Ô tô - Xe máy
Ô tô đã đắt còn lo gánh thêm thuế
Thuế, phí cao khiến giá ô tô Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực.
Năm 2018, thuế nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN giảm về 0% nhưng giá ô tô khó giảm vì các loại thuế, phí có thể sẽ tiếp tục được điều chỉnh theo xu hướng tăng lên so với hiện hành.
Lo thuế, phí tiếp tục tăng
Mới đây, người tiêu dùng và giới kinh doanh ô tô như “ngồi trên đống lửa” khi có thông tin lệ phí trước bạ sẽ tăng tới 50% theo dự thảo nghị định sửa đổi về lệ phí trước bạ do Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến.
Trước phản ứng của dư luận rằng mức phí tăng như trên là quá cao và sẽ đẩy giá ô tô tăng thêm cả tỉ đồng, Bộ Tài chính đã có thông báo “đính chính”: Thông tin lệ phí trước bạ ô tô tăng 50% giá trị xe là chưa chính xác.
Bộ Tài chính giải thích: Theo quy định hiện hành (Nghị định 140/2016), ô tô chở người dưới chín chỗ hiện chịu lệ phí trước bạ lần đầu là 10%. Trường hợp cần áp dụng mức thu cao hơn cho phù hợp với điều kiện thực tế tại từng địa phương thì HĐND tỉnh, TP trực thuộc trung ương quyết định điều chỉnh tăng nhưng tối đa không quá 50% mức quy định chung, tức là mức thu không quá 15%.
Dù Bộ Tài chính đã kịp thời trấn an nhưng giới kinh doanh ô tô vẫn lo lắng. Đại diện một hãng ô tô phân tích: Dù lệ phí trước bạ không tăng tới 50% giá trị xe nhưng không loại trừ khả năng có thể sẽ tăng 5%-6%. Với một chiếc xe giá khoảng 1 tỉ đồng, phí trước bạ hiện tại mà người tiêu dùng tại TP.HCM phải đóng là 10%, tương đương 100 triệu đồng. Nếu mức lệ phí này tăng lên 15% thì người tiêu dùng phải đóng khoản lệ phí trước bạ lên tới 150 triệu đồng. Giá trị chiếc xe càng lớn thì lệ phí trước bạ phải đóng thêm càng nhiều, có thể lên tới hàng trăm triệu đồng.
Chưa hết, ông Lê Duy Minh, đại diện một công ty kinh doanh ô tô nhập khẩu, cho rằng dòng xe bán tải đang chịu thuế suất ưu đãi 5% và sẽ được hưởng thuế nhập khẩu còn 0% vào năm 2018 vì dòng xe này có tỉ lệ nội địa hóa ASEAN rất cao. Thế nhưng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, đánh giá lại mức thuế tiêu thụ đặc biệt, lệ phí trước bạ… đối với ô tô bán tải.
“Hiện tại mỗi chiếc ô tô đã phải gánh rất nhiều loại thuế, phí với mức rất cao. Nếu tới đây lại tiếp tục tăng nữa thì giấc mơ mua ô tô giá rẻ của người Việt ngày càng xa” - anh Bảo Trung, nhà ở quận Bình Tân, TP.HCM, bức xúc.
Hàng năm Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 2-3,5 tỉ USD các linh kiện, phụ tùng ô tô. |
Cao gấp đôi Thái Lan
Trong báo cáo mới nhất về tình hình công nghiệp ô tô, Bộ Công Thương thừa nhận giá bán ô tô tại Việt Nam vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực. Ví dụ, mức giá ô tô tại Việt Nam cao hơn gần hai lần so với Thái Lan và Indonesia. Con số này còn lớn hơn nếu so với các nước có ngành công nghiệp ô tô đã phát triển ổn định như Mỹ và Nhật Bản.
“Nguyên nhân lớn nhất khiến giá ô tô ở mức cao là do thuế và phí của nước ta cao, đồng thời sản lượng tích lũy trong nước thấp - các doanh nghiệp đang sản xuất dưới rất xa so với công suất thiết kế. Chất lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn không bằng xe nhập khẩu” - Bộ Công Thương giải thích.
