Những sai lầm mà tay lái mới thường mắc phải là: quên không bật gương, nhầm chân ga chân phanh, không xác định được phương hướng khi lùi...
Việc thay đổi phương tiện từ xe máy lên ôtô với nhiều người Việt Nam là một bước ngoặt lớn, vì thế cũng dễ thấy sai lầm mà người mới dùng ô tô hay mắc phải.
Với lái mới, bước qua cánh cửa ôtô, ngồi vào ghế lái, nắm lấy vô-lăng, dường như đã là một thế giới khác. Không còn không gian thoáng đãng như khi đi xe máy, không phải muốn quay đầu nhìn là quay được nữa.
Cũng bởi thế, lái mới cần mất một thời gian dài để làm quen, để rút kinh nghiệm trước khi thành "lái cứng".
Dưới đây là những lỗi mà lái mới hay mắc, theo những tài xế lâu năm và ý kiến đóng góp thực tế của những lái mới.
Các tay lái mới thường hay nhầm chân ga thành chân phanh (Ảnh minh họa: KT) |
Quên không bật gương, hạ phanh tay
Vì chưa hình thành thói quen, phần khác vì quá tập trung vào việc "làm cho xe chạy", mà tài mới quên không thực hiện những động tác trước tiên, cơ bản khi ngồi vào ghế lái như bật gương, hạ phanh tay. Nhiều trường hợp chỉ phát hiện ra việc này tới khi người đi đường nhắc.
Để không quên, tài mới nên học cách lưu ý tất cả những điểm này trước khi cắm chìa khóa vào ổ. Bật gương, cắm chìa khóa, vào số, hạ phanh tay rồi mới bắt đầu di chuyển.
Không xác định được phương hướng khi lùi
Hay mắc lỗi nhất là lùi xe để ghép song song vào chỗ đỗ. Chỉ cần đánh một vòng lái, xe nằm chéo theo góc vào đỗ, là tài mới đã bắt đầu loạn, vì khi nhìn qua gương không biết xe đang ở vị trí nào, còn cách tường, cách xe khác bao xa.
Để khắc phục lỗi này, không còn cách nào khác là phải tập luyện, sử dụng những kỹ năng chia sẻ về cách đỗ xe song song trên mạng để làm quen.
Ác mộng khi quay đầu trong phố hẹp
Quay đầu trong phố hẹp là ác mộng với tất cả các tài mới, đặc biệt là khi lái xe số sàn, bởi phải mất nhiều đỏ, không dám nhích chân ga, chân côn vì dòng xe cộ liên tục, sợ quá chân là đâm vào người khác, toát mồ hôi hột.
Để quay đầu tốt trong phố hẹp, tài mới nên chủ động, nhích xe từng chút một chứ không chờ đợi, bởi dòng xe cộ trong phố hẹp sẵn sàng len lỏi bất cứ khi nào có khoảng trống. Chú ý luôn quan sát các gương, không chỉ ở hướng cần tới mà cả hướng đối diện.
Nhầm chân ga chân phanh
Trong những tình huống bất ngờ, thay vì đạp chân phanh, tài xế lại đạp chân ga. Thậm chí nhiều tài xế đang trong tình huống bình thường, chạy chậm để dừng lại, nhưng vẫn đạp nhầm chân.
Để không nhầm, nên học thói quen để chân chữ V, giữ gót chân nghiêng về bên chân phanh, chỉ xoay gót để dùng mũi nhích chân ga. Bất cứ khi nào không ga, phải chuyển ngay sang đặt hờ ở chân phanh, khi đó nếu có bất ngờ thì phản xạ cũng là đạp thẳng, không bị nhầm.
Hay nhìn đồng hồ khi đi cao tốc
Bảng đồng hồ phía trước mặt vẫn chưa thực sự quen thuộc với tài mới, chỉ cần có một vài dấu hiệu lạ bật sáng, cũng khiến tài mới chú tâm quan sát. Đặc biệt, khi đi trên đường cao tốc, do chưa quen cảm giác tốc độ và chân ga, nên thường xuyên liếc mắt nhìn đồng hồ, sợ vượt quá tốc độ.
Để hạn chế việc này, lái mới nên chạy ở làn trong với tốc độ dưới khoảng 10 km/h so với tốc độ giới hạn tối đa, như thế sẽ yên tâm, không sợ quá chân, tập trung quan sát đường thay vì phân tâm vào bảng đồng hồ.
