Ô tô - Xe máy

Ngăn chặn ô tô chất lượng kém nhập vào Việt Nam

08:29, 18/03/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Trước làn sóng nhập khẩu ô tô gia tăng đột biến gần đây, Chính phủ yêu cầu tăng cường quản lý, bảo đảm không để xe chất lượng kém nhập vào Việt Nam.

Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt yêu cầu của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về phát triển ngành công nghiệp, thị trường ô tô giai đoạn tới. Trong đó có yêu cầu ngăn chặn ô tô chất lượng kém được nhập vào Việt Nam.

Chính phủ yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường quản lý, bảo đảm không để xe có chất lượng kém nhập khẩu vào Việt Nam (Ảnh minh hoạ)
Chính phủ yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường quản lý, bảo đảm không để xe có chất lượng kém nhập khẩu vào Việt Nam (Ảnh minh hoạ)

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan thành lập tổ công tác liên ngành đánh giá toàn diện thị trường ô tô Việt Nam trong mối tương quan với thị trường khu vực và thế giới.

Trong đó, tập trung vào đánh giá cơ hội và khó khăn, thách thức đối với ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp xe ô tô Việt Nam từ thời điểm năm 2018 trở đi (đặc biệt là khi thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ATIGA giảm về 0% đối với xe ô tô nguyên chiếc).

Đồng thời, các cơ quan chức năng cần dự báo cung cầu ô tô trong nước và khu vực, đánh giá năng lực thực tế, tiềm năng phát triển sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước và khả năng thích ứng của các doanh nghiệp trong nước với môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt khi Việt Nam tiếp tục mở cửa thị trường và thực hiện giảm thuế nhập khẩu đối với xe ô tô nguyên chiếc theo các cam kết quốc tế.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu các cơ quan quản lý nghiên cứu khả năng áp dụng biện pháp tự vệ thương mại khi ô tô nguyên chiếc nhập khẩu gia tăng đột biến và ảnh hưởng đáng kể đến sản xuất trong nước...

Nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp với cơ quan liên quan tăng cường quản lý chặt chẽ trị giá tính thuế, xuất xứ xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu (nhất là việc đáp ứng các tiêu chí xuất xứ của ASEAN) nhằm bảo đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật về thuế, chống gian lận thương mại và cam kết quốc tế.

Thêm nữa, Bộ Tài chính nghiên cứu đánh giá lại mức thuế tiêu thụ đặc biệt, lệ phí trước bạ đối với xe ô tô bán tải để đề xuất báo cáo Chính phủ và Quốc hội kịp thời bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp thực tế và mục đích sử dụng của loại xe này.

Bộ Tài chính cần báo cáo Chính phủ xem xét sửa đổi thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi MFN đối với linh kiện, phụ tùng ô tô phù hợp với định hướng của Chính phủ về khuyến khích phát triển sản xuất các linh kiện, phụ tùng ô tô quan trọng mà trong nước có thể sản xuất được, có tính đến mối tương quan với việc giảm thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc theo cam kết quốc tế; rà soát các chính sách thuế đối với xe ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu để kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, không để lợi dụng, gian lận thương mại.

Trước làm sóng ôtô ngoại ồ ạt được nhập về trong hai tháng qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ Công thương, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ xây dựng các hàng rào kỹ thuật phù hợp quy định của pháp luật và cam kết quốc tế để tăng cường quản lý đối với xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu, bảo đảm không để xe ô tô có chất lượng kém được nhập khẩu vào Việt Nam.

Đồng thời, đơn giản hóa các thủ tục kiểm định xe ôtô đưa vào lưu thông, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe ô tô, đồng thời bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng.

Theo Tổng cục Hải quan, hai tháng đầu năm 2017, lượng xe hơi nhập khẩu nguyên chiếc về Việt Nam tăng đột biến so với cùng kỳ 2016. Cụ thể, đã có hơn 15.270 xe nguyên chiếc được nhập về trong 2 tháng qua, tăng hơn 4.000 chiếc so với cùng kỳ.

Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ là những thị trường nhập khẩu nhiều nhất.

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội đồng tình với quan điểm bảo vệ sản xuất nội địa nhưng theo ông Liên, bảo vệ phải phải phù hợp với nguyên tắc của hội nhập kinh tế quốc tế.

“Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại, theo lộ trình phải thực hiện”, ông Bùi Danh Liên nói.

Cũng theo ông Bùi Danh Liên, nếu hạn chế ô tô nhập khẩu, người dân có thể phải mua ô tô lắp ráp với giá đắt đỏ hơn.

“Phải nhìn hai mặt, về chiến lược lâu dài, chúng ta có thể áp dụng biện pháp phòng vệ nhưng nên có biện pháp vừa không ảnh hưởng đến hội nhập kinh tế quốc tế, vừa bảo vệ quyền lợi xã hội, cộng đồng một cách lâu dài”, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội nói.

Nguồn: vtv.vn

Các tin khác