Khoa học - Công Nghệ
Công bố kết quả khả quan về vaccine COVID-19
15:41, 22/07/2020 (GMT+7)
Tạp chí khoa học The Lancet, một trong những tạp chí y khoa hàng đầu thế giới, vừa xuất bản bài báo của nhóm phát triển vaccine COVID-19 thuộc Đại học Oxford. Đây là bài báo chứa kết quả thử nghiệm vaccine giai đoạn 1 (từ tháng 4/2020) tại một số nơi tại Anh.
Vaccine mang tên ChAdOx1 nCoV-19, được lấy từ virus gây ra cúm trên loài tinh tinh và được gia công để có cấu trúc y hệt virus Corona. Thử nghiệm giai đoạn 1 được tiến hành trên 1.077 người khỏe mạnh (18-55 tuổi), trong đó 543 người được tiêm vaccine ChAdOx1 nCoV-19 và một nửa còn lại được tiêm vaccine khác là vaccine viêm màng não MenACWY làm đối chứng. Những người tham gia không hề biết mình được tiêm vaccine nào để bảo đảm sự ngẫu nhiên.
Kết quả cho thấy, vaccine đã tạo ra ra kháng thể trung hòa (Neutralising antibodies để tiêu diệt virus) và tạo ra cả tế bào T (T-cells) cho phép hệ miễn dịch ghi nhớ virus để bảo vệ cơ thể trong tương lai. Ngoài ra, lượng tế bào T-cells đạt đỉnh trong vòng 14 ngày, trong khi kháng thể diệt virus sẽ đạt đỉnh trong 28 ngày sau khi tiêm vaccine.
Vaccine vẫn có chút tác dụng phụ là gây sốt và đau đầu nhẹ nhưng đều có thể giải quyết đơn giản bằng paracetamol. Tác dụng phụ này xảy ra ở 70% người tham gia thử nghiệm nhưng không hề có nguy hiểm nào xảy ra.
Hiện tại vaccine đang được thử nghiệm ở giai đoạn 3 với việc mở rộng độ tuổi người tham gia có trẻ em, người già,.) và mở rộng số lượng người tham gia lên tới 10.000 người ở các vùng dịch lớn như Brazil, Nam Phi...
Tuy vẫn còn quá sớm để khẳng định vaccine 100% thành công vì còn cần theo dõi trong thời gian đủ dài cũng như trên lượng người tham gia đủ lớn để khẳng định vaccine có thể bảo vệ con người lâu dài nhưng kết quả này cực kỳ ấn tượng và hứa hẹn khả năng thành công rất lớn. Có thể hi vọng vaccine này sẽ được sử dụng đại trà trước mùa Đông năm nay (điểm rất đáng lưu ý là dòng vaccine này có thể sản xuất hàng loạt rất nhanh và chỉ trong cuối năm nay có thể sản xuất hàng tỉ liều vaccine).
Loại vaccine nói trên là một trong số ít nhất 100 loại vaccine phòng ngừa dịch COVID-19 đang được nghiên cứu trên toàn thế giới. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có ít nhất 23 loại vaccine đang bước vào giai đoạn thử nghiệm trên người.
Dù có nhiều tín hiệu lạc quan nhưng giới chuyên gia vẫn còn nhiều câu hỏi chưa có lời giải về cách thức cơ thể con người phản ứng sau khi bị nhiễm virus. Một trong những câu hỏi quan trọng nhất, đó là liệu những kháng thể được tạo ra có thể bảo vệ cơ thể khỏi nguy cơ bị tái nhiễm hay không.
Các chuyên gia đã bày tỏ lo ngại sau khi có nhiều người có dấu hiệu tái nhiễm COVID-19 dù đã được tuyên bố khỏi bệnh. Câu trả lời cho những câu hỏi này có thể sẽ giúp ích nhiều cho tiến trình nghiên cứu vaccine cũng như quá trình phân phối cho cộng đồng.
Nguồn: Chinhphu.vn