Pháp luật
Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động chống buôn lậu
(Congannghean.vn)-Tại thành phố Vinh, Ban chỉ đạo 127 tỉnh Nghệ An vừa triển khai công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại năm 2014. Theo dự báo, năm 2014, tình hình vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng lậu, hàng giả và gian lận thương mại tiếp tục diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng.
Để thực hiện tốt công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, Ban chỉ đạo 127 tỉnh Nghệ An chỉ đạo các ngành, chính quyền các địa phương tập trung triển khai thực hiện tốt sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo 127/TW, UBND tỉnh về một số biện pháp cấp bách chống hàng giả, hàng kém chất lượng, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát xử lý các vi phạm.
Kiểm tra, tiêu hủy hàng lậu, hàng giả, hàng gian lận thương mại |
Trong đó, các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ trong quá trình thực hiện cần phối hợp chặt chẽ với nhau cũng như với cấp ủy Đảng, chính quyền của các địa phương và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội các cấp tập trung kiểm tra, kiểm soát trên các tuyến đường và địa bàn trọng tâm, trọng điểm như: Cửa khẩu Nậm Cắn (huyện Kỳ Sơn), Thanh Thuỷ (Thanh Chương), khu vực thành phố Vinh, các thị xã Cửa Lò, Hoàng Mai, Thái Hoà, đường Hồ Chí Minh, trên các tuyến Quốc lộ 1, 7, 48, 46, các cửa sông, cửa lạch ven biển… Đồng thời kết hợp với công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.
Theo đó, lực lượng Hải quan, Bộ đội Biên phòng phối hợp với các huyện tăng cường quản lý, kiểm tra các đối tượng vận chuyển, buôn bán các chất ma túy, vũ khí, chất nổ, gỗ, trâu, bò và xăng dầu trái phép qua cửa khẩu, hải cảng và các đường mòn, lối mở trên tuyến biên giới Việt - Lào. Sở Công thương chủ trì và phối hợp với các ngành, địa phương liên quan để lập lại trật tự kỷ cương trong công tác quản lý giá, đặc biệt là việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết đối với các loại hình dịch vụ du lịch. Đồng thời, thông báo rộng rãi những chủ trương và cơ chế xử phạt trong lĩnh vực này để hạn chế các hành vi vi phạm. Cùng với việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc lưu thông và khai thác khoáng sản trái phép, các lực lượng chức năng cần tập trung vào một số lĩnh vực trọng tâm khác như: Lâm sản, động vật hoang dã, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, xăng dầu, thuốc chữa bệnh...
Năm 2013, các lực lượng chức năng đã triển khai nhiều giải pháp, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý 9.835 vụ vi phạm, với tổng số tiền xử phạt 187 tỷ, 446 triệu đồng. Nhìn chung các hành vi vi phạm chủ yếu vẫn là: Vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, các hàng hóa vi phạm về sở hữu trí tuệ và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Viết Hùng