Khoa học - Công Nghệ
Lần đầu tiên gan của người hiến được ghép cho hai bệnh nhân
15:36, 16/03/2019 (GMT+7)
Lần đầu tiên tại Việt Nam, từ lá gan của một người đàn ông 30 tuổi chết não, các bác sĩ đã thực hiện “chia sẻ gan” để hồi sinh sự sống thành công cho hai người, trong đó có một cháu bé mới 8 tuổi bị suy gan.
Tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về ca phẫu thuật ghép gan cho hai bệnh nhân từ một người hiến chết não do Bệnh viện Việt Đức tổ chức ngày 15/3, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết: Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam, từ lá gan của một người đàn ông 30 tuổi chết não, các bác sĩ đã thực hiện “chia sẻ gan” để hồi sinh sự sống thành công cho hai người, trong đó có một cháu bé mới 8 tuổi bị suy gan.
5 cuộc đời được hồi sinh
Ngày 7/3, Trung tâm Gây mê và hồi sức ngoại khoa của Bệnh viện Việt Đức thông báo có 1 trường hợp nam thanh niên 30 tuổi bị chấn thương sọ não nặng. Chiều 8/3, bệnh nhân chết não, gia đình bệnh nhân đồng ý hiến tạng, các bác sĩ dự kiến lấy 5 tạng để ghép cho một bệnh nhân nam bị bệnh tim, 2 bệnh nhân bị bệnh gan và 2 bệnh nhân bị bệnh thận.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Nghĩa, Giám đốc Trung tâm ghép tạng, Bệnh viện Việt Đức cho biết, ngày 9/3, BV Việt Đức đã tiến hành chia gan của một người hiến tặng để ghép cho 2 bệnh nhân.
Đó là, người đàn ông 49 tuổi ở Hà Nội có tiền sử viêm gan B, xơ gan, 2 tháng trước phát triển ung thư gan.
Cán bộ y tế chăm sóc bệnh nhi 9 tuổi sau ghép gan từ kỹ thuật chia gan. Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN |
Trong lúc đang chuẩn bị ghép cho trường hợp này thì Bệnh viện Nhi Trung ương mời các bác sĩ của Bệnh viện Việt Đức tham gia hội chẩn trường hợp của bé gái 8 tuổi, nặng 19,5kg, xơ gan mất bù/rối loạn chuyển hóa đồng và teo mật bẩm sinh, kết hợp bệnh lý hiếm gặp, vào viện có biểu hiện hôn mê, vàng da đậm. Trường hợp này là sự kết hợp giữa 2 bệnh lý hiếm và nặng và cần ghép gan cứu tính mạng của bé, bởi bé ở trong tình trạng rối loạn đông máu nặng, tiền hôn mê gan, điểm peld lên tới 52, trong khi 40 điểm đã nguy cơ tử vong 90%.
7h30 ngày 9/3, các bác sĩ lấy đa tạng từ người chết não, để ghép cho 5 bệnh nhân: 1 bệnh nhân ghép tim, 2 bệnh nhân ghép gan và 2 bệnh nhân ghép thận, ngoài ra còn lấy các đoạn mạch máu để gửi vào Ngân hàng mô bảo quản để ghép cho các bệnh nhân khác.
Riêng về ca ghép gan cho hai bệnh nhân, sau khi lấy gan, 11h trưa 9/3, các chuyên gia đã chia gan ngoài cơ thể, 1 phần 25-30% ghép cho bé gái.
15h chiều ca ghép gan cho người lớn bắt đầu và kết thúc lúc 20h cùng ngày. Ca ghép gan cho bé gái cũng diễn ra lúc 15h, nhưng kết thúc lúc 23h30 cùng ngày.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Nghĩa, quá trình lấy - ghép tạng có sự kết hợp của các chuyên gia đầu ngành tại Bệnh viện Việt Đức từ nhiều chuyên khoa: phẫu thuật ghép tạng; phẫu thuật tim mạch; phẫu thuật vi phẫu; gây mê hồi sức; chẩn đoán hình ảnh; các labo xét nghiệm.
