Trong thời gian vừa qua, lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao đã triệt phá hàng loạt đường dây trộm cắp thông tin thẻ tín dụng, làm giả thẻ tín dụng để mua hàng trên mạng. Đối tượng là các thanh, thiếu niên trẻ có khả năng về công nghệ thông tin, trong đó có không ít là sinh viên. Tuy nhiên, dường như sự trả giá cho hành động này vẫn chưa thức tỉnh được những kẻ hám lợi bất chính. Xâm nhập vào thế giới này, chúng tôi đã biết được phần nào thế giới ngầm và ma lực đồng tiền đó là cái bẫy ngọt ngào mà không phải ai cũng có thể vượt qua.
Trên thế giới mạng rộng lớn, ngoài những trang web mở, chúng ta có thể vô tư đăng kí thành viên và khai thác thông tin từ nó thì còn xuất hiện thế giới ngầm mà tài nguyên trong đó không thể tìm thấy bởi các công cụ tìm kiếm. Các hacker thường hoạt động trên các trang web kín này và chia sẻ kinh nghiệm cũng như học hỏi những người có kinh nghiệm hơn. Underground (gọi tắt là UG), là cụm từ nói chung để chỉ cộng đồng các hacker. Sở dĩ các diễn đàn UG "hút hàng" đến vậy là nhờ khả năng giúp sinh viên kiếm tiền "nhàn tênh" và được coi là khá an toàn nếu "làm ăn cò con".
Hacker là loại tội phạm nguy hiểm. |
Phần lớn chúng chia làm 3 phần. Phần quan trọng nhất và bao giờ cũng có là phần chia sẻ các kinh nghiệm, hướng dẫn và cung cấp nguyên liệu để thành viên có thể kiếm tiền một cách bất hợp pháp trên mạng. Các nguyên liệu này bao gồm Credit Card (thông tin thẻ tín dụng của người nước ngoài, được gọi tắt là CC), địa chỉ IP (địa chỉ mạng của mỗi máy tính) để tránh bị lộ thông tin địa chỉ và một số phần mềm, tiện ích, thủ thuật khác nhằm giúp sinh viên sử dụng thông tin lấy cắp được từ thẻ tín dụng của người khác mua hàng ở các cửa hàng trực tuyến trên thế giới rồi chuyển về Việt Nam. Hành động này được gọi là "ship hàng". Phần thứ hai có hoặc có thể không có là những chuyên mục bàn luận về mọi thứ như phim ảnh, nhạc như các diễn đàn khác. Phần thứ 3 là nơi post các loại văn hóa phẩm không lành mạnh.
Những diễn đàn UG này lúc nào cũng trong trạng thái khóa, chỉ những ai có mật khẩu mới có thể nhìn thấy nội dung. Chúng chỉ mở chức năng đăng kí nick cho thành viên mới vào ngày đặc biệt (thậm chí là giờ đặc biệt) như Noel, năm mới, Trung thu..., số lượng nick được chấp thuận cũng rất hạn chế. Các thành viên không được đăng kí tự do. Có những trang mỗi năm chỉ mở vài ba lần để đăng kí thành viên. Còn vào các ngày thường, muốn đăng kí thì phải chuyển khoản cho admin khoảng 100 USD hoặc viết đơn xin gia nhập gửi tới các admin nói về khả năng của mình, từ đó admin các trang này mới xem xét mở tài khoản trên diễn đàn, điển hình như diễn đàn UG vncno1.com
Ngoài ra, một số trang áp dụng chế độ người cũ giới thiệu hoặc đóng tiền mới có thể trở thành thành viên, mức giá thường từ 10 USD tới 30 USD. Vào một trong các diễn đàn UG đăng kí nick miễn phí như vnw, vhc, v4a, nbteam, vncno1, darkforce, cardchua... số lượng thành viên đăng kí có khi lên đến hàng nghìn và hàng trăm người đang trực tuyến.
