Pháp luật

Ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn ma túy trong giới trẻ

Cần coi trọng công tác đào tạo nghề, hướng thiện

09:16, 24/07/2014 (GMT+7)
[links()(congannghean.vn)-
(Congannghean.vn)-Thời gian qua, cùng với sự chung tay của toàn xã hội, đã có nhiều mô hình, CLB, tổ chức… tham gia công tác hướng thiện, giúp người nghiện từ bỏ ma túy, sớm hòa nhập cộng đồng. Ở Nghệ An, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, sự quan tâm của các ban ngành, việc ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn ma túy bước đầu đã có nhiều chuyển biến. Tuy nhiên, tình trạng thanh, thiếu niên thiếu việc làm, có lối sống buông thả dẫn đến nghiện hút, sử dụng ma túy vẫn còn diễn ra phức tạp.
 
Thực trạng báo động
 
Theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có trên 7 nghìn người nghiện ma túy, trong đó số thanh, thiếu niên chiếm tới hơn 40% tổng số người nghiện. Toàn tỉnh có 480 xã, phường, thị trấn thì hiện nay có tới gần 80% đơn vị có người nghiện ma túy. Như vậy, số địa bàn “sạch về ma túy” ở các phường, xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh ta không nhiều. Điều đáng chú ý là tình trạng số người nghiện ma túy trong độ tuổi thanh, thiếu niên đang có chiều hướng gia tăng. Trong năm 2013 và 6 tháng đầu năm 2014, lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt 1.233 vụ với 1.756 đối tượng phạm tội liên quan đến mua bán, sản xuất, tàng trữ và vận chuyển trái phép chất ma túy thì thanh, thiếu niên chiếm tới 747 đối tượng. 
Đào tạo nghề cho đối tượng lầm lỡ, tạo việc làm góp phần đẩy lùi tệ nạn  ma túy (ảnh chụp tại Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội I)
Đào tạo nghề cho đối tượng lầm lỡ, tạo việc làm góp phần đẩy lùi tệ nạn ma túy (ảnh chụp tại Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội I)
Trước tình hình đó, theo đánh giá của các cơ quan chức năng thì hiện nay, cuộc chiến phòng chống ma túy và ngăn chặn tình trạng người nghiện ma túy đang đặt ra nhiều khó khăn, thách thức. Ở Nghệ An, với đặc thù là địa phương có diện tích và dân số đông (hơn 3 triệu người), có 11/20 huyện miền núi và rẻo cao với 419 km đường biên giới giáp 3 tỉnh của nước bạn Lào. Mặt khác, do địa hình miền núi phức tạp, đồng bào dân tộc thiểu số đông tạo môi trường lý tưởng để các đối tượng ma túy tìm đến, là “mầm mống” khiến tệ nạn ma túy dễ phát sinh, phát triển. Cũng trong thời gian qua, các lực lượng chức năng đã có nhiều biện pháp quyết liệt đấu tranh, ngăn chặn tình trạng ma túy xâm nhập vào địa bàn tỉnh. Nhiều đường dây buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy với số lượng “khủng” đã bị Công an triệt phá. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thanh, thiếu niên phạm tội về ma túy nhưng thiếu việc làm đang trở thành tác nhân trực tiếp dẫn đến tệ nạn nói trên.
 
Đa dạng hóa loại hình đào tạo nghề, tạo việc làm
 
Vấn đề được đặt ra hiện nay là làm sao chặn ngay nguồn “cầu” để từng bước giảm thiểu số đối tượng nghiện ma túy đang ngày một gia tăng? Và, công tác đào tạo nghề đi đôi với việc nhân rộng, nâng cao chất lượng các mô hình, CLB hướng thiện không chỉ là trách nhiệm của các ngành chức năng mà cần có sự quan tâm của toàn xã hội.
 
Trong thời gian qua, các ban ngành cấp tỉnh cũng đã xây dựng thành công nhiều mô hình, CLB như: “Bạn giúp bạn” tại xã Diễn Thành, Diễn Kỷ (Diễn Châu), xã Hưng Long, Hưng Xá (Hưng Nguyên); các CLB Tuyên truyền pháp luật, CLB Kỹ năng sống, CLB Đồng đẳng, CLB Thắp sáng ước mơ hoàn lương… và mô hình “Xã, phường, thị trấn, khu dân cư không có tệ nạn ma túy” đang được triển khai sâu rộng. Thông qua các mô hình, CLB này, nhiều người từng lầm lỡ đã được giúp đỡ, tạo công ăn việc làm, có thu nhập ổn định. Đây cũng được xem là tiền đề để 
phần nào giúp người từng lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng, tạo môi trường sống lành mạnh cho giới trẻ nhằm tránh xa tệ nạn xã hội.
 
Tuy nhiên, con số thống kê về công tác đào tạo, dạy nghề cho số người nghiện sau cai vẫn còn hạn chế. Các trung tâm giáo dục lao động xã hội trên địa bàn tỉnh thực hiện chức năng cai nghiện, đào tạo, dạy nghề cho các đối tượng nghiện ma túy thì hiện nay rất ít. Loại hình đào tạo nghề còn mang tính bắt buộc, áp đặt chứ chưa chú trọng nhu cầu, nguyện vọng của họ. Đặc biệt, tình trạng người nghiện sau khi cai nghiện thành công chưa được các cơ sở tư nhân, xí nghiệp, nhà máy tiếp nhận đã sinh ra mặc cảm, tạo khoảng cách giữa các đối tượng từng lầm lỡ với xã hội. Một bộ phận các tổ chức, cá nhân có nhu cầu tuyển dụng lao động vẫn còn tâm lý e dè trong công tác tiếp nhận người sau cai nghiện vào làm việc. Để người nghiện sau cai không tái nghiện, việc giúp họ dứt hẳn khỏi “nàng tiên nâu” là vấn đề rất quan trọng. 
 
Có chăng, công tác tạo việc làm cho đối tượng từng lầm lỡ mới chỉ được chấp nhận ở những cơ sở mà ông chủ, bà chủ đã một thời chung cảnh ngộ, phấn đấu vươn lên. Vì vậy, giải quyết việc làm cho đối tượng sau cai nghiện đang đặt ra nhiều thách thức. Tạo công ăn việc làm ổn định không chỉ kịp thời giúp người sau cai nghiện sớm hoà nhập cộng đồng mà còn tránh được tâm lý “nhàn cư vi bất thiện”, “ngựa quen đường cũ” dẫn đến tình trạng tái phạm tệ nạn xã hội.
 
Hơn bao giờ hết, để góp phần đẩy lùi ma túy trong giới trẻ, ngoài sự quan tâm kịp thời của gia đình, xã hội thì công tác tạo việc làm, nhân rộng mô hình đào tạo nghề, hướng nghiệp, hướng thiện phải được triển khai đồng bộ và có hiệu quả. Công tác đa dạng hóa loại hình đào tạo nghề, xóa bỏ khoảng cách, tâm lý dè dặt của các chủ cơ sở, đơn vị doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động cũng cần được vận động, thực hiện đồng bộ. 

Ngọc Thái

Các tin khác