Nỗ lực cải thiện chất lượng ô tô lắp ráp vì người tiêu dùng trong nước của Chính phủ đang vấp phải sự phản ứng từ chính những đối tượng nhận được sự ưu đãi.
Vấn đề đầu tư được cho là nguyên nhân khiến một số liên doanh ô tô phản đối các ưu đãi từ Chính phủ Việt Nam? - Ảnh minh họa |
Ngay sau khi Nghị định 116/2017/NĐ-CP quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành bảo dưỡng ôtô được Thủ tướng ký ban hành, Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) - đối tượng được hưởng nhiều ưu đãi theo Nghị định - đã liên tục gửi kiến nghị khẩn thiết, phản đối những ưu đãi từ Chính phủ Việt Nam.
Thể hiện trong đơn kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, VAMA cho rằng hoạt động kinh doanh của các thành viên sẽ bị ảnh hưởng mạnh bởi các quy định mới, nhằm hạn chế ô tô nhập khẩu để thúc đẩy sản xuất trong nước, một chính sách được đánh giá có lợi cho các liên doanh ô tô đang hoạt động ở Việt Nam.
Cụ thể, VAMA cho rằng việc cung cấp giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu nguyên chiếc là vấn đề nghiêm trọng với các thành viên Hiệp hội. Bên cạnh đó, VAMA cũng phản đối giải pháp được cho là rào cản hạn chế xe nhập khẩu vào Việt Nam từ năm 2018, vốn là mặt hàng cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm do Hiệp hội này sản xuất.
Không chỉ phản ứng với nỗ lực hạn chế xe nhập khẩu của Chính phủ, VAMA còn kêu khó với yêu cầu về chiều dài đường thử với chiều dài tối thiểu 800 m và tối thiểu 400 m đường thẳng, một quy định mới với mục tiêu gia tăng tiêu chí đánh giá chất lượng xe sản xuất tại Việt Nam và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Trong bối cảnh giá xe lắp ráp trong nước đang giảm mạnh sau nỗ lực đầu tư và tăng tỉ lệ nội địa hóa sản phẩm của một vài doanh nghiệp ô tô trong nước, việc VAMA phản đối chính những ưu đãi được hưởng lại là điều khá khó hiểu.
Lý giải hành động phản đối của VAMA, Tổng Giám đốc (CEO) một doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối xe hơi hạng sang tại Việt Nam (xin được giấu tên) nhận định, không ít liên doanh ô tô đang có xu hướng bỏ lắp ráp để chuyển sang nhập khẩu nhằm tận dụng việc thuế suất thuế nhập khẩu ô tô từ các nước Đông Nam Á giảm về 0% từ năm 2018.
Để được hưởng các chính sách ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt hay thuế nhập linh kiện, các nhà sản xuất buộc phải mạnh tay đầu tư, tăng tỷ lệ nội địa hóa, giảm giá thành sản phẩm để tăng sản lượng. Một khi các nhà sản xuất ô tô phản đối các ưu đãi thúc đẩy lắp ráp và sản xuất trong nước, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam và người tiêu dùng sẽ trở thành đối tượng chịu thiệt thòi nhất, vị CEO nhận định.