Pháp luật
Dân nuôi gián đất, cơ quan quản lý bị động
14:46, 18/03/2014 (GMT+7)
Sau ốc bươu vàng, rùa tai đỏ thì tại một số địa phương đang rộ lên “phong trào”nuôi gián đất với những lời quảng cáo dễ nuôi, một vốn bốn lời. Trong khi các cơ quan Nhà nước tỏ ra bị động và vẫn đang xử lý sự cố bằng việc công văn qua lại thì gián đất được nuôi ở khắp nơi, quảng cáo tràn lan chứa đựng nhiều ẩn họa đối với môi sinh cũng như sức khỏe con người.
Gián “bò” khắp nơi mà Bộ chưa biết
Chỉ đến khi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bắc Ninh xin ý kiến Bộ NN&PTNT về việc xử lý các mô hình nuôi gián đất trên địa bàn tỉnh này, thì các cơ quan tham mưu của Bộ NN&PTNT mới giật mình về việc gián đất đã được nuôi tại Việt Nam. Theo Sở NN&PTNT Bắc Ninh, trên địa bàn tỉnh này hiện có 3 “mô hình” nuôi gián đất ở các xã Xuân Lai (huyện Gia Bình), Quảng Phú, thị trấn Thứa (huyện Lương Tài).
Đại diện UBND xã Xuân Lai cho biết, vào khoảng cuối năm 2013, khi được người dân báo ở địa phương có xuất hiện một hộ dân nuôi gián đất, xã đã cử đoàn xuống kiểm tra. Tại cuộc kiểm tra ngày 31/12/2013, cán bộ xã đã phát hiện tại hộ ông Nguyễn Xuân Đ. ở thôn Phú Thọ - chủ Công ty cổ phần Sản xuất và kinh doanh ĐT có treo biển ngoài cổng: “Chuyên bán buôn gián đất”. Theo giới thiệu, nơi cung cấp giống từ tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở này đang cho ấp nở tới hơn 150kg trứng gián.
Theo ông Nguyễn Xuân Đ., để nuôi 1kg gián đất chỉ tốn khoảng 12.000 đến 15.000 đồng tiền thức ăn, mà giá bán gián đất, trên thị trường rơi vào khoảng từ 120.000 đến 160.000đ/kg. Gián đất có thể nói là loài côn trùng dễ nuôi nhất, vì nuôi gián đất không cần ấp trứng như dế hoặc sâu, mà gián đất sẽ tự sinh ra con, con tự ăn tự phát triển.
Một cơ sở nuôi gián đất rộng hơn 200m2 ở thôn Quảng Bố, xã Quảng Phú (Lương Tài, Bắc Ninh) |
Một người chăn nuôi khác cho biết, cứ mỗi 1kg trứng gián có tương đương 2.000 kén trứng. Mỗi kén sẽ nở ra được 8 con, như vậy mỗi kilôgam trứng gián có khả năng sinh sôi ra tới 16.000 con gián đất. Và từ mỗi kg trứng gián đó có thể thu được tới 40-50kg gián khô. Gián đất có 3 giai đoạn sinh trưởng như loại hình hạt vừng; loại có hình hạt đậu tương và loại hạt đậu côve là gián trưởng thành.
Thử sử dụng chức năng tìm kiếm trên mạng với từ khóa “bán gián đất giống”, chúng tôi tìm thấy hơn 2.700 kết quả. Gọi cho số 0917193xxx, một phụ nữ quảng cáo về sản phẩm “gián đất giống được trên 2 tháng tuổi, đang trong thời kỳ sinh sản”. Theo chị này, giá gián đất giống là 1.000đ/con nếu mua trên 1.000 con gián đất, còn với những đơn hàng từ 500 đến 1.000 con, giá 1.500đ/con. Người bán hàng này còn cho biết sẽ “khuyến mãi” tài liệu chăn nuôi, tặng thùng vận chuyển chuyên dụng để vận chuyển gián đi xa an toàn 100%, tư vấn nuôi miễn phí trong suốt quá trình nuôi, cũng như hứa “bao tiêu sản phẩm”.
Theo một nguồn tin, hiện nay, toàn bộ nguồn giống để ấp nở ra gián đất có nguồn Trung Quốc, tại Việt Nam đều được nhập về qua con đường tiểu ngạch "xách tay" không qua Hải quan, không qua Thú y. Đĩa hướng dẫn nuôi gián cũng được cho là của “Đài truyền hình trung ương Trung Quốc” và thậm chí có cả chuyên gia Trung Quốc sang Bắc Ninh “hướng dẫn kỹ thuật”.
“Thuốc chữa bách bệnh” hay loài có hại
Trên website thegioi… info, có quảng cáo về nhiều bài thuốc thiên nhiên cổ từ gián đất, và rằng gián đất có công dụng hoạt huyết hoá ứ, tiêu thũng chỉ thống, thông kinh lợi sữa, được dùng để chữa các chứng trùng hà tích tụ, bế kinh, đau bụng sau sinh nở do ứ huyết, tắc tia sữa, tổn thương do trật đả, viêm loét miệng, tê lưỡi, cứng lưỡi, lao hạch… Ví dụ chữa xơ gan thì công thức sẽ là: Gián đất 6g, đẳng sâm 9g, phục linh 9g, đại hoàng chế 9g, đào nhân 6g, long đởm thảo 6g, chi tử 9g, râu ngô 30g, a giao 9g sao phồng, bột xuyên sơn giáp 1,2g (uống ngoài), sắc uống mỗi ngày 1 thang…
Theo TS Vũ Đức Chính, Trưởng khoa Côn trùng (Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Trung ương), gián đất là loại côn trùng chân đốt, có vỏ cứng nên tiêu diệt rất khó. Một số tài liệu Trung Quốc có nói gián đất có tác dụng trong Đông y để chữa bệnh. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện chưa có nghiên cứu nào về vấn đề này. “Cũng giống như ốc bươu vàng, rùa tai đỏ, khi nhập vào không lường hết được tác hại sau này. Vì vậy, cơ quan kiểm dịch của Việt Nam cần phải kiểm soát chặt chẽ đối với loại gián đất”.
Còn PGS-TS Khuất Đăng Long, Phòng Sinh thái Côn trùng, Viện Sinh thái - Tài nguyên sinh vật chia sẻ: “Gián là loại côn trùng thường có mầm bệnh không thể kiểm soát. Người dân có thể chạy theo lợi nhuận trước mắt, cái lợi chưa thấy đâu, nhưng cái hại luôn tiềm ẩn nguy cơ rình rập”.
Tại Công văn số 810/BNN-CN gửi UBND tỉnh Bắc Ninh, Thứ trưởng NN&PTNT Vũ Văn Tám khẳng định: Gián đất là loài côn trùng trung gian truyền nhiều loại bệnh nguy hiểm như tiêu chảy, dịch tả. Hơn nữa, các hóa chất diệt côn trùng theo danh mục của Bộ Y tế cũng có đến 4/10 chế phẩm dùng để diệt gián. Bộ NN&PTNT cũng đề nghị tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo “xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về việc tự ý nhập khẩu và gây nuôi gián đất trên địa bàn, đồng thời kiểm điểm rút kinh nghiệm về trách nhiệm quản lý của các cá nhân có liên quan”.
Tuy nhiên, đến ngày 17/3, Sở NN&PTNT Bắc Ninh cho hay chưa nhận được ý kiến trả lời của Bộ chủ quản nên vẫn chưa xử lý số gián nuôi tại địa phương cũng như kiểm điểm trách nhiệm quản lý các cá nhân liên quan như văn bản của Bộ NN&PTNT.
|
CAND