Ô tô - Xe máy
Ô tô tăng giá từng ngày sau khi chốt giảm 50% lệ phí trước bạ
Nhiều đại lý giảm mức khuyến mại, cắt bớt quà tặng khiến một số mẫu ô tô tăng giá hàng chục triệu đồng sau khi Chính phủ chính thức cho phép giảm phí trước bạ 50%.
Đầu tháng 5, anh Lê Văn Sỹ (Ba Đình, Hà Nội) được một đại lý chào giá 560 triệu đồng cho chiếc Honda City bản 1.5 TOP, kèm gói phụ kiện trị giá hơn 25 triệu đồng. Tuy nhiên đến cuối tháng, showroom báo giá xe tăng thành 570 triệu và lượng phụ kiện tặng kèm cũng ít đi.
Không riêng Honda City quay đầu tăng giá, một số mẫu xe khác như Toyota Vios, Innova, Hyundai Kona hay Mazda CX-5... cũng nhích lên vài triệu đến hàng chục triệu đồng. Biến động giá trên đến trong bối cảnh Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 84, trong đó giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước.
Thị trường ô tô liên tục biến động trước các thông tin về việc giảm 50% lệ phí trước bạ. |
Thực tế, sau khi Thủ tướng chấp thuận việc điều chỉnh lệ phí trước bạ (ngày 20/5), giá ô tô đã rục rịch tăng từng ngày, dù thị trường vẫn có động thái chờ tin chính thức. Xe tăng giá là do các đại lý cắt bớt khuyến mại chứ mức giá mới vẫn thấp hơn công bố của hãng.
Chẳng hạn Toyota Vios 1.5G CVT có giá bán đợt đầu tháng 5 là 540 triệu đồng. Xe hiện nay đang được một số đại lý chốt ở mức 548 - 550 triệu đồng, tùy nơi và các chính sách quà tặng khác nhau. Trong khi đó giá đề xuất của Toyota cho model này là 570 triệu đồng.
"Thời gian qua, showroom đã phải giảm giá mạnh để tăng doanh số, thu hút khách hàng. Với việc chính phủ hỗ trợ lệ phí trước bạ, đại lý cũng rút bớt khuyến mại nhằm bù lỗ, trong khi người dùng vẫn mua được xe với giá tốt", quản lý một showroom tại Cầu Diễn, Hà Nội, nói.
Theo người này, đại lý cắt bớt ưu đãi còn do quy định chung từ phía hãng. "Theo đúng lịch, mẫu xe cỡ B của chúng tôi sẽ được khuyến mại đến hết tháng 5, chưa có kế hoạch giảm giá trong tháng 6. Nhưng vì doanh số đã đủ nên khuyến mại đã ngừng trước 1-2 ngày".
"Ô tô hiện nay bán chậm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng thực tế lượng xe xuất xưởng cũng giảm, thậm chí có thể thiếu hụt trong những tháng tới", đại diện truyền thông một hãng xe cho biết. "Chúng tôi đang rơi vào cảnh sản xuất thì không đủ sản lượng mà lại phải đi giảm giá xe".
Bài toán khó cho khách hàng
Việc lệ phí trước bạ giảm 50% nhưng giá xe cũng tăng theo khiến cho khách hàng không còn được hưởng "lợi kép" như kỳ vọng trước đây. Thậm chí với một số mẫu ô tô cỡ nhỏ, mức ưu đãi hiện nay còn lớn hơn số tiền sẽ tiết kiệm được do lệ phí trước bạ giảm 50%.
Một ví dụ là VinFast Fadil 1.4 tiêu chuẩn có giá 415 triệu đồng, đang được bán mức 373 triệu, tức rẻ hơn 42 triệu đồng. Trong thời gian tới khi lệ phí trước bạ được giảm 50% nhưng nếu giá xe không còn ưu đãi nữa, khách hàng sẽ chỉ tiết kiệm được khoảng 20 triệu đồng.
Các đại lý vì thế thường khuyên khách hàng đặt cọc sớm để được giữ giá ưu đãi, sẽ tiến hành thanh toán nốt và giao nhận xe sau. "Đây hiện là cách tốt nhất để chúng tôi làm hài lòng 'thượng đế' hiện nay", Trung Hiếu, một nhân viên bán ô tô trên đường Nguyễn Trãi, Hà Nội, chia sẻ.
Việc lệ phí trước bạ giảm nhưng giá ô tô không còn được khuyến mại nhiều có thể làm mất niềm tin của khách hàng |
"Khi thông báo sắp hết khuyến mại, giá xe không được ưu đãi nhiều như trước nữa, một số khách hàng đã mắng tôi rằng làm ăn bất tín, thấy nhà nước giảm phí trước bạ là quay ra tăng giá", anh Hiếu kể lại. "Họ đâu biết rằng khuyến mại đó là chính sách chung của hãng từ đầu tháng, bất chấp việc lệ phí trước bạ có giảm hay không".
Ngày 29/5, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 84/NQ-CP, trong đó có giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô trong nước đến hết 2020. Có thể nói sau khi Nghị quyết của Chính phủ ban hành, Bộ Tài chính sẽ xây dựng Thông tư hướng dẫn và quy định thời gian áp dụng.
Nguồn: Vietnamnet