tính toán của PV, nếu Trường THPT Nam Đàn 2 lập hồ sơ khống cho cả 18 giáo viên trên để rút ruột ngân sách Nhà nước thì số tiền đó phải trên 300 triệu đồng (bao gồm cả 30% tiền đứng lớp). Còn ông Thái thì nhất mực từ chối khi PV xin tiếp cận hồ sơ rút tiền chi trả lương từ Kho bạc Nhà nước và danh sách thực tế chi lương từ quý IV/2013 đến quý II/2014 của Trường THPT Nam Đàn 2: “Tôi đã trao đổi với thầy Hy (thầy Trần Hữu Hy, Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT Nghệ An - PV), thầy bảo, chỉ trả lời các câu hỏi của PV, còn hồ sơ sẽ có đoàn thanh tra làm việc (?)”.
 
Danh sách nhận và phát lương vì sao lại được “bảo mật” đến như vậy? Có điều gì mờ ám khiến những người liên quan phải cố tình bưng bít? Hy vọng, sắp tới Đoàn thanh tra Sở GD&ĐT, Thanh tra huyện Nam Đàn sẽ làm rõ được điều đó!
 
Phớt lờ Luật Ngân sách để dễ bề “tọa chi”
 
Không chỉ rút ruột ngân sách Nhà nước, kể từ khi tiếp quản ghế Hiệu trưởng Trường THPT Nam Đàn 2, ông Từ Viết Thái đã không nộp một số khoản thu theo quy định của nhà trường như tiền học phí, tiền xã hội hóa giáo dục vào Kho bạc Nhà nước mà chỉ đạo để lại quỹ để tự tung tự tác.
 
Số tiền này, theo đơn thư phản ánh, ông Thái đã khai khống vào các khoản chi khác nhau như: Đóng mới, tu sửa bàn ghế của học sinh và giáo viên; tiếp khách với nhiều hóa đơn được hợp thức hóa; mua xà phòng, thậm chí đưa 2 học sinh xuống TP Vinh dự lễ vinh danh học sinh đạt số điểm cao trong kỳ thi đại học năm học 2012 - 2013 do UBND tỉnh tổ chức tại TP Vinh… cũng hết trên 6 triệu đồng(!?)
 
Ông Từ Viết Thái (ngoài cùng bên phải) trong buổi làm việc với PV
Ông Từ Viết Thái (ngoài cùng bên phải) trong buổi làm việc với PV
Theo đơn thư thì mục đích của những việc làm trên là để “đục nước béo cò” nhằm bỏ túi riêng. Chính ông Từ Viết Thái đã thừa nhận, Ủy ban kiểm tra kết luận, nhà trường “tọa chi” một số tiền từ nguồn xã hội hóa không nộp trước năm học 2013 - 2014. Còn năm 2013, nhà trường mới nộp vào Kho bạc Nhà nước được 317 triệu đồng. Sau đó, do nợ nhà thầu các hạng mục nhà hiệu bộ, sân trường... nên ông đã chuyển số tiền này sang thanh quyết toán cho nhà thầu mà không thông qua Kho bạc Nhà nước theo đúng quy định(?). Tuy nhiên, sai trái này ông Thái lại đổ lỗi cho sự non kém về kinh nghiệm quản lý...
 
Khi được hỏi về số tiền “tọa chi” sai nguyên tắc là bao nhiêu, thì ông Thái từ chối tiết lộ và cũng kiên quyết không cho xem sổ ứng tiền tại thủ quỹ; sổ sách các khoản thu, chi, hồ sơ thanh quyết toán các công trình của nhà trường với lý do: “Cái này sẽ có đoàn thanh tra của huyện, ngành xử lý(?)”.
 
Ông Từ Viết Thái thừa nhận, bản thân ông hiện còn non kém về công tác quản lý nên chưa đáp ứng được vai trò người lãnh đạo chủ chốt trong thời kỳ đổi mới, do đó chưa làm tốt công tác dân vận nên mới để xảy ra tình trạng đơn thư khiếu nại tố cáo?
 
Kết thúc buổi làm việc với PV, ông Từ Viết Thái vẫn luôn miệng cho rằng, ông đã làm hết sức trên vai trò là hiệu trưởng nhà trường. Những “sai sót” về quản lý, thu chi tài chính, theo ông, ngoài sự yếu kém, tinh thần làm việc thiếu trách nhiệm của kế toán nhà trường còn có nguyên nhân khác là do… lỗi kỹ thuật. Rất mong nhận được sự thông cảm và chia sẻ của báo chí(!).
 
Bà Nguyễn Thị Kim Chi - Giám đốc sở GD&ĐT Nghệ An cho biết: “Sở đã nhận được đơn thư phản ánh những tiêu cực xảy ra tại Trường THPT Nam Đàn 2. Sau khi kết thúc công tác chấm thi tuyển sinh vào lớp 10, Sở sẽ tổ chức ngay đoàn thanh tra để làm sáng tỏ các vấn đề. Nếu quả thực có những sự việc như đơn thư và báo chí phản ánh, chúng tôi kiên quyết xử lý…”.

 

Văn Dũng

Các tin khác