Nếu nhận được câu hỏi: Khoa học đã làm được gì để góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp? Tôi sẽ trả lời, sự đóng góp vô cùng lớn...
Giá trị của các sản phẩm khoa học rất khó để lượng hóa, nhưng nếu phải đưa ra con số, tôi nghĩ các công trình nghiên cứu đã góp phần làm lợi thêm cho người sản xuất ít nhất hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Có lẽ nhiều người sẽ nghi ngờ. Vậy nên, tôi muốn điểm qua một vài câu chuyện để minh chứng cho nhận định của mình.
PGS.TS Lê Quốc Thanh |
Trước hết hãy nói đến cây cà phê. Bộ giống cũ mà bà con nông dân trồng đại trà trước đây năng suất thấp, chất lượng không cao. Bên cạnh đó, vì chưa có quy trình canh tác chuẩn nên mỗi nơi thâm canh một kiểu, sản phẩm không đồng đều. Trước đòi hỏi phải nâng cao chất lượng và giá trị của ngành hàng cà phê, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) đã nghiên cứu và lai tạo thành công 10 giống cà phê mới. Trong đó có 5 giống chủ lực (TR4, TR6, TR9, TR11 và TRS1) cho năng suất từ 4 – 7 tấn/ha, tỷ lệ hạt loại R1 đạt từ 70 – 90%, gấp đôi so với các giống cũ hiện trồng. Các giống mới này cho chất lượng cao hơn giống cũ, giúp tăng thu nhập 30% so với đại trà (khoảng 40 triệu đồng/ha).
Theo thống kê, các giống cà phê của VAAS chiếm tới 21% (tương đương 130.000ha) tổng diện tích trồng cà phê cả nước, chiếm 100% diện tích tái canh, làm lợi cho nông dân khoảng 5.200 tỷ đồng mỗi năm. Bên cạnh đó, quy trình thâm canh cà phê của VAAS được công nhận và áp dụng đại trà vào sản xuất với 2 yếu tố kỹ thuật chủ đạo là quản lý dinh dưỡng dựa vào độ phì của đất và tưới tiết kiệm. Nhờ áp dụng quy trình này, bà con nông dân đã tiết kiệm được khoảng 500 tỷ đồng mỗi năm.
Nói như vậy để thấy rằng, khoa học chính là động lực to lớn để nâng cao giá trị nông sản của Việt Nam. Khi thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp, chúng ta xác định được các sản phẩm nông sản chủ lực Quốc gia có thị trường xuất khẩu tốt. Từ đó, Bộ NN-PTNT đã giao cho các viện nghiên cứu tập trung giải quyết những vướng mắc mà từng ngành hàng đang gặp phải. Sản phẩm khoa học phải là những gói quy trình kỹ thuật tổng thể chứ không phải là đề tài nghiên cứu đơn lẻ.
Ảnh minh họa (nguồn: internet) |
Hay như cây bưởi cũng vậy. Giống bưởi da xanh do VAAS tuyển chọn đã được trồng với diện tích trên 36.000ha (chiếm 60% tổng diện tích trồng bưởi của cả nước). Nhờ chất lượng tốt, giá bán trung bình cao hơn đại trà 11 triệu/tấn. Hàng năm, với năng suất trung bình đạt 25 tấn/ha, lợi ích tăng thêm mà sản xuất thu được đạt 9.900 tỷ đồng/năm. Đây là giá trị gia tăng cực lớn!
Chúng tôi, đội ngũ những người làm khoa học đang cảm thấy hào hứng. Bởi nhiều công trình nghiên cứu đã bám sát hơi thở của thực tiễn và đòi hỏi của nông dân. Nói cách khác thì các đề tài khoa học đã được thời sự hóa. Thậm chí, nó còn được chuyển hóa thành các văn bản chỉ đạo, điều hành mang tính mệnh lệnh hành chính của cơ quan nhà nước, nhất là Bộ NN-PTNT.
Ảnh minh họa (nguồn: internet) |
Thời gian qua, đội ngũ nhà khoa học nông nghiệp đã có khá nhiều “chiến công” trong việc cứu cánh các vựa cây trồng giá trị cao của nước ta. Và nhắc đến đây thì không thể kể tới câu chuyện cây thanh long. Năm 2014, bệnh đốm nâu bùng phát trên cây thanh long gây thiệt hại lớn cho người trồng trong cả nước. Tại Bình Thuận, đỉnh điểm có gần 50% diện tích thanh long bị nhiễm bệnh gây hoại tử, làm cho cành, trái thanh long bị sần sùi, thối khô từng mảng khiến giá trị thương phẩm giảm nghiêm trọng. Đặc biệt, đây là bệnh ro virus gây ra nên không có thuốc đặc trị. Bộ NN-PTNT lập tức đặt hàng các cơ quan nghiên cứu đưa ra quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cây thanh long bền vững (từ khâu chọn giống, chăm sóc, cắt tỉa cành, quản trị dịch hại…).
Chỉ trong thời gian ngắn, chúng ta đã có sản phẩm nghiên cứu. Đây là căn cứ vững chắc để Bộ NN-PTNT ban các văn bản chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện. Nhờ đó, chúng ta đã khống chế được dịch bệnh đốm nâu, bảo vệ sản xuất.
Ước tính, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã nghiên cứu và ứng dụng vào sản xuất 50 quy trình kỹ thuật quản lý dịch hại. Một số tiến bộ kỹ thuật được áp dụng rộng rãi đã mang lại giá trị sản xuất cao cho người nông dân như: Quy trình phòng trừ tổng hợp bệnh vàng lùn, lùng xoắn lá; bệnh lùn sọc đen phương nam; bệnh chổi rồng hại nhãn; quy trình quản lý bệnh chết nhanh, chết chậm trên hồ tiêu… Hiệu quả kinh tế mang lại từ các quy trình này khoảng 200 tỷ đồng/năm.
Từ khung mục tiêu mà đề án tái cơ cấu nông nghiệp đặt ra, các nhà quản lý đã bắt tay chặt chẽ với các nhà khoa học để giải quyết từng nhiệm vụ cụ thể. Thực tế sản xuất nếu thiếu cái gì, khoa học nghiên cứu cái đó và kết quả nghiên cứu được chuyển tải rộng rãi thông qua sự điều hành, chỉ đạo của cơ quan quản lý. Khoa học nông nghiệp đã thực sự đổi mới về tư duy, phản ứng nhanh hơn, hiệu quả hơn, quyết liệt hơn để nâng cao giá trị các ngành hàng nông sản.
Khoa học chính là động lực to lớn để nâng cao giá trị nông sản của Việt Nam. Khi thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp, chúng ta xác định được các sản phẩm nông sản chủ lực Quốc gia có thị trường xuất khẩu tốt" - PGS.TS Lê Quốc Thanh |
.