Các nước này đang tham gia tích cực vào cuộc chiến chống ô nhiễm môi trường bằng cách đưa ra dự thảo luật cấm các siêu thị sử dụng loại túi nylon dùng một lần.
Bộ Môi trường Hàn Quốc thông báo bắt đầu đăng công báo dự thảo sửa đổi Luật thúc đẩy tái sử dụng và sử dụng tiết kiệm tài nguyên từ ngày 2/8 trong vòng 40 ngày.
Dự thảo này có nội dung cấm các siêu thị trong nước sử dụng túi nylon dùng một lần, hiện đang được bán với mức giá nhất định cho người mua.
Trung bình người dân Hàn Quốc tiêu thụ khoảng 414 túi nylon trong một năm, cao hơn nhiều so với mức 198 túi của người dân các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU).
Ngoài ra, các cửa hàng bán bánh kẹo, vốn không bị hạn chế về việc sử dụng loại túi này, cũng sẽ nằm trong danh mục ngành nghề bị cấm cung cấp miễn phí túi nylon sử dụng một lần cho khách hàng.
Bên cạnh đó, Bộ Môi trường quyết định bổ sung thêm 5 mặt hàng là túi nylon tiệm giặt là, bọt biển dùng trong vận chuyển hàng hóa, túi nylon bọc ô, găng tay nylon dùng một lần, màng bọc thực phẩm vào danh mục các hàng hóa áp dụng cơ chế "trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất".
Một khi bị chỉ định vào danh sách áp dụng cơ chế này, nhà sản xuất sẽ phải chi trả một khoản phí để hỗ trợ cho các công ty tái chế những chất thải liên quan tới sản phẩm trên.
Dự thảo luật này dự kiến sẽ được thực thi vào tháng 10 tới.
Còn tại Australia, 2 chuỗi siêu thị lớn Coles và Woolworths của Australia đã cấm sử dụng các túi nhựa dùng một lần tại các cửa hàng trên toàn quốc nhằm đáp ứng lời kêu gọi thay đổi vì môi trường.
Thay vào đó, họ bắt đầu sử dụng các túi thân thiện với môi trường hơn với mức giá 0,15 AUD (0,11 USD). Đặc biệt, Coles còn cung cấp các túi này miễn phí cho đến ngày 1/8 để giúp người tiêu dùng thích nghi với chính sách mới.
Trong khi đó, Tòa án hiến pháp Chile hồi đầu tháng 7 cũng đã phê chuẩn dự luật cấm các doanh nghiệp sử dụng túi nylon, mở đường cho Chile trở thành quốc gia đầu tiên ở khu vực Mỹ Latin áp dụng biện pháp bảo vệ môi trường.
Chile vốn là một trong những nước dẫn đầu Mỹ Latinh về phản đối sử dụng túi nylon. Năm 2014, chính phủ nước này đã cấm sử dụng túi nylon ở Patagonia. Năm ngoái, lệnh cấm này đã được mở rộng ra các khu vực duyên hải. Theo thống kê, mỗi năm Chile thải ra môi trường khoảng 3,4 tỷ túi nylon, tương đương 200 chiếc/người.
Đảo quốc Antigua và Barbuda ở Caribe là những quốc gia đầu tiên trên thế giới cấm túi nylon trong năm 2016. Cùng năm này, Colombia cũng đã cấm sử dụng các loại túi nylon cỡ nhỏ, sau đó tiếp tục áp thuế đối với việc sử dụng loại túi cỡ lớn vào năm 2017. Ecuador cũng siết chặt các quy định về sử dụng túi nylon, ống hút và chai nhựa quanh Khu vực Di sản thế giới và khu bảo tồn sinh quyển Galapagos Islands. Trong khi đó, Panama là quốc gia đầu tiên ở khu vực Trung Mỹ công bố lệnh cấm hoàn toàn túi nylon từ tháng 1, song các doanh nghiệp có tới 2 năm để chuẩn bị cho việc thực thi chỉ thị này. Hiện đã có 3 thành phố lớn nhất của khu vực Mỹ Latinh là Mexico City (Mexico), Buenos Aires (Argentina) và Sao Paolo (Brazil) cũng đã đưa ra các lệnh cấm đối với túi nylon.
An Bình
.