Ô tô - Xe máy

Chi tiết thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô từ 1/7

09:58, 01/07/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN
Biểu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ôtô thuộc Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đã được sửa đổi, bổ sung và thông qua cách đây mấy tháng, sẽ có hiệu lực kể từ hôm nay (1/7).

Theo đó, quy định sửa đổi thuế suất TTĐB đối với mặt hàng ôtô vẫn giữ nguyên tắc áp mức thuế suất phân biệt theo loại xe với các tiêu chí: mức tiêu hao nhiên liệu qua dung tích xi lanh (cm3); số chỗ ngồi gắn với mục đích sử dụng xe; loại nhiên liệu sử dụng có tác động ảnh hưởng đến môi trường.

Tuy nhiên trong lần sửa đổi này, Luật TTĐB có thực hiện phân loại chi tiết hơn mức tiêu hao nhiên liệu qua chỉ số dung tích xi lanh và có quy định cụ thể lộ trình áp dụng cho 2 giai đoạn trước và sau năm 2018.

Các mức điều chỉnh cụ thể như sau:

Theo bảng trên, đối với loại xe ôtô dưới 24 chỗ ngồi có 14 mức thuế suất TTĐB từ 5% - 150%. Cụ thể như sau:

Xe ô tô chở người từ 9 chỗ trở xuống, loại có dung tích xi lanh từ 1.500 cm3 (1.5 lít) trở xuống có thuế suất TTĐB 40% áp dụng từ ngày 1/7/2016 – 31/12/2017 và 35% áp dụng kể từ ngày 1/1/2018. Còn loại có dung tích xi lanh trên 1.500 cm3 đến 2.000 cm3 có mức thuế TTĐB 45% áp dụng từ ngày 1/7/2016 – 31/12/2017 và 40% áp dụng kể từ ngày 1/1/2018. Như thế là đã giảm từ 5% - 15% so với quy định hiện hành.

Cùng loại xe ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống nhưng có dung tích xi lanh lớn hơn như trên lại có mức thuế suất TTĐB cao hơn so với quy định hiện hành. Với loại có dung tích xi lanh trên 2.000 cm3 đến 2.500 cm3 có mức thuế TTĐB 50%. Với loại có dung tích xi lanh trên 2.500 cm3 đến 3.000 cm3 có mức thuế TTĐB 55% áp dụng từ ngày 2/7/2016 đến hết ngày 31/12/2017 và 60% kể từ ngày 1/1/2018. Loại có dung tích xi lanh trên 3.000 cm3 đến 4.000 cm3 có mức thuế TTĐB 90%, loại có dung tích trên 4.000 cm3 đến 5.000 cm3 có mức thuế TTĐB 110%, loại có dung tích xi lanh trên 5.000 cm3 đến 6.000 cm3 có mức thuế TTĐB 130% và cao nhất là loại có dung tích xi lanh trên 6.000 cm3 có mức thuế TTĐB 150%.

Với xe ô tô chở người từ 10 đến dưới 16 chỗ có mức thuế TTĐB là 15%, loại chở người từ 16 đến dưới 24 chỗ có thuế TTĐB là 10%. Xe ô tô vừa chở người, vừa chở hàng có dung tích xi lanh từ 2.500 cm3 trở xuống có thuế TTĐB là 15%, loại có dung tích xi lanh trên 2.500 cm3 đến 3.000 cm3 có mức thuế TTĐB 20% và loại có dung tích xi lanh trên 3.000 cm3 có mức thuế TTĐB 25%.

Trong khi các ô tô chạy bằng năng lượng sạch như năng lượng điện, năng lượng sinh học được ưu đãi về thuế TTĐB hơn.

Trong đó loại ô tô chạy bằng xăng kết hợp năng lượng điện, năng lượng sinh học, có tỷ trọng xăng sử dụng không quá 70% số năng lượng sử dụng được áp thuế suất TTĐB bằng 70% mức thuế suất áp dụng cho xe ô tô cùng loại dưới 24 chỗ ngồi.

