Được nhận định là “vùng trũng” cả về nhận thức của người tiêu dùng, hệ thống pháp luật, thị trường… từ nhiều năm nay, Việt Nam vẫn luôn là điểm đến hấp dẫn của hàng lậu, hàng giả, hàng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm… Mặc dù qua nhiều năm căng sức chống hàng lậu, các lực lượng chức năng vẫn nhận định tình hình diễn biến phức tạp với các thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn.
Không phát hiện thêm đường dây nhập lậu gia cầm lớn
Là một trong các chuyên đề trọng tâm đấu tranh trong năm nay, với quyết tâm dẹp bỏ hoàn toàn gà lậu, Bộ Công thương cho biết, qua sáu tháng triển khai Đề án đấu tranh phòng ngừa vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu bất hợp pháp, các lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý 565 vụ, tịch thu hơn 23 tấn gà, hơn 890 nghìn quả trứng, 117.348 con gà giống, 278kg và 19.968 con vịt con, hơn 11,6 tấn chim… Tổng trị giá hàng tịch thu tiêu hủy trên 1,4 tỷ đồng.
Bộ Công thương nhận định: Đến nay, hầu hết các đường dây lớn, các đối tượng thường xuyên kinh doanh, vận chuyển gia cầm nhập lậu đã ngừng hoạt động hoặc thay đổi nội dung kinh doanh. Hiện chủ yếu là các đối tượng hoạt động nhỏ lẻ, không phát hiện thêm các đường dây, tổ chức hoạt động với quy mô lớn. Tình hình gà lậu đã cơ bản được kiểm soát, ít nhất tình trạng công khai kinh doanh, vận chuyển gia cầm lậu trước đây đã được ngăn chặn, đẩy lùi.
Tuy nhiên, vi phạm về an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp, đe dọa sức khỏe người tiêu dùng. Vi phạm chủ yếu xảy ra tại các cơ sở sản xuất thủ công, các doanh nghiệp hoạt động với quy mô vừa hoặc nhỏ lẻ theo mô hình kinh tế hộ gia đình. Các hộ này thường làm theo đơn đặt hàng hoặc sản xuất theo mùa vụ, sử dụng công nghệ đơn giản, lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, việc vận chuyển, kinh doanh thực phẩm ôi thiu, kém chất lượng, vi phạm an toàn thực phẩm vẫn xảy ra. Một số vụ vi phạm lớn đã bị phát hiện như Chi cục QLTT TP Hồ Chí Minh phối hợp với các lực lượng chức năng bắt giữ gần 6 tấn gà phế phẩm quá hạn sử dụng, biến chất (tại kho lạnh của Công ty TNHH thực phẩm tươi sống Hà Tiên), trên 3 tấn chim cút làm sẵn đã bốc mùi hôi thối.
Lực lượng chức năng kiểm tra số hàng lậu thu giữ được - Ảnh minh họa |
Tại Đồng Nai, lực lượng Cảnh sát giao thông cũng phối hợp với QLTT phát hiện, bắt giữ xe khách biển kiểm soát 53N-7039 vận chuyển 700kg lợn sữa đã ngả màu nâu sẫm, bốc mùi hôi thối. Tại phía Bắc, Chi cục QLTT tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Công an tỉnh bắt giữ 1,2 tấn chim bồ câu không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch. Chi cục Quản lý thị trường TP Hà Nội phối hợp với Phòng An ninh kinh tế phát hiện, bắt giữ 230.000 ống hóa chất kích thích tăng trưởng thực vật có nguồn gốc Trung Quốc, không được phép sử dụng.
Tiếp tục tập trung vào các mặt hàng nóng
Nhiều năm qua, mặc dù công tác phòng, chống buôn lậu, kiểm soát thị trường ngày càng được chú trọng hơn, nhưng “tình hình buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu nhìn chung vẫn diễn biến phức tạp” - theo nhận định của Bộ Công thương. Hàng hóa vi phạm rất đa dạng, tập trung vào các loại hàng có giá cả chênh lệch lớn giữa trong và ngoài nước, có mức thuế nhập khẩu cao hoặc bị áp dụng hạn ngạch như rượu, bia, nước giải khát, bánh kẹo, đường ăn, xăng dầu, thuốc lá, gia cầm, vải, quần áo may sẵn, mỹ phẩm, thực phẩm.
Mặc dù thời gian gần đây, buôn lậu trên tuyến phía Bắc có dấu hiệu giảm, vì lực lượng chức năng cả 2 phía quản lý chặt hơn, nhưng trên tuyến biên giới Tây Nam, các đối tượng buôn lậu đã chuyển hướng sang vận chuyển bằng đường thuỷ để tránh sự kiểm soát. Các đối tượng buôn lậu có thể lợi dụng địa hình, đêm tối để bỏ trốn khi bị phát hiện, hoặc giả dạng dân câu, chài lưới, giả dạng các phương tiện chở hàng nông sản để cất giấu hàng hoá. Khó khăn trong công tác chống buôn lậu trên đường thủy là do phương tiện phải đậu trên bến bãi cố định, dễ bị các đối tượng buôn lậu giám sát, canh đường chặt chẽ hơn so với đường bộ.
Ngoài ra, hàng nhập lậu qua đường biển vào thẳng TP Hồ Chí Minh cũng khá lớn, điển hình là Chi cục QLTT TP Hồ Chí Minh phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế TP phát hiện, bắt giữ 10 container hàng nhập lậu qua cảng Sài Gòn dưới hình thức nhập khẩu chính ngạch, gian lận hải quan với hơn 4,8 triệu sản phẩm và 100,3 tấn hàng hóa, trị giá khoảng 38 tỷ đồng.
Trong khi vẫn chưa tìm được giải pháp căn cơ nào, ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết: Từ nay đến hết năm, lực lượng Quản lý thị trường vẫn “quyết liệt, tập trung kiểm tra, kiểm soát thị trường”. Được biết, trọng điểm sẽ là các mặt hàng “nóng” như: xăng dầu, gas, mũ bảo hiểm, phân bón, thuốc lá… Đồng thời, lực lượng chức năng cũng sẽ tập trung ngăn chặn hành vi lợi dụng chủ trương “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” để trà trộn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, gây mất lòng tin của người tiêu dùng.
.