Ô tô - Xe máy
Không có quy định xe hợp đồng điện tử phải gắn mào
Bộ GTVT vừa chính thức trình lên Chính phủ Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Nội dung dự thảo mới nhất này đã “gỡ” được nhiều vấn đề dư luận đang quan tâm.
Không có quy định xe hợp đồng điện tử phải gắn mào
Nếu như ở dự thảo lần 4 Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô được Bộ GTVT đưa ra hồi tháng 2/2018 vừa qua được báo chí phản ánh nội dung “xe hợp đồng điện tử phải có phù hiệu “XE TAXI” gắn trên kính xe, niêm yết đầy đủ các thông tin theo quy định, có hộp đèn với chữ "TAXI ĐIỆN TỬ" gắn cố định trên nóc xe” thì ở dự thảo mới nhất được Bộ GTVT trình lên Chính phủ ngày 31/7 vừa qua không nêu quy định này.
Ở Điều 7 của dự thảo mới nhất, ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng có phù hiệu “XE HỢP ĐỒNG”; phải niêm yết chữ “XE HỢP ĐỒNG” hoặc "XE HỢP ĐỒNG ĐIỆN TỬ"; niêm yết các thông tin trên xe theo quy định.
Trường hợp ô tô kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng sử dụng cả hợp đồng bằng văn bản giấy và hợp đồng vận tải điện tử thì niêm yết chữ "XE HỢP ĐỒNG ĐIỆN TỬ".
Tuy nhiên, quy định gắn hộp đèn với chữ "TAXI ĐIỆN TỬ" tiếp tục được áp dụng đối với xe taxi đang sử dụng các ứng dụng đặt xe điện tử.
Tờ trình của dự thảo nêu rõ: Bổ sung quy định xe taxi có hộp đèn với chữ "TAXI ĐIỆN TỬ" gắn cố định trên nóc xe theo quy định của Bộ trưởng Bộ GTVT tại Điều 6 về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi.
Ngoài ra, trên xe phải có thiết bị đã được cài đặt phần mềm kết nối để giao dịch với hành khách; đảm bảo cung cấp cho hành khách các nội dung tối thiểu gồm: thông tin về doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải (tên, địa chỉ, điện thoại, mã số thuế); thông tin về lái xe (họ và tên, hạng giấy phép lái xe, số giấy phép lái xe, số điện thoại); thông tin về xe (biển kiểm soát xe, nhãn hiệu và sức chứa của xe, năm sản xuất); điểm bắt đầu và điểm kết thúc chuyến đi; thời gian bắt đầu và kết thúc chuyến đi; hành trình; cự ly chuyến đi (km); thông tin về giá cước và số tiền hành khách phải trả (VND).
Tức là, các xe đang là xe taxi có thể gắn “mào” theo logo của hãng hoặc gắn thêm mào “TAXI ĐIỆN TỬ” theo quy định để người dân có thể gọi xe theo cách truyền thống (gọi trên đường, qua tổng đài) hoặc dùng các ứng dụng gọi xe khác.
Trả lời câu hỏi “Grab có phải doanh nghiệp vận tải?”
Đối với câu hỏi “Grab, Uber là doanh nghiệp vận tải hay doanh nghiệp công nghệ”, theo dự thảo Nghị định 86 mới đã có nội dung rất quan trọng đó là sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 3 khái niệm về kinh doanh vận tải bằng ô tô.
Nội dung này nêu rõ: “1. Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc thực hiện các công đoạn của hoạt động vận tải để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi. Trong đó, có công đoạn trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe để vận chuyển hành khách, hàng hóa; quyết định giá cước vận tải”.
Khái niệm này đã được đưa ra từ dự thảo trước đó tuy nhiên đã gặp nhiều ý kiến trái chiều. Bởi theo ý kiến một số chuyên gia cho rằng: định nghĩa tại Khoản 1 Điều 3 không phù hợp với quy định của Luật Giao thông đường bộ về kinh doanh vận tải bằng ô tô. Trong nền kinh tế hiện đại, các doanh nghiệp có xu hướng chuyên môn hóa, tập trung đầu tư vào một hoặc một số công đoạn trong chuỗi giá trị, tìm cách tối đa hóa hiệu quả kinh doanh.
Tuy nhiên, Ban soạn thảo Bộ GTVT tiếp tục giữ nguyên khái niệm này.
Đại diện Ban soạn thảo cho rằng, nội dung này, căn cứ thực tế thực hiện thí điểm và bản chất của hoạt động kinh doanh vận tải. Bởi 2 lý do: Một là, việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động vận tải là tất yếu và vì vậy cần định nghĩa cụ thể về hoạt động kinh doanh vận tải để rành mạch giữa các đơn vị vận tải, đơn vị cung cấp ứng dụng qua đó xác định rõ trách nhiệm của đơn vị kinh doanh vận tải.
Hai là, việc đưa ra định nghĩa về kinh doanh doanh vận tải nhằm mục đích phân định rõ ràng khi nào thì các chủ thể tham gia vào các quá trình vận tải phải được coi là đơn vị kinh doanh vận tải và phải chấp hành các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải. Quy định này cũng là cơ sở để xác định các đơn vị như Uber, Grab có phải là đơn vị kinh doanh vận tải hay là đơn vị công nghệ.
“Như vậy, với định nghĩa trên thì các đơn vị như Uber, Grab nếu sử dụng phần mềm để phục vụ chung cho các đơn vị kinh doanh vận tải, thực hiện điều hành các phương tiện kinh doanh vận tải để vận chuyển hành khách (quyết định phương tiện nào sẽ thực hiện đón khách), quyết định giá cước vận tải thì phải là đơn vị kinh doanh vận tải. Trường hợp các đơn vị phần mềm này bán hoặc cung cấp dịch vụ ứng dụng phần mềm cho các đơn vị kinh doanh vận tải, các đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng phần mềm để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, điều hành phương tiện của mình để đón trả khách, quyết định giá cước thì khi đó các đơn vị phần mềm là các đơn vị cung ứng dịch vụ công nghệ”, đại diện Ban soạn thảo cho hay.
Nguồn: Phan Trang/Chinhphu.vn