(Congannghean.vn)-Trong những ngày qua, tình trạng cháy rừng trên địa bàn tỉnh ta diễn biến rất phức tạp và có thể các vụ cháy vẫn tiếp tục xảy ra khi nắng nóng còn kéo dài. Tuy nhiên, ngoài các nguyên nhân khách quan thì vẫn có dấu hiệu cố tình hủy hoại. Trước thực trạng trên, UBND tỉnh vừa tổ chức họp khẩn để đối phó và trước đó cũng đã có Công điện số 10/CĐ-UBND ngày 27/5/2014 yêu cầu cơ quan Công an khẩn trương điều tra làm rõ các vụ cháy rừng và tăng cường phòng chống cháy rừng.
Trong những ngày qua, tỉnh ta đang phải đối phó với tình trạng thời tiết khắc nghiệt nhất khi nắng nóng gay gắt kéo dài, gió Tây Nam khô nóng thổi mạnh, các hồ đập đã bắt đầu cạn nước. Cùng với đó là lớp thực bì ở các khu rừng rất dày, khô cứng nên chỉ một mồi lửa nhỏ là nhanh chóng bùng lên thành những đám cháy lớn. UBND tỉnh đã nâng cấp dự báo cháy rừng lên cấp V, cấp cực kỳ nguy hiểm.
Chỉ tính từ nửa cuối tháng 5 đến nay, tỉnh ta đã xảy ra 14 vụ cháy rừng gây thiệt hại trên 100 ha rừng. Trung bình gần 1 ngày có một vụ cháy, chưa bao giờ Nghệ An đối mặt với tình trạng cháy rừng gay gắt như hiện nay. Ngày 14/5, Nghệ An xuất hiện đám cháy đầu tiên tại một khu rừng sản xuất do UBND xã Hưng Tây, Hưng Nguyên quản lý. Đám cháy đã thiêu rụi 2,3 ha rừng thông và bạch đàn.
Tình trạng cháy rừng ở tỉnh ta đang diễn biến rất phức tạp |
Địa phương đã huy động gần 300 người tham gia chữa cháy, nguyên nhân được xác định do người dân bất cẩn trong lúc đốt lửa trong vườn dẫn đến lan sang rừng. Tiếp theo đó là liên tiếp các vụ cháy rừng tại Yên Thành, Đô Lương, Nam Đàn, Tương Dương, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc… Điều đáng tiếc là đã có 1 người chết, 3 người bị thương khi tham gia chữa cháy rừng. Nguy cơ cháy rừng vẫn còn hiện hữu khi vẫn có hơn 30.000 ha rừng thông dễ cháy, trong đó vùng trọng điểm gồm 16.000 ha. Tuy nhiên, hiện việc phát dọn thực bì mới chỉ triển khai được 5.000 ha. 11.000 ha rừng chưa có kinh phí để thực hiện.
Trong số các vụ cháy rừng thì mới chỉ có một vụ xác định được nguyên nhân, các vụ còn lại vẫn chưa thể xác nhận, trong đó các cơ quan chức năng nhận định có thể xảy ra những vụ đốt rừng do mâu thuẫn. Được biết, phần lớn các vụ cháy rừng đều xảy ra tại các huyện đồng bằng, nơi phần lớn rừng được giao cho các hộ, chính quyền, tổ chức khoanh nuôi bảo vệ. Tại đây, lưu lượng người ra vào rừng cũng nhiều hơn nên khó kiểm soát. Khi các vụ cháy rừng xảy ra, công tác khám nghiệm hiện trường còn gặp nhiều khó khăn trong thu thập chứng cứ, các thủ phạm vẫn đang ngoài vòng pháp luật nên chưa có tính răn đe.
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh đã có Công điện số 10/CĐ-UBND chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong việc điều tra làm rõ và tăng cường phòng chống cháy rừng. Tiếp đó ngày 3/6, UBND tỉnh cũng đã tổ chức cuộc họp với các sở, ban, ngành để tăng cường công tác phối hợp, đề ra những phương án để đối phó với cháy rừng.
UBND tỉnh giao cho cơ quan Công an khẩn trương điều tra, sớm làm rõ nguyên nhân các vụ cháy rừng để xử lý theo pháp luật. Sở Nông nghiệp và PTNT trực tiếp cùng các địa phương có xảy ra cháy rừng họp kiểm điểm, rút kinh nghiệm từng vụ cháy và làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan để xử lý trách nhiệm hoặc trình cơ quan có thẩm quyền xử lý kịp thời. Hiện nay, cơ quan Công an đang gấp rút điều tra các vụ cháy rừng để làm rõ nguyên nhân và xử lý nghiêm các đối tượng cố tình hủy hoại tài sản.
Đồng chí Nguyễn Xuân Đường, chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu lực lượng chức năng khẩn trương điều tra nguyên nhân các vụ cháy rừng - Ảnh: Huyền Thương |
Tại cuộc họp, các địa phương cũng nêu lên thực trạng khi xảy ra cháy rừng, chính quyền có huy động lực lượng, trong đó có quần chúng nhân dân nhưng một bộ phần người dân tham gia kém nhiệt tình hoặc không tham gia do không có chế độ. UBND tỉnh cần nghiên cứu xây dựng chế độ cho người dân khi tham gia phòng chống cháy rừng cũng như có biện pháp xử lý nghiêm những đối tượng không tham gia chống cháy rừng.
Bên cạnh đó, cần xây dựng ý thức cho những người dân sống ven bìa rừng trong công tác bảo vệ tài sản chung. Phần lớn diện tích rừng đều thuộc quản lý của cơ quan Nhà nước, chính quyền địa phương, trong khi những người dân sống gần rừng thì không được giao đất, giao rừng nên không có ý thức bảo vệ rừng. Cùng với đó là chế độ giao khoán không rõ ràng, có nhiều trường hợp là người địa phương nhưng không được giao rừng mà giao cho người ở địa phương khác quản lý và khai thác nên còn tiềm ẩn những mâu thuẫn trong nhân dân dẫn đến những hành vi đốt rừng.
Với khẩu hiệu “chống cháy rừng như chống giặc”, cả hệ thống chính trị tỉnh Nghệ An đang vào cuộc, trong đó tập trung triển khai các phương án chống cháy rừng, nâng cao ý thức cảnh giác của các lực lượng chức năng và người dân. Cùng với đó là sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan Công an tìm ra nguyên nhân sẽ là điều kiện để chúng ta khắc phục được thực trạng cháy rừng đang diễn biễn phức tạp.