Pháp luật
Về vụ phá rừng phòng hộ hồ Vực Mấu
(Congannghean.vn)-Ông Đoàn Văn Phú - Trưởng Công an xã Quỳnh Trang, thị xã Hoàng Mai xác nhận, trên địa bàn vừa xảy ra một vụ chặt phá rừng. Điểm chặt phá nằm ở khu vực Eo Đá thuộc rừng phòng hộ hồ Vực Mấu. Dư luận cho rằng, sự việc có liên quan đến mâu thuẫn tranh chấp đất rừng giữa 2 hộ nhận khoanh nuôi, bảo vệ.
Ngang nhiên phá rừng phòng hộ
Ngày 8/3/2014, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Quỳnh Lưu nhận được tin báo, có một số đối tượng đến chặt phá, khai thác rừng phòng hộ hồ Vực Mấu thuộc địa phận xã Quỳnh Trang. Các đối tượng được tổ chức, đem theo cưa xăng tiến vào khu vực Eo Đá ngang nhiên chặt phá giữa ban ngày. Nghe tiếng cưa xăng phát ra từ khu rừng nhận khoanh nuôi, chủ rừng và người dân đã báo sự việc với lực lượng chức năng. Khi Tổ công tác đến hiện trường, các đối tượng nhanh chóng bỏ chạy, toàn bộ số gỗ bị chặt phá cũng được tẩu tán từ trước đó.
Biên bản làm việc giữa các bên |
Khu vực bị khai thác được xác định là Tiểu khu 338 B, khoảnh 1, xã Quỳnh Trang. Đây là khu vực thuộc Dự án trồng rừng phòng hộ 661, do ông Lê Công Hải nhận khoán trồng rừng. Lực lượng chức năng ghi nhận, có khoảng 50 cây keo đã bị khai thác, có đường kính 5 - 6 cm, trên diện tích 80 m2. Ban Quản lý rừng phòng hộ Quỳnh Lưu đã đề nghị UBND xã Quỳnh Trang, Hạt Kiểm lâm Quỳnh Lưu, Công an thị xã Hoàng Mai, UBND thị xã Hoàng Mai vào cuộc điều tra làm rõ và xử lý các đối tượng.
Có liên quan đến mâu thuẫn tranh chấp đất rừng?
Ông Dương Minh Ngọc - Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Quỳnh Lưu cho biết, ông Lê Công Hải, công dân xã Quỳnh Trang được giao khoanh nuôi 10,69 ha, ông Hồ Văn Luận được giao 5 ha rừng phòng hộ. Năm 2010, số diện tích nhận khoanh nuôi của 2 hộ này đã được Dự án trồng rừng 661 đầu tư trồng mới, chủ yếu là cây keo. Trong thời gian khoanh nuôi, giữa 2 hộ này đã xảy ra tranh chấp trên diện tích khoảng 3 ha. Các bên đã nhiều lần tổ chức hòa giải nhưng không thành. Ngày 8/3/2014, có một số đối tượng lạ mặt vào ngang nhiên chặt phá. Đến thời điểm này, lực lượng chức năng chưa tìm ra thủ phạm nên chưa thể kết luận được điều gì. “Mọi sự phán đoán cũng chỉ là dư luận, không có căn cứ. Chúng tôi đề nghị lực lượng chức năng sớm làm rõ thủ phạm để răn đe, bảo vệ rừng phòng hộ”, ông Ngọc cho biết.
Sau khi sự việc xảy ra, UBND xã Quỳnh Trang tiếp tục mời 2 hộ dân lên làm việc và hòa giải. Theo đó, hai bên đã tìm được tiếng nói chung. Thực tế, trong quá trình khoanh nuôi, bảo vệ, ông Lê Công Hải đã trồng lấn lên 3,5 ha đất được giao cho ông Hồ Văn Luận. Vì vậy, ông Hải đồng ý trả lại toàn bộ diện tích trên, đồng thời ông Luận nhất trí hỗ trợ gia đình ông Hải 25 triệu đồng hỗ trợ chăm sóc trồng cây trong mấy năm qua (?).
Hiện nay, tại Quỳnh Trang xuất hiện nhiều luồng dư luận khác nhau. Người cho rằng, một trong hai hộ nhận khoán rừng này đã chủ động thuê người chặt phá rừng, người suy đoán có một số đối tượng đến khai thác trộm gỗ. Dù là đối tượng nào tổ chức chặt phá đều là hành vi trái với quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống rừng phòng hộ hồ Vực Mấu. Đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc, làm rõ sự việc.
Khoản 1, Điều 85, Chương VII, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004, quy định: Người phá rừng, đốt rừng, huỷ hoại tài nguyên rừng; khai thác rừng trái phép; săn, bắn, bắt, bẫy, nuôi nhốt, giết mổ động vật rừng trái phép; mua, bán, kinh doanh, vận chuyển trái phép lâm sản hoặc vi phạm các quy định khác của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Văn Dũng