Pháp luật

Chiêu lừa nạp thẻ trúng thưởng, giả bắt cóc để tống tiền bị lật tẩy ở vùng biên

15:58, 21/07/2014 (GMT+7)
Thời gian gần đây, hàng loạt những vụ án về tội phạm sử dụng công nghệ cao đã bị các lực lượng công an bóc gỡ cho thấy, loại tội phạm này đang có chiều hướng gia tăng, diễn biến hết sức phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi táo tợn, làm đau đầu các cơ quan chức năng. Và ngay cả một tỉnh miền núi biên giới như Lạng Sơn cũng không “miễn dịch”.
 
Chỉ tính một số vụ án điển hình liên quan đến tội phạm sử dụng công nghệ cao mà Công an tỉnh Lạng Sơn bóc gỡ được trong 3 tháng gần đây đã cho thấy loại tội phạm này cũng đang có chiều hướng gia tăng tại địa bàn.
Đối tượng Nguyễn Trường Chinh và Nguyễn Anh Tài.
Đối tượng Nguyễn Trường Chinh và Nguyễn Anh Tài.
Với thủ đoạn giả danh là giám đốc và nhân viên điều hành Văn phòng đại diện của Viettel tại Đà Nẵng, 2 đối tượng Nguyễn Trường Chinh, 19 tuổi và Nguyễn Anh Tài, 15 tuổi, đều trú tại Ngư Hóa, (Tuyên Hóa, Quảng Bình) đã gọi điện thoại cho chị Vũ Thị Lợi, trú tại 25/1 đường Bắc Sơn, phường Hoàng Văn Thụ, (TP Lạng Sơn) lừa chị Lợi đã trúng thưởng nhân dịp kỷ niệm 15 năm thành lập Viettel bằng tiền và hiện vật với tổng giá trị là 158 triệu đồng, gồm: 1 điện thoại iPhone 5; 1 xe máy Yamaha và 100 triệu đồng tiền mặt.
 
Để nhận được giải thưởng, chị Lợi phải trả trước tiền cước phí vận chuyển và phí thủ tục nhận thưởng. Thủ đoạn của các đối tượng này hết sức tinh vi, để tránh bị phát hiện, chúng không yêu cầu chị Lợi chuyển bằng tiền mặt mà qui đổi bằng thẻ nạp điện thoại để chuyển vào tài khoản bọn chúng đã đăng ký bằng sim rác tại trang mạng ngân hàng điện tử. Theo hướng dẫn của chúng, chị Lợi đã nhiều lần chuyển cho chúng số tiền lên đến gần 90 triệu đồng, song vẫn không nhận được giải thưởng. Từ trình báo của bị hại, ngày 18/5, Công an TP Lạng Sơn phối hợp với Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng Công nghệ cao (C50) - Bộ Công an, đã xác định và bắt được 2 đối tượng này ngay tại quê nhà Quảng Bình, rồi di lý về Lạng Sơn để tiến hành điều tra, đồng thời thu hồi toàn bộ tang vật, tài sản trả lại cho bị hại.
 
Trao đổi cùng PV, Thiếu tá Hoàng Văn Thân, Phó trưởng Công an TP Lạng Sơn cho biết, thời gian qua, rất nhiều các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo phương thức “giả bắt cóc để lừa đảo, tống tiền người thân” đã xảy ra tại nhiều tỉnh thành trong cả nước. Bị hại mà bọn chúng hướng tới thường là phụ nữ, người già, thiếu bình tĩnh, không kiểm chứng thông tin nên đã răm rắp chuyển tiền vào tài khoản bọn chúng cung cấp.
 
Rất may, nhờ làm tốt công tác phòng ngừa, nên tại Lạng Sơn chưa để xảy ra vụ việc nào tương tự. Nhờ chủ động trong công tác nắm tình hình, đối tượng, lực lượng Công an Lạng Sơn đã kịp thời phát hiện, bắt giữ được một đối tượng người nước ngoài (Triệu Kiến Hồng, quốc tịch Đài Loan - Trung Quốc) nhập cảnh vào Việt Nam sử dụng tài khoản để rút tiền tại một ngân hàng trên địa bàn thị trấn Đồng Đăng, (huyện Cao Lộc, Lạng Sơn).
 
Điều đáng nói, đây chính là đối tượng có liên quan đến đường dây tội phạm  gây ra vụ giả bắt cóc người thân để lừa đảo chiếm đoạt 300 triệu đồng xảy ra 7/4/2014 tại địa bàn Hà Nội, do Công an quận Thanh Xuân ( Hà Nội) đang thụ lý điều tra. Số tài khoản được Hồng sử dụng để rút tiền chính là số tài khoản mà các đối tượng giả bắt cóc đã yêu cầu gia đình bị hại chuyển tiền vào. Ngày 8/4, khi Triệu Kiến Hồng vừa nhập cảnh vào Lạng Sơn để rút số tiền phạm pháp trên đã bị lực lượng Công an tỉnh Lạng Sơn kịp thời phát hiện, bắt giữ.
 
Đánh giá về nguyên nhân gia tăng, diễn biến phức tạp cũng như biện pháp để đấu tranh hiệu quả với loại hình tội phạm sử dụng công nghệ cao hiện nay, Thiếu tá Hoàng Văn Thân cho biết, thực tế hiện nay, độ tuổi các đối tượng phạm tội liên quan đến công nghệ cao đều còn rất trẻ, có trình độ về CNTT, với các thiết bị hiện đại kết nối mạng Internet, mạng điện thoại viễn thông, bọn tội phạm có thể dễ dàng đưa nạn nhân vào bẫy cho dù ở cách xa hàng trăm cây số. Trong số đó có không ít những đối tượng phạm tội có trình độ, nhưng kém đạo đức, tham vọng kiếm tiền bằng mọi giá, sẵn sàng bất chấp pháp luật.
 
Mặt khác, công tác quản lý về CNTT, công tác bảo mật, an ninh mạng của chúng ta vẫn còn yếu, bị bọn tội phạm sử dụng công nghệ cao lợi dụng, gia tăng các hoạt động phạm pháp, khiến công tác bảo mật thông tin của cá nhân, tổ chức đứng trước nguy cơ dễ dàng bị đánh cắp. Để phát hiện và đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm này không chỉ đòi hỏi cán bộ chiến sĩ cần phải tinh thông nghiệp vụ, thành thạo về CNTT mà còn rất cần đến sự hỗ trợ giúp đỡ của quần chúng nhân dân trong đấu tranh, tố giác tội phạm, khi phát hiện đối tượng, vụ việc có dấu hiệu nghi vấn cần chủ động báo cho lực lượng Công an để kịp thời ngăn chặn, không tạo cơ hội cho tội phạm có đất hoạt động.

Nguồn: Cand.com.vn

Các tin khác