Khoa học - Công Nghệ
Thiết bị sạch?
08:52, 01/03/2019 (GMT+7)
Đối với thực phẩm, dược phẩm hay hóa mỹ phẩm, làm một người tiêu dùng thông minh đã khó, với thiết bị tin học, các phương tiện kết nối internet thì khó khăn với người tiêu dùng tăng bội phần.
Ảnh minh họa. (Nguồn:vov.vn) |
Một thuật ngữ quen thuộc trong giới tin học hiện nay là IoT, viết tắt từ “Internet of Things” nghĩa là "Vạn vật kết nối internet". Đây được coi là cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 của thế giới. Nó là một hệ thống các thiết bị công nghệ có liên quan đến nhau, mọi vật được kết nối với nhau dựa trên giao thức chung đó là mạng truyền thông - hay Internet. Hiểu một cách đơn giản, bạn chỉ cần có một thiết bị có kết nối mạng là hoàn toàn có thể điều khiển, kiểm tra toàn bộ các thiết bị ở nhà hay công sở đã kết nối.
Tuy nhiên, cái gì cũng có hai mặt, tiện lợi càng nhiều thì ẩn chứa rủi ro cũng càng lớn. Ngoài những phần mềm ẩn chứa việc theo dõi người dùng, ăn cắp thông tin cá nhân thì nguy cơ đang khiến thế giới lo lắng nhất chính là mất an toàn ngay từ thiết bị.
Hiện nay, nền kinh tế toàn cầu gia tăng sự phụ thuộc vào hệ thống thông tin thì nguy cơ thiếu an toàn trên không gian mạng đã trở thành một trong những phương pháp thu thập thông tin thương mại đáng lo ngại.
Những cảnh báo về nguy cơ bị tấn công bằng việc cài đặt các phần mềm độc hại nằm ngay trong các trang thiết bị của người dùng là cần thiết, nếu không muốn nói là cấp báo. Một khi người tiêu dùng sử dụng thiết bị có cài phần mềm độc hại thì các bí mật kinh doanh, dữ liệu kỹ thuật, vị trí đàm phán, những thông tin nội bộ… không còn là bí mật nữa. Đây thật sự là mối đe dọa nghiêm trọng đối với khả năng cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp, của nền kinh tế và các lĩnh vực khác.
Nếu như trước đây một vụ tấn công làm gián đoạn dịch vụ cần nhiều thời gian để huy động số lượng lớn thiết bị tham gia, thì ngày nay do IoT, cách thức tấn công diện rộng rất dễ dàng.
Do đó, lựa chọn thiết bị sạch, không chứa những chip có thể lấy cắp thông tin của người sử dụng là một yêu cầu vô cùng quan trọng hiện nay. Vấn đề trở ngại đặt ra là tự người tiêu dùng chỉ có thể lựa chọn thiết bị của những hãng có uy tín, không có tai tiếng về phần mềm độc hại, còn thực chất thiết bị đó có “sạch” hay không thì không thể chắc chắn.
Để bảo vệ an ninh thông tin, Nhà nước cần có những giải pháp đồng bộ để giảm thiểu rủi ro. Cần có hệ thống giám sát quốc gia để nhận biết các cuộc tấn công sử dụng các thiết bị IoT một cách nhanh nhất, sau đó tiến hành vô hiệu hóa máy chủ điều khiển để ngăn chặn hành vi tấn công. Hệ thống giám sát an toàn mạng cho phép thu thập, chuẩn hóa, lưu trữ và phân tích tương quan toàn bộ các sự kiện an toàn mạng được sinh ra trong hệ thống công nghệ thông tin của cơ quan, tổ chức.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh, nguyên tắc này cũng rất đúng đối với ngăn chặn nguy cơ tấn công bằng phần mềm độc hại. Phải có các giải pháp đồng bộ và có sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp và Nhà nước trong việc giám sát, kiểm soát chặt chẽ hơn với các thiết bị có nguy cơ không an toàn.
Nguồn: Dangcongsan.vn