Ô tô - Xe máy

Tìm hiểu về cơ chế hoạt động của hệ thống an toàn chủ động trên ô tô

09:26, 24/10/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Cùng với sự tiến bộ của khoa học công nghệ, các mẫu xe hiện nay đang ngày càng được hỗ trợ nhiều công nghệ hiện đại giúp việc lái xe trở nên an toàn hơn.

1. Cảnh báo chệch làn đường - Lane Departure Warning (LDW)

Hệ thống cảnh báo chệch làn đường (LDW) sử dụng camera sẵn có của xe để quan sát các vạch kẻ làn đường trên các tốc độ nhất định. Nếu xe rẽ khỏi làn mà không có tín hiệu xi-nhan, cảnh báo âm thanh, cảnh báo hình hoặc cảnh báo rung sẽ được kích hoạt. Một số hệ thống sử dụng các mô tơ rung tích hợp bên trong vô-lăng để mô phỏng cảm giác khi xe băng qua vạch kẻ làn trên cao tốc để kích thích phản xạ của lái xe.

2. Kiểm soát hành trình chủ động - Adaptive Cruise Control (ACC)

Hệ thống kiểm soát hành trình chủ động sử dụng radar hoặc camera quan sát phía trước xe để phát hiện và giảm tốc độ theo phương tiện phía trước. Người lái sẽ thiết lập tốc độ tối đa và xe sẽ giữ tốc độ đó, giống như hệ thống kiểm soát hành trình bình thường, nhưng ACC có thêm khả năng tự động giảm tốc độ theo phương tiện phía trước trên đường.

Dù vậy, nên nhớ hệ thống ACC không thể phản hồi hoàn toàn với tình hình giao thông đông đúc phía trước khi đang đi tốc độ cao. Ngoài ra, trong khi một số nhà sản xuất đã cung cấp tính năng "dừng và đi" đi kèm, các nhà sản xuất khác điều chỉnh để hệ thống này tự động thoát khi đi dưới mức tốc độ nhất định, nhả phanh và yêu cầu lái xe điều khiển khi đi ở tốc độ chậm.

3. Cảnh báo va chạm trước - Forward Collision Warning (FCW)

Hệ thống cảnh báo va chạm trước (FCW) là một trong những tính năng hỗ trợ người lái cơ bản trên ôtô hiện nay, giúp cảnh báo người lái khi va chạm sắp xảy ra. Hệ thống này chỉ cảnh báo trước chứ không thực hiện tác vụ nào để giảm thiểu va chạm. Phương thức báo hiệu cũng khác biệt trên từng mẫu xe và hãng xe, nhưng đa số đều sử dụng cảnh báo âm thanh, tín hiệu ánh sáng trên cụm đồng hồ, cảnh báo qua màn hình HUD, hoặc rung ghế và vô-lăng.

4. Phanh khẩn cấp tự động - Autonomous Emergency Braking (AEB)

Các hệ thống phanh khẩn cấp tự động kết hợp cảnh báo lái xe đồng thời can thiệp tự động vào bộ phận phanh. Khi xe phát hiện có va chạm sắp xảy ra, hệ thống sẽ cảnh báo lái xe. Nếu không có phản hồi nào, xe sẽ tự động phanh để giảm khả năng hoặc tránh va chạm.

Tất cả các hệ thống AEB đều có thể phát hiện các xe khác trên đường, nhưng không phải tất cả đều được trang bị khả năng phản hồi khi có người đi bộ qua đường. Các hệ thống có khả năng đó đều có tên gọi AEB hoặc có thêm cụm từ phía sau "với khả năng phát hiện người đi bộ".

5. Hỗ trợ giữ làn đường - Lane Keep Assist (LKA)

Đây giống như một hệ thống kết hợp cảnh báo chệch làn đường cùng phanh khẩn cấp tự động và cảnh báo va chạm trước. Trong khi hệ thống cảnh báo chệch làn đường sẽ báo hiệu cho người lái khi vô tình đi ra khỏi làn, hệ thống hỗ trợ giữ làn đường (LKA) sẽ trực tiếp can thiệp để giảm thiểu hoặc tránh khỏi việc chệch làn.

Trong khi hệ thống LKA về cơ bản chỉ đánh lái khi xe sắp chệch khỏi làn, nhiều nhà sản xuất xe đưa thêm tính năng giữ xe ở chính giữa làn.

Cũng giống hệ thống kiểm soát hành trình chủ động, người lái cần hiểu các hạn chế của các hệ thống LKA. Chúng dựa vào các camera để phát hiện vạch kẻ làn; vì vậy, nếu các vạch kẻ bị mờ, hệ thống sẽ mất hiệu lực hoặc không hoạt động được. Hệ thống LKA cũng không thể xử lú các đường cua nguy hiểm hoặc các khu vực xây dựng. Do đó, luôn cần sự chú ý và cảnh giác từ lái xe./.

Nguồn: Bảo Linh/VOV.VN

Các tin khác