Xe ô tô chạy bằng năng lượng sinh học có thuế TTĐB bằng 50% mức thuế suất áp dụng cho xe cùng loại. Xe ô tô chạy bằng điện loại chở người từ 9 chỗ trở xuống có thuế TTĐB 15%, loại chở người từ 10% đến dưới 16 chỗ có mức thuế 10%, loại chở người từ 16 đến dưới 24 chỗ có mức thuế TTĐB thấp nhất với 5%, và loại thiết kế vừa chở người, vừa chở hàng có mức thuế 10%.

Riêng đối với loại mô-tô-hôm (motorhome) không phân biệt dung tích xi lanh có mức thuế TTĐB 70% từ ngày 1/7/2016 đến hết ngày 31/12/2017 và 75% từ ngày 1/1/2018.

Như vậy, với biểu thuế suất TTĐB mới kể từ ngày 1/7, các dòng xe ô tô có dung tích nhỏ dưới 1.5 lít được nhập khẩu về Việt Nam có khả năng giảm giá và có thể tạo ra cơ hội cho nhiều người có mức thu nhập không cao mua được xe. Trong khi đó, phân khúc xe hơi có dung tích lớn lại đội giá lên rất cao so với hiện tại, có thể khiến không ít khách hàng có điều kiện thấy tiếc và các nhà phân phối xe sang cũng thấy “lo” bởi dòng xe này vốn đã kén túi tiền khách hàng thì nay lại càng “kén” hơn.

Thông tin trên báo Dân trí, theo số liệu của Tổng cục Thống Kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư); Tổng cục Hải Quan (Bộ Tài Chính), số liệu nhập khẩu xe hơi từ các thị trường như Thái Lan, Ấn Độ và Hàn Quốc trong tháng 4 và tháng 5/2016 vào Việt Nam tăng mạnh.

Riêng ô tô nhập từ Thái tăng mạnh nhất, cụ thể trong tháng 4/2016, đã có 2.355 ôtô nguyên chiếc được nhập khẩu về Việt Nam, giá trị kim ngạch 41,5 triệu USD; 4 tháng năm 2016 là 10.155 chiếc, đạt giá trị kim ngạch gần 183 triệu USD. Trong tháng 5/2016 xu hướng nhập xe Thái vẫn tăng mạnh, ước đạt 12.000 xe, tương đương 195 triệu USD.

Đáng chú ý, theo Tổng cục Hải Quan, các dòng xe Thái Lan nhập vào Việt Nam chủ yếu là dòng bán tải của các thương hiệu Nhật, Hàn, trong số 10.155 xe của 2016 có tới 7.700 xe loại này, chiếm 76%. Các dòng xe nhỏ của Ấn Độ cũng xâm nhập vào Việt Nam ngày càng mạnh mẽ, chiếm lĩnh phân khúc xe hơi rẻ tại Việt Nam.

Theo nhiều doanh nghiệp, chuyên gia thì các hãng xe tại Việt Nam vẫn ưu tiên nhập xe bán tải từ Thái vì nước này có dây truyền sản xuất xe bán tải có quy mô lớn, độ chuyên nghiệp cao và tỷ lệ nội địa hóa "ăn đứt" các nhà máy tại Việt Nam. Do đó, để tận dụng chi phí và hạ giá thành, nhập xe là tốt nhất.

Còn về các dòng xe nhỏ của Ấn, Hàn và Trung Quốc, lợi thế của các dòng xe này là giá nhập khẩu xe nguyên chiếc về Việt Nam tương đương hoặc chỉ đắt hơn chút ít so với dòng xe lắp ráp trong nước. Người dân vẫn chuộng dòng xe nhập vì tâm lý full option (bản đầy đủ trang bị) so với các dòng xe trong nước.

Chính vì thế mà từ năm 2015 đến nay, các hãng ô tô Thái Lan, Ấn Độ, Hàn Quốc luôn chiếm lĩnh thị trường ô tô Việt Nam, khiến các nhà sản xuất xe, lắp ráp xe trong nước phải tìm mọi cách để cạnh tranh, nhằm lấy lại thị trường.

T.H

Các tin khác