(Congannghean.vn)-Sau hơn nửa tháng ra quân duy tu, sửa chữa kết hợp giải tỏa hành lang ATGT dịp trước Tết Nguyên đán, các ban ngành chức năng tại Thanh Chương đã triển khai được một khối lượng công việc lớn. Tuy vậy, sau khi giải tỏa hành lang ATGT, việc tái lấn chiếm lại diễn ra phổ biến. Điều này lại một lần nữa cho thấy, muốn đường thông, hè thoáng, chính quyền các địa phương phải vào cuộc thật sự quyết liệt.
Sau khi ban hành văn bản, triển khai từ cấp huyện đến cấp xã, ngày 10/1/2014, các địa phương tại Thanh Chương đồng loạt ra quân. Qua đợt phát động, toàn huyện đã ra quân duy tu, sửa chữa được 100 km hành lang đường giao thông. Trong đó có 10,3 km đường huyện, trên 20 km đường xã, gần 67 km đường thôn xóm, nạo vét hơn 26 km rãnh dọc. Toàn huyện giải tỏa được trên 700 ki-ốt, gần 1,5 nghìn m2 mái che, trên 350 m tường rào xây, hơn 100 m bờ rào cây xanh, tháo dỡ, tịch thu gần 500 biển quảng cáo, hơn 60 m2 công trình khác, chặt trên 56 nghìn cây các loại. Đợt ra quân này, toàn huyện cắm được 13 biển cấm họp chợ trên đường giao thông, xử phạt 6 trường hợp vi phạm bán hàng trên đường. Tổng kinh phí huy động cho đợt ra quân giải tỏa hành lang, duy tu, sửa chữa đường giao thông trên 1,5 tỷ đồng.
Đường đã thông nhưng hè chưa thoáng (Ảnh chụp tại trung tâm thị trấn Thanh Chương) |
Việc giải tỏa hành lang ATGT tại Thanh Chương do Phòng Công thương huyện chủ trì. Tuy nhiên, lực lượng tham gia chính tại các địa phương là Công an xã, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an huyện. Khi có sự phối hợp, triển khai quyết liệt của chính quyền địa phương, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an huyện, Ban Công an các xã, một khối lượng công việc lớn đã được triển khai. Một bài học rút ra trong công tác giải tỏa hành lang ATGT tại Thanh Chương là, công tác tuyên truyền phải thực sự đi trước một bước, phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng với chính quyền địa phương.
Thành quả tuy đã đạt được nhưng ý thức người dân, các hộ kinh doanh bám mặt đường chưa thực sự tốt đã khiến việc quản lý sau khi giải tỏa gặp rất nhiều khó khăn. Trên thực tế, việc quản lý của chính quyền các địa phương tại Thanh Chương sau giải tỏa đang bị bỏ ngỏ. Việc quản lý sau ra quân giải tỏa tại Thanh Chương được đánh giá là chưa hiệu quả, ra quân quản lý hành lang ATGT chỉ mới mang tính thời vụ. Vì vậy, sau khi giải tỏa, tình trạng họp chợ, bán hàng, biển quảng cáo để sai quy định, để vật liệu lên lòng, lề đường lại tái diễn.
Tại một số địa phương sau Tết Nguyên đán, tình trạng tái diễn nhiều như thị trấn, Võ Liệt, Thanh Long, Thanh Giang, Thanh An, Thanh Thịnh, Thanh Lĩnh, Thanh Đồng, Thanh Tường... Bên cạnh đó, một số xã mới chỉ tập trung quản lý việc họp chợ trên đường giao thông, chưa chú trọng giải tỏa hành lang ATGT; tập trung làm các tuyến Quốc lộ, tỉnh lộ, chưa chú trọng giải tỏa các tuyến đường liên xã, đường xã và đường thôn.
Trên tuyến Quốc lộ đoạn đi qua thị trấn Thanh Chương, theo ghi nhận của phóng viên, tính đến thời điểm cuối tháng 2/2014, tình trạng tái lấn chiếm diễn ra phổ biến. Các biển quảng cáo được dựng ngay trên hành lang. Vật liệu xây dựng, các loại hàng hóa, vật liệu sản xuất, kinh doanh lấn hết lối hành lang dành cho người đi bộ. Hành lang ATGT vẫn bị trưng dụng một cách khá thoải mái trong khi không có lực lượng chức năng tiến hành giải tỏa. Tình trạng này cũng diễn ra tại thị tứ chợ Cồn, các điểm họp chợ đi qua xã Hạnh Lâm...
Đây là thực tế không chỉ diễn ra tại Thanh Chương. Một nguồn kinh phí khổng lồ được bỏ ra phục vụ công tác giải tỏa hành lang ATGT. Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng rút hoặc hết đợt ra quân, tình trạng lấn chiếm lại tái diễn. Điều này gây ra không ít lãng phí. Trong việc duy trì đường thông hè thoáng, cần nêu cao hơn nữa tinh thần, trách nhiệm của chính quyền các địa phương. Bởi đây là lực lượng bám sát cơ sở sẽ nắm rõ nhất tình hình diễn ra trên địa bàn.