Khoa học - Công Nghệ
Quy trình mới biến rác thải thành 'vàng'
14:38, 14/11/2018 (GMT+7)
Trong khi mọi người xem rác thải sinh hoạt như chất nguy hại cần loại bỏ thì GS.TS Trần Kim Qui xem đó là một loại nguyên liệu có giá trị dùng để sản xuất ra phân hữu cơ có chất lượng cao.
Tháng 10 vừa qua, Sở KH&CN TP.HCM đã trao Giải thưởng Sáng chế TP.HCM cho 7 sáng chế ấn tượng trong năm 2017 - 2018. Trong đó, sáng chế “Quy trình sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ chất thải rắn sinh hoạt” của tác giả Trần Kim Qui đạt giải nhì (không có giải nhất) của cuộc thi.
Sáng chế được đánh giá cao nhờ việc giải quyết được cùng lúc 2 nhu cầu bức xúc của xã hội là xử lý rác thải sinh hoạt và cung cấp nguồn phân hữu cơ giá rẻ cho thị trường. Bên cạnh đó, thời gian xử lý rác thải rút ngắn xuống chỉ còn khoảng 1/3 so với các công nghệ tương tự cũng như giải quyết được ô nhiễm trong quá trình xử lý.
Ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, trao giải nhì Giải thưởng Sáng chế TP.HCM cho GS.TS Trần Kim Qui |
Lượng rác thải sinh hoạt được thải ra trung bình ở Việt Nam hiện nay khoảng 300.000 tấn/ngày đe dọa nghiêm trọng đến môi trường. Ở nước ta và nhiều nước trên thế giới, rác thải thường được xử lý bằng cách chôn lấp hoặc đốt dẫn đến ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí. Gần đây, một số cơ sở thu gom chất thải rắn sinh hoạt để xử lý làm phân hữu cơ.
Tuy nhiên, các công nghệ này có hiệu suất thấp (dưới 20%), sản phẩm phân hữu cơ có chứa nhiều tạp chất, chất lượng không cao nên khó tiêu thụ. Ngoài ra, thời gian ủ rác kéo dài thường trên 75 ngày nên một lượng lớn rác thải tồn đọng không kịp xử lý phải đốt, chôn lấp, gây ra nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Để giải quyết những nhược điểm này, GS.TS Trần Kim Qui đã bổ sung một số quy trình như điều chế các chế phẩm vi sinh vật để khử mùi, sát trùng và phân giải rác thải; điều chỉnh một số thông số kỹ thuật để tăng hiệu quả xử lý…
Nhờ đó, quá trình phân hủy rác giảm xuống còn khoảng 25 ngày trong khi hiệu suất đạt khoảng 30%. Bên cạnh đó, sản phẩm phân bón hữu cơ được tạo ra có giá thành thấp hơn nhiều so với các sản phẩm ngoại nhập tương tự. Theo tính toán, với mức giá chỉ từ 2.500 đồng/kg thì nhà đầu tư có thể thu hồi vốn trong hơn 2 năm. Trong khi đó, giá các loại phân bón hữu cơ nhập ngoại hiện nay từ khoảng 6.000 đồng tới 12.000 đồng/kg.
Ngoài phân hữu cơ vi sinh, các thành phần khác trong rác thải cũng có thể được tận dụng để sản xuất ván ép composite, gạch block không nung. Những thành phần kim loại, thủy tinh được tách ra trong quá trình xử lý sẽ được tái sử dụng.
Theo tác giả sáng chế, các thành phần không thể tái chế nhưng không nguy hại được gọi là chất thải trơ chiếm tỷ lệ khoảng 3%. Những chất thải trơ này cũng có thể sử dụng để lấp các ổ gà, ổ voi trên đường.
Quy trình này đã được công ty CP KHCN Hóa Sinh sử dụng để xây dựng cơ sở sản xuất phân hữu cơ vi sinh công suất 10.000 tấn/năm tại huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng. Đại diện công ty cho biết lượng phân bón sản xuất đã được nhận đặt hàng, bao tiêu toàn bộ.
Nếu được xử lý tốt, rác thải sinh hoạt có thể biến từ nguy cơ gây ô nhiễm thành nguồn lợi to lớn |
Ngoài ra, một số đơn vị xử lý rác thải với quy mô lớn tại Cần Thơ, Huế… cũng đang đưa quy trình này vào hoạt động.
GS.TS Trần Kim Qui cho biết: “Trong khi mọi người đang xem rác thải sinh hoạt như chất nguy hại cần phải sử dụng dụng một số tiền lớn để loại bỏ thì với giải pháp này, chúng tôi xem rác thải sinh hoạt là một loại nguyên liệu có giá trị dùng để sản xuất ra phân hữu cơ có chất lượng cao.”
Nguồn: Phạm Sơn/Khampha.vn