Trong diễn đàn, các bài viết được ẩn dưới một con số gọi là credit/post. Người viết bài có thể chọn chế độ ẩn với bao nhiêu credit/post thì yêu cầu người đọc phải có ít nhất từng đó credit/post mới có thể đọc được bài của mình. Để kiếm các credit, các thành viên có thể liên hệ với các admin để mua hoặc tự kiếm bằng cách viết bài mới, nếu bài viết hữu ích và được các thành viên khác bấm nút Thank. Khi được một lượng thanhked nhất định tùy theo các admin của các diễn đàn quy định thì tài khoản sẽ tăng lên 1 credit/post.
Thường các topic hay có nhiều credit thì admin của diễn đàn sẽ là người được hưởng lợi nhiều nhất, vừa có tiền từ thành viên, vừa có nhiều cách hướng dẫn hay để làm. Nhưng admin phải đòi hỏi có Trust (độ tin cậy cao, kinh nghiệm và khả năng cao) mới có thể duy trì được diễn đàn. Vì các diễn đàn đều bị dòm ngó bởi các thành viên hay những admin của diễn đàn khác tấn công để tranh giành thành viên. Chưa kể đó là sự theo dõi của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50). Điển hình nhất, gần đây hai admin của hai diễn đàn lớn vừa bị bắt là vietexpert.info và hkvfamily.info.
Không ai có thể phủ nhận sự hấp dẫn từ công việc bất hợp pháp được đánh giá là khá an toàn này. Sau khi tham gia vào UG, chỉ với một chiếc máy tính cấu hình bình thường, chịu khó học theo các hướng dẫn, cộng với thời gian rảnh rỗi ở nhà là có thể tiến hành "ship hàng" và thu về một số tiền lớn. Không phải chịu nắng mưa, không phải chịu vất vả hay thường xuyên nghe các lời mắng chửi như nhiều công việc khác nên "ship hàng" được không ít sinh viên ưa thích.
Theo lời N.M.Quang (Đà Nẵng), một hacker chuyên nghiệp cho hay, thời điểm này, tại Việt Nam chỉ còn duy nhất một website dành cho dân UG hoạt động là vncno1.com hoặc vdfno1.com là một diễn đàn chung, các thành viên sinh hoạt thường xuyên, thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm. Ai có tài khoản hack được thì post lên và chia sẻ cho mọi người. Một cá nhân hack được nhiều tài khoản nào đó hay tìm được một lỗi thanh toán nào đó, họ sẽ công bố lên diễn đàn cho mọi người.
Tuy nhiên, không phải khi nào hacker muốn ship hàng cũng được, bởi các website bán hàng uy tín như apple.com, dell.com được trang bị các cổng thanh toán chống gian lận. Nếu địa chỉ IP không trùng với địa chỉ thanh toán, email không đúng với email đăng kí thì sẽ bị kiểm tra gắt gao khi mua hàng. Lúc đó, các shipper sẽ phải nghiên cứu để vượt qua cổng thanh toán.
Lúc này, có thể lên các diễn đàn để cầu cứu TUT của những người đi trước. TUT là viết tắt của tutorial nghĩa là hướng dẫn cách làm cho những thành viên mới. N.M.Quang cho biết, có TUT chi tiết, một ngày mỗi hacker có thể kiếm được 15.000 - 20.000 USD. Còn những lúc không có TUT thì anh em phải ngồi nghiên cứu để tìm ra TUT mới, không thì chỉ làm lặt vặt kiếm vài chục USD cho vui.
Đổi lại, những người được chia sẻ sẽ gửi lại cho người đã chia sẻ một thank (một hình thức trả công). Càng được nhiều thank thì người chia sẻ đó sẽ xem được càng nhiều tài khoản hack của người khác chia sẻ mà khi áp dụng lại sẽ kiếm được nhiều tiền hơn. Lấy thank của những người có cấp bậc thấp hơn để xem được bài đăng của những người có cấp bậc cao hơn.
Tiền được đánh cắp từ thẻ tín dụng của khách hàng gọi là Credit Card (CC), các CC được chia sẻ trong các diễn đàn dành cho dân UG. CC chia là hai loại: CCN và CCV, giá trung bình cho 10 CCN là 1 USD và 10 CCV là 25 USD. Sở dĩ có mức giá chênh lệch như vậy là do CCN không chưa đầy đủ thông tin nên khó sự dụng hơn CCV