Trong một xã hội siêu thông minh, các chuỗi giá trị được phát triển và sử dụng riêng biệt trong từng lĩnh vực khác nhau của xã hội sẽ được mở rộng và tích hợp để cung cấp các dịch vụ tiên tiến cho mọi thành viên của xã hội. Để thực hiện các dịch vụ như vậy, cần có cơ sở hạ tầng để tạo điều kiện cho đổi mới sáng tạo bằng cách đảm bảo tính mở của doanh nghiệp vượt ra ngoài khuôn khổ của các loại hình kinh doanh khác nhau, và bằng cách tạo mối quan hệ đối tác sâu rộng giữa các bên liên quan từ ngành công nghiệp, học viện và chính phủ.
Như được giới thiệu bởi Hiệp hội Internet công nghiệp (IIC) ở Hoa Kỳ và Industrie 4.0 ở Đức, những nỗ lực để tạo ra một cơ sở hạ tầng như vậy thông qua quan hệ đối tác công - tư đang được tiến hành ở các nước khác.
Để thúc đẩy đổi mới mở, điều quan trọng là tăng cơ hội cho mỗi thành viên trong ngành công nghiệp và học viện để tận dụng thế mạnh riêng của họ, và để liên kết, hợp nhất các thế mạnh đa dạng của họ theo cách bổ sung cho nhau. Trong một xã hội mà cách vận động thay đổi thường xuyên, các công ty đóng vai trò quan trọng, vì các công ty này có khả năng hành động, và áp dụng các ứng dụng thực tế nhanh chóng.
Tăng cường các hệ thống hỗ trợ hiện thực hóa xã hội siêu thông minh
Vào tháng 10/2015, Hiệp hội xúc tiến IoT (IoT Acceleration Consortium) được thành lập với mục đích tạo ra một môi trường thu hút đầu tư liên quan đến IoT từ trong và ngoài nước, và nhằm tăng cường sự hiện diện của các ngành công nghiệp liên quan đến IoT của Nhật Bản trong nền kinh tế thế giới. Hiệp hội xúc tiến IoT hoạt động trong việc phát triển và giới thiệu các công nghệ liên quan đến IoT cũng như tạo ra các mô hình kinh doanh mới. Hiệp hội này được chủ trì bởi Giáo sư Jun Murai, Trưởng Khoa Môi trường và Thông tin, Đại học Keio.
Các Hiệp hội xúc tiến IoT bao gồm:
- Nhóm phát triển công nghệ: để phát triển, giới thiệu và tiêu chuẩn hóa các công nghệ và mạng liên quan đến IoT (còn được gọi là Diễn đàn thúc đẩy IoT thông minh).
- Nhóm mô hình doanh nghiệp tiên tiến: để tạo ra các mô hình doanh nghiệp tiên tiến và cải thiện môi trường kinh doanh, bao gồm cải cách quy định (Phòng thí nghiệm thúc đẩy IoT).
- Nhóm công tác kỹ thuật: dành cho các vấn đề cụ thể, chẳng hạn như bảo mật và thông tin cá nhân (nhóm bảo mật IoT, và nhóm thúc đẩy phân phối dữ liệu).