Giấc mơ sở hữu xe đúng giá trị của người Việt đang hiện hữu, nhưng có thể sẽ sớm kết thúc nếu chính sách hỗ trợ sản xuất lắp ráp không đủ giúp doanh nghiệp cạnh tranh được với xe nhập khẩu.
Người tiêu dùng bước đầu được hưởng thành quả từ những doanh nghiệp sản xuất ô tô nội địa - Ảnh minh hoạ |
Hơn 20 năm hình thành và xây dựng, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam từng nhiều lần gây tranh cãi do phát triển không tương xứng với những chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Tuy nhiên, trước thời điểm thuế nhập khẩu ô tô dưới 9 chỗ trong nội khối ASEAN về mức 0% từ tháng 1/2018, theo cam kết của Hiệp định thương mại AFTA, các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô ở Việt Nam đã phần nào chứng minh được sự "ưu ái" của Chính phủ là có cơ sở.
Từ đầu năm 2017, các nhà sản xuất lắp ráp đã đồng loạt giảm giá bán sản phẩm và xu hướng này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Không khó để nhận ra, mức điều chỉnh giảm giá của các doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào tỉ lệ nội địa hoá trên từng dòng sản phẩm, chứ không bị ảnh hưởng bởi chính sách điều tiết thị trường như từng xảy ra trước đây.
Ở thời điểm ô tô chưa trở thành mặt hàng kinh doanh có điều kiện và được quy định bằng luật, thị trường ô tô Việt Nam đã trải qua một thời gian dài bị chi phối và quản lý bằng những văn bản của các cơ quan bộ ngành. Do vậy, một thay đổi nhỏ cũng có thể khiến thị trường và môi trường kinh doanh ô tô ở Việt Nam xáo trộn và không tạo được động lực cho các nhà sản xuất đẩy mạnh đầu tư.
Trước khi Thông tư 20 quy định về điều kiện ô tô nhập khẩu từ 9 chỗ ngồi trở xuống (Thông tư số 20/2011/TT-BCT) do Bộ Công thương ban hành và có hiệu lực hồi giữa năm 2011, thị trường ô tô Việt Nam gần như không có rào cản và đối tượng nào cũng có thể kinh doanh mặt hàng này. Trong khi đó, ô tô lại được xếp vào sản phẩm nhóm 2, có ảnh hưởng đến tính mạng con người, phải được quản lý chặt chẽ bằng những chế tài cụ thể.
Thông tư 20 với sứ mệnh giúp Chính phủ hạn chế nhập siêu và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhưng thành quả lớn nhất mang lại chính là tạo được không gian để những doanh nghiệp đầu tư nghiêm túc có cơ hội phát triển, làm nền tảng thúc đẩy cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Thực tế ghi nhận, Thaco Trường Hải và Hyundai Thành Công, hai doanh nghiệp ô tô trong nước đã liên tục đẩy mạnh đầu tư và không chỉ đang thể hiện vai trò trụ cột trong ngành công nghiệp ô tô, mà còn trở thành chất xúc tác để các liên doanh ô tô đang hoạt động tại Việt Nam phải chú trọng hơn vào sản xuất. Nhưng trên hết, người tiêu dùng trong nước đã bắt đầu được hưởng thành quả khi có thêm cơ hội sở hữu xe giá thành thấp và sử dụng mạng lưới cơ sở bảo hành bảo dưỡng trên khắp toàn quốc.
Nghị định Quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô có thể sẽ được Chính phủ phê duyệt và có hiệu lực trong năm nay. Tương tự như những lần thay đổi trước, các doanh nghiệp sản xuất có thể sẽ phải thêm một lần điều chỉnh phương hướng hoạt động.
Việc luật hoá ngành nghề sản xuất kinh doanh ô tô là điều tất yếu, đặc biệt trong bối cảnh các nhà sản xuất trong nước chuẩn bị bước vào giai đoạn cạnh tranh mang tính tồn vong với xe nhập khẩu nguyên chiếc từ nước ngoài.
Để tồn tại, các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp buộc phải mạnh tay đầu tư hơn, tối ưu mọi nguồn lực và giảm giá sâu mà chưa biết có trụ vững trước các đối thủ xe nhập, vốn không phải đầu tư thêm mà vẫn duy trì mức lãi lớn do chi phí sản xuất ô tô ở Việt Nam hiện cao hơn khoảng 20% so với các nước khác trong khu vực, và ngành công nghiệp phụ trợ chưa đủ đáp ứng cho các nhà sản xuất.
Trong khi đó, các quy định đối với mảng kinh doanh xe nhập khẩu nêu trong dự thảo Nghị định lại khá dễ dàng, như chỉ cần sở hữu một cơ sở bảo hành bảo dưỡng, việc triệu hồi sản phẩm không gắn với nhà sản xuất mà chỉ cần cam kết giữa doanh nghiệp và Bộ Công thương và thiếu chế tài xử lý khi doanh nghiệp không thực hiện đầy đủ trách nhiệm với người tiêu dùng,…
Điều kiện kinh doanh dễ dàng, cùng nguồn lợi từ mảng nhập khẩu có thể sẽ khiến các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp chuyển sang kinh doanh xe nhập khẩu nguyên chiếc. Và khi đó, không chỉ ngành công nghiệp ô tô Việt Nam mất cơ hội phát triển, mà thị trường ô tô trong nước cũng hoàn toàn bị chi phối bởi các doanh nghiệp nước ngoài.
Giấc mơ sở hữu ô tô đúng giá trị và xây dựng một ngành công nghiệp bền vững phụ phụ thuộc rất nhiều vào sự quyết liệt, sự ủng hộ, quan tâm của Chính phủ trong việc thiết lập môi trường kinh doanh lành mạnh.
Một khi các doanh nghiệp sản xuất có thêm không gian phát triển trước sự “xâm lấn” của xe nhập khẩu, xu hướng giá thành sản phẩm giảm, yếu tố tiên quyết để tăng quy mô thị trường, thúc đẩy sản xuất,… sẽ không có lý do để dừng lại. Và chỉ như vậy mới có thể đảm bảo được lợi ích quốc gia và bảo vệ người tiêu dùng tuyệt đối, cũng như góp phần làm gia tăng số lượng nhân công phục vụ cho ngành, không chỉ dừng lại con số 15 vạn như hiện nay.