Pháp luật
Bỏ dần quản lý dân cư bằng hộ khẩu
Mỗi công dân sẽ được cấp một số định danh cá nhân - 'mã số hóa' những thông tin căn bản về cá nhân, sử dụng như 'mã số công dân' trong mọi hoạt động hành chính.
Điều này được đặt ra thông qua các quy định trong dự thảo luật Căn cước công dân do Chính phủ trình UBTVQH sáng 12/3. Nhưng những "di sản" như hộ khẩu, hộ tịch, chứng minh nhân dân của cơ chế hiện nay dù được Bộ Công an - cơ quan chủ trì xây dựng luật nỗ lực 'điều hòa' trong luật, vẫn không tránh khỏi những tranh cãi nảy lửa như tại phiên họp.
Không giống đâu?
Theo dự thảo luật, Bộ Công an vẫn muốn giữ "chứng minh nhân dân". Nhưng khác biệt với hiện tại ở chỗ, trên chứng minh có mã số định danh cá nhân (12 số) và một "bộ phận điện tử" (kiểu dạng như chip từ) lưu thông tin cơ bản về căn cước công dân và các thông tin trong hệ thống dữ liệu điện tử quốc gia về dân cư.
Bộ kỳ vọng, đó là bước đầu để sau này khi có một cơ sở hạ tầng dữ liệu đầy đủ về công dân thì sẽ bỏ hộ khẩu. Theo đó, chứng minh nhân dân để xác định số định danh cá nhân khi làm các thủ tục hành chính, giúp khai thác thông tin về công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia mà không phải yêu cầu xuất trình nhiều giấy tờ không cần thiết.
Bộ Công an cho rằng, số định danh cá nhân cần được quy định ghi trên chứng minh nhân dân và đó cũng chính là số chứng minh nhân dân. Do đó, chứng minh nhân dân sẽ là thẻ căn cước công dân. Rồi sau đó, sẽ tính đến tích hợp với các loại giấy tờ khác thành thẻ công dân điện tử.
Cách quy định kiểu "kế thừa di sản" trên khiến không ít thành viên UBTVQH phản đối. Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng không nên tồn tại loại giấy tờ là chứng minh nhân dân, bởi ngay đọc lên cũng không rõ nghĩa. Ông cho rằng mỗi công dân chỉ cần một mã số định danh, thể hiện trên một thẻ căn cước công dân (như các nước vẫn làm). Khi cần sử dụng cho mọi mục đích, chỉ cần mã số đó kích hoạt là ra.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đồng tình không nên có một loại giấy "không giống ai" như chứng minh nhân dân. Bà ví dụ các nước khi sản xuất ví đều có những khuôn ngăn để các loại thẻ từ thẻ ngân hàng, thẻ ra vào, thẻ mua hàng... đều theo một khuôn, trong khi chứng minh nhân dân của Việt Nam 'không biết nhét chỗ nào' cho vừa.
Nhắc chuyện 'hội nhập quốc tế', bà Ngân cho rằng nên hội nhập từ những điều nhỏ như vậy và ủng hộ quy định mỗi công dân sẽ có một thẻ căn cước với mã số định danh như ông Lý đề cập.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng không thể để chứng minh nhân dân là thẻ căn cước, thẻ căn cước là chứng minh nhân dân, sau đó lại từ chứng minh nhân dân tiến đến thẻ công dân điện tử.
Lộ trình bỏ hộ khẩu
Dự thảo luật nêu theo hướng chứng minh nhân dân là thẻ căn cước của công dân và là giấy tờ tùy thân duy nhất có giá trị chứng minh căn cước của người từ 15 tuổi trở lên.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, mỗi công dân ngay từ khi chào đời đã có thể có ngay số định danh cá nhân vì những thông tin ngay khi chào đời như tên tuổi ngày tháng sinh là bất biến. Chủ tịch Quốc hội cũng nói, quy định công dân sinh ra đời đã có ngay số định danh cá nhân cũng giúp giảm bớt một khâu là giấy khai sinh.
Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai lo ngại với việc dân số gia tăng, quy định số định danh cá nhân bằng 12 số có thể sau này lại bị lạc hậu và cần kéo dài thêm, nhất là khi dân số vượt qua 100 triệu.
Một trong những thắc mắc lớn được nhiều thành viên UBTVQH nêu, đó là mục tiêu bỏ dần quản lý bằng hộ khẩu. Bà Mai đặt câu hỏi về lộ trình cụ thể hay việc cấp số định danh cá nhân có thể giúp bỏ ngay quản lý dân cư kiểu cũ này không? Nếu bỏ được quản lý hộ khẩu, dân sẽ rất mừng và nên có lộ trình rõ để dân biết.
VNN