Để tạo điều kiện phát triển công nghiệp ô tô trong nước, Bộ Công Thương cho hay đang nghiên cứu áp dụng biện pháp tự vệ thương mại khi ô tô nguyên chiếc nhập khẩu gia tăng đột biến và ảnh hưởng đáng kể đến sản xuất trong nước… Như vậy, không loại trừ khả năng tới đây thuế, phí với nhiều dòng xe sẽ tăng lên.
Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco), nhận định quy luật phát triển ngành công nghiệp ô tô trên thế giới từ trước đến nay là bảo vệ thị trường một cách hợp lý để được chuyển giao công nghệ. Bắt đầu từ lắp ráp để qua đó phát triển công nghiệp phụ trợ, sản xuất linh kiện, phụ tùng, gia tăng tỉ lệ nội địa hóa cho sản phẩm ô tô.
“Để tồn tại và phát triển, bản thân các công ty ô tô trong nước cũng phải tăng sức cạnh tranh, hạ giá thành. Riêng chúng tôi đặt mục tiêu giảm 5% giá thành mỗi năm, tăng tỉ lệ nội địa hóa lên” - ông Dương chia sẻ.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), cho rằng không thể ngăn cản xu hướng xe nhập khẩu tràn vào Việt Nam với giá ngày càng rẻ hơn khi mở cửa hội nhập, tháo dỡ hàng rào thuế quan. “Năm tới, xe nhập khẩu từ ASEAN ngày càng rẻ sẽ tạo áp lực lên các dòng xe sản xuất, lắp ráp trong nước lẫn xe nhập khẩu từ các thị trường khác phải giảm theo. Khi đó người tiêu dùng có thêm quyền lựa chọn, hưởng lợi nhiều hơn”.
Nhiều ý kiến khác cũng nhận định giá xe nhập khẩu nguyên chiếc chắc chắn sẽ giảm và thấp hơn giá xe lắp ráp trong nước vào năm tới khi thuế về 0%. Tuy nhiên, giá xe có giảm hay không và giảm bao nhiêu còn phụ thuộc vào Nhà nước có tăng thuế môi trường, thuế xăng dầu, thuế tiêu thụ đặc biệt, phí cầu đường, lệ phí trước bạ… để bù đắp thiếu hụt ngân sách hay không.
Nội địa hóa thất bại
Bộ Công Thương thừa nhận ngành công nghiệp ô tô Việt đã thất bại trong việc nâng tỉ lệ nội địa hóa xe dưới chín chỗ. Mục tiêu đề ra là 40% vào năm 2005, 60% vào năm 2010, tuy nhiên đến nay mới đạt bình quân khoảng 7%-10%.
Không chỉ vậy, các sản phẩm đã được nội địa hóa mang hàm lượng công nghệ rất thấp như vỏ, ruột, ghế ngồi, gương, kính, bộ dây điện, ắcquy, sản phẩm nhựa... Hằng năm các doanh nghiệp phải nhập khẩu khoảng 2-3,5 tỉ USD các linh kiện, phụ tùng phục vụ cho sản xuất, lắp ráp và sửa chữa xe.
“Tỉ lệ nội địa hóa của các nước trong khu vực trung bình đã đạt được 65%-70%, Thái Lan đạt tới 80%. Như vậy, nếu các nhà sản xuất ô tô trong nước không sớm có giải pháp hữu hiệu nâng cao tỉ lệ nội địa hóa, chắc chắn sẽ khó lòng cạnh tranh với thị trường khu vực khi khu vực thương mại tự do ASEAN-AFTA có hiệu lực” - Bộ Công Thương cảnh báo.
Ngành sản xuất, lắp ráp ô tô của Việt Nam vẫn chưa đạt chuẩn thực sự. Phần lớn công đoạn mới ở mức độ lắp ráp đơn giản. Dây chuyền sản xuất chủ yếu chỉ gồm bốn công đoạn chính là hàn, sơn, lắp ráp, kiểm tra.
Nguồn: Pháp luật TP.HCM