Hiện tại hậu phẫu ngày 6 sau ghép, tất cả các bệnh nhân đều hồi phục. Riêng bệnh nhân ghép gan người lớn đã tỉnh táo hoàn toàn, tỉnh táo, chức năng gan hồi phúc, dự kiến rời phòng hồi sức tích cực trong ngày 15/3.
Đối với bệnh nhi ghép gan, hiện bé đã tỉnh, chức năng gan hồi phục, không rối loạn đông máu, dự kiến rời phòng hồi sức 1-2 ngày tới, mật từ gan mới tiết ra tốt. Đoạn mạch cần vá thêm thì lấy từ ngân hàng mô. Mảnh gan ghép cho bé gái nặng khoảng 250g (cân nặng gan trung bình khoảng 1,2kg).
Làm chủ kỹ thuật khó trong ghép gan
Ca ghép gan đầu tiên trên thế giới được thực hiện thành công năm 1967 tại Mỹ, đến năm 1988, Pichlmary tại Hannover đã thực hiện chia gan để ghép cho 2 bệnh nhân.
Kỹ thuật chia gan để ghép thời kỳ đầu chủ yếu chia trên bàn rửa cho 2 bệnh nhân nhận là người lớn, về sau khi kỹ thuật ghép gan người hiến sống ra đời thì kỹ thuật chia gan để ghép hiện tại được thống nhất là chia gan làm 2 phần: phần 2-3 cho trẻ em, phần còn lại 4-5-6-7-8 sẽ ghép cho người lớn và gan được chia ngay trong cơ thể lúc tim đang đập.
Với kỹ thuật này đã cải thiện đáng kể kết quả xa, cho phép thời gian sống của mảnh ghép tương đương với mô hình ghép toàn bộ từ người chết não hoặc từ người hiến sống.
Tuy nhiên kỹ thuật này rất khó thực hiện với các lý do không nắm được giải phẫu của gan người hiến trước khi chia; cùng lúc phải thực hiện kỹ thuật ghép gan cho 2 bệnh nhân, đòi hỏi mỗi trung tâm y tế phải có 3 kíp kỹ thuật có thể ghép được gan và thực hiện trong điều kiện cấp cứu (chuẩn bị người cho, 2 người nhận, kỹ thuật mổ, gây mê hồi sức...). Chính vì vậy kỹ thuật chia gan để ghép hiện nay chưa phổ biến trên thế giới.
Theo tổng kết đến năm 2016, tại Mỹ là quốc gia ghép gan nhiều nhất thế giới thì số ca chia gan để ghép chỉ chiếm 1% (1% của 37333 ca ghép gan); còn tại châu Âu thì tỷ lệ này là 6%. Một số trung tâm không tiến hành kỹ thuật chia gan để ghép, điều đó cho thấy tính chất phức tạp của kỹ thuật này.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Trần Bình Giang, chương trình ghép gan tại Bệnh viện Việt Đức được bắt đầu từ những năm đầu thế kỷ 21, ca ghép gan cho người lớn đầu tiên tại Việt Nam được thực hiện thành công tại bệnh viện vào ngày 28/11/2007; đến ngày 15/4/2010 bệnh viện đã thực hiện thành công ca ghép gan từ người cho chết não (đầu tiên tại Việt Nam).
Hiện tại bệnh viện đã chủ động trong hầu hết các kỹ thuật ghép gan: ghép toàn bộ từ người cho chết não, ghép gan bán phần từ người cho sống, giảm thể tích gan từ người cho chết não để ghép. Số lượng ca ghép gan của Bệnh viện Việt Đức là 62 trường hợp chiếm >50% toàn bộ số ghép gan cả nước. Khó khăn lớn nhất của ghép gan là sự khan hiếm của nguồn tạng, do vậy số lượng gan ghép chỉ thoả mãn khoảng 10-15% nhu cầu.
Chính vì vậy Bệnh viện đã chủ trương tăng tối đa khả năng ghép gan cho bệnh nhân, trong đó giao cho Trung tâm ghép tạng nghiên cứu triển khai kỹ thuật chia gan để ghép.
Nguồn: TTXVN