Không biết khi nào cần thay dầu
Nhiều người cho rằng phải thay dầu máy ở 1.000 km đầu tiên vì sợ "mạt" kim loại sót lại trong quá trình gia công động cơ. Tuy nhiên, thực tế công nghệ chế tạo động cơ ngày càng chính xác, thậm chí các loại gioăng đang dần biến mất mà thay vào đó là keo bịt hoặc là không gì cả. Do vậy theo khuyến cáo của nhà sản xuất, xe máy xăng nên thay dầu ở 6.000km, và máy dầu là 5.000km.
Chạy rốt đa xe mới
Xuất phát từ quá khứ dùng xe máy công nghệ cũ, nhiều chủ xe băn khoăn về việc chạy rốt-đa (chạy rà) xe ôtô mới của mình như thế nào. Thực thế thì công nghệ chế tạo xe hơi ngày nay không cần phải chạy rốt-đa mà nhiều hãng xe chỉ khuyến cáo chạy ở 80% tải và tốc độ tối đa của xe cho 1.000 km đầu tiên.
Rửa khoang động cơ theo cách thông thường
Các loại xe hơi ngày nay áp dụng công nghệ điện tử khá nhiều cho việc điều khiển động cơ và các loại thiết bị phụ trợ, do vậy việc có nước ở khoang động cơ dễ dẫn đến nguy cơ gây ra những hỏng hóc cho các thiết bị điện tử nói trên. Vì vậy, chỉ nên rửa bằng các công cụ chuyên nghiệp và tuyệt đối không dùng nước.
Bơm lốp ôtô như xe máy
Nhiều người vẫn nghĩ xe máy nặng có hơn 100 kg mà còn phải bơm 3~4 kg/cm2 thì ôtô nặng cả tấn ít nhất cũng phải bơm bằng xe máy. Sự thực thì các nhà sản xuất xe khuyến cáo áp suất lốp xe chỉ cần 2 ~ 2,5 kg/cm2 là đủ, dừa bền lốp vừa chạy êm.
Lái xe mới nên rút kinh nghiệm sau mỗi sai lầm để tránh các tai nạn đáng tiếc (Ảnh minh họa: KT) |
Tắt điều hòa trước khi tắt máy và bật lại sau nổ máy
Việc làm này chỉ đúng đối với các loại xe đời “cũ” hoặc xe có hệ thống điều hòa được "chế" bởi thợ không chuyên nghiệp. Kinh nghiệm này được truyền miệng từ các “tài già” và đến nay vẫn được phổ biến. Thực tế, hệ thống điều hoà trên ôtô ngày nay sẽ không làm việc trong quá trình khởi động và sẽ chỉ làm việc sau khi máy đã khởi động được vài giây.
Đổ nhầm nhiên liệu
Dựa theo khả năng cháy và tự cháy của hai loại nhiên liệu này và dựa trên thực tế chứng minh, nếu xe máy dầu đổ nhầm xăng, lỡ chạy vài chục km thì chỉ cần thay nhiên liệu đi là lại ổn định. Với xe máy xăng đổ nhầm dầu, nếu không phát hiện sớm thì có thể "đi" nguyên cả động cơ và nhiều thiết bị phụ trợ khác.
Sử dụng tai nghe để sử dụng điện thoại thay vì dùng tay
Nhiều người cho rằng lái xe ô tô mà sử dụng điện thoại là rất nguy hiểm điều này là hoàn toàn chính xác. Nhưng một số tài xế lại nghĩ ra cách sử dụng tai phôn đeo vào tai để gọi điện thì 2 tay sẽ có thể lái xe an toàn. Điều này chỉ tốt hơn việc nghe điện thoại bằng tay hơn 1 xíu vì bạn có 2 tay để lái nhưng nguy hiểm mang lại vẫn như nhau. Vì khi nghe điện thoại trong thời gian lâu bạn sẽ bị mất tập trung và không thể phán đoán tình huống nguy hiểm.
Không khóa trái cửa xe khi đang lái xe
Nhiều người lo lắng rằng nếu khóa trái cửa lại rồi không may xảy ra sự cố gì thì người khác có thể dễ dàng mở của xe từ bên ngoài và cứu họ ra khỏi xe nhanh chóng. Điều này rất hợp lý nhưng nếu không khóa trái cửa lại khi lái xe thì nguy cơ bạn bị tai nạn do văng ra khỏi xe hoặc cửa xe bật ra va đập vào người khác gây tai nạn lại càng cao hơn. Bạn đang lái xe thì xác xuất rất ít xảy ra với bạn, nhưng những người khác ngồi trên xe chỉ có thể tựa vào cánh của để ngủ hoặc ai đó lỡ tay gạt chốt cửa nhất là trẻ nhỏ thì rõ ràng tai nạn ập đến luôn./.