Bằng những chứng cứ lịch sử, một nhà báo Nga đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đồng thời cho thấy, Trung Quốc đã từng khẳng định, quần đảo Hoàng Sa không thuộc lãnh thổ Trung Quốc.
Tin từ cục Kiểm ngư chiều 2/6 cho hay, trong ngày tàu Trung Quốc vẫn duy trì khoảng 120 tàu hoạt động quanh khu vực giàn khoan Haiyang Shiyou 981 (Hải Dương 981). Trong đó, từ 38-40 tàu hải cảnh, 10-14 tàu vận tài, 15-20 tàu kéo, 42-47 tàu đánh cá và 4 tàu quân sự.
Trung Quốc vẫn tăng cường hoạt động trinh sát thông qua hoạt động của máy bay, trong khi đó, máy bay xuất hiện nhiều hơn. Theo quan sát từ lực lượng Kiểm ngư, tại khu vực xung quanh giàn khoan ngày 2/6, Trung Quốc đã huy động 5 máy bay chiến đấu tại đây.
Máy bay và tàu quân sự Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam |
Về phía Việt Nam, lực lượng Kiểm ngư vẫn tổ chức hoạt động đấu tranh phản đối với cường độ cao, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Haiyang Shiyou 981 (Hải Dương 981) ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Các tàu Kiểm ngư Việt Nam hoạt động cách giàn khoan từ 6-8 hải lý. Trong ngày, các lực lượng chấp pháp Việt Nam vẫn theo dõi sát sự dịch chuyển vị trí của giàn khoan Hải Dương 981.
Cũng theo cục Kiểm ngư, hiện có khoảng 50 tàu cá Việt Nam tổ chức đánh bắt thủy sản và đấu tranh đòi ngư trường, phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong khu vực phía Nam đảo Tri Tôn, cách giàn khoan chừng 20-25 hải lý.
Đại diện cục Kiểm ngư khẳng định, tinh thần của lực lượng Kiểm ngư và ngư dân vẫn rất tốt và kiên cường bám trụ, quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.
Báo Nga khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa
Ngày 1/6, tờ Gazeta.ru, một trong 3 báo điện tử tư nhân lớn nhất ở Nga với lượng truy cập trung bình 3 triệu lượt/ngày có bài viết: “Việt Nam sẽ không bao giờ chấp nhận”, của nhà báo Vladimir Koryagin.
Tác giả đã đưa ra một số chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, bác bỏ yêu sách chủ quyền phi căn cứ của Trung Quốc và cung cấp cho đọc giả thông tin khái quát về diễn biến tranh chấp xung quanh quần đảo này.
Bài báo viết: “Theo các tài liệu lịch sử, vào năm 1721 Việt Nam đã thành lập Cơ quan hành chính “Hoàng Sa” (Hoàng Sa là tên gọi bằng tiếng Việt của Paracel) nhằm khai thác tập trung các hòn đảo ở biển Đông, cũng như trang bị các tàu để tiến ra các đảo này.
Trong khi đó, trong các tàng thư và tài liệu của Trung Quốc thời đó, kể cả trong “Đại sử ký nhà Thanh” đều không nhắc đến hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa…”
Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam |
Và bằng luận chứng xác đáng, tác giả bài viết đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, đồng thời cho thấy phía Trung Quốc đã từng khẳng định, Hoàng Sa không thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Bài báo viết: “Cuối thế kỷ 19 tại khu vực quần đảo Hoàng Sa có 2 tàu chở đồng của Anh bị đắm. Người dân đảo Hải Nam của Trung Quốc trục vớt được và chiếm giữ hàng hoá trên tàu khiến chính quyền Anh hết sức bất bình. Khi đó Trung Quốc trả lời chính quyền Anh rằng quần đảo Hoàng Sa không phải là lãnh thổ của Trung Quốc, vì vậy chính quyền nước này không chịu trách nhiệm trước bất cứ sự việc gì xảy ra ở đây…”.
Báo chí quốc tế nói về Shangri-La 13: Các nước bất bình với Trung Quốc
Báo chí quốc tế nhận định, diễn đàn Shangri-La năm nay chứng kiến sự bất bình sâu sắc của các nước trước những hành động gia tăng căng thẳng của Trung Quốc tại biển Đông và biển Hoa Đông.
Căng thẳng về chủ quyền biển đảo trong khu vực đã làm nóng diễn đàn Shangri-La là nhận định của Thời báo Eo biển (Singapore).
Tác giả bài báo cho rằng, những tranh chấp trên biển Đông và biển Hoa Đông đã khiến bầu không khí trở nên nóng hơn, các đại biểu cũng không còn e ngại mà rất thẳng thắn, khi bày tỏ chính kiến của mình. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đều đã dùng những ngôn từ rất mạnh mẽ chỉ trích trực diện hành động của Trung Quốc gây bất ổn khu vực.
Theo trang mạng CSMonitor, ngay từ khi bắt đầu khai mạc diễn đàn Shangri-La, các diễn giả đã không ngừng chỉ trích Bắc Kinh, theo cách trực diện hay gián tiếp, vì hành động hung hăng trong việc tuyên bố chủ quyền đối với nhiều khu vực tại biển Đông và biển Hoa Đông.
Theo Economist, đa số các đại biểu tham gia diễn đàn đều nhất trí rằng, đại diện của Trung Quốc, Trung tướng Vương Quán Trung đã tỏ ra đuối lý trước những chỉ trích của cộng đồng quốc tế. Theo tác giả bài báo, những lập luận của ông Vương không xác đáng, thậm chí là trắng trợn, khi cho rằng “Trung Quốc không khiêu khích, mà chính các quốc gia khác đã buộc tội Trung Quốc khiêu khích”. Thậm chí, ông Vương còn không thể giải thích về “đường 9 đoạn” mơ hồ mà Bắc Kinh tuyên bố.
Liệu những lời chỉ trích mạnh mẽ từ đại diện các nước có tác động tới Trung Quốc và giúp hạ nhiệt căng thẳng trong khu vực hay không? “Nhật báo phố Wall” đặt câu hỏi.
Bởi theo tác giả bài báo thì những quan chức đại diện của Trung Quốc tại Shangri-La đã ngay lập tức phản bác những lời chỉ trích của Mỹ và các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương khác. Và các học giả tham gia diễn đàn thì tự hỏi liệu những lời chỉ trích tập thể này có đủ để thay đổi cách hành xử của Trung Quốc?
Hoa Kỳ ủng hộ lập trường của Việt Nam và mong muốn hợp tác trên mọi lĩnh vực
Hoa Kỳ tiếp tục khẳng định, ủng hộ việc giải quyết tranh chấp trên biển Đông bằng biện pháp hòa bình.
Theo đó, trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, bà Penny Pritzker, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ, khẳng định, Chính phủ Hoa Kỳ phản đối hành động đơn phương và mang tính khiêu khích của Trung Quốc trong việc hạ đặt giàn khoan Haiyang Shiyou 981 (Hải Dương 981) sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, làm cho tình hình biển Đông trở nên hết sức căng thẳng, bà Penny Pritzker bày tỏ ủng hộ việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Penny Pritzker |
Bà Penny Pritzker nhấn mạnh, Hoa Kỳ coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ với Việt Nam trên mọi lĩnh vực, trong đó có quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư. Đồng thời thông báo, nhiều tập đoàn doanh nghiệp, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hoa Kỳ đang quan tâm mở rộng quy mô đầu tư cũng như đầu tư mới tại thị trường Việt Nam, nhất là sau khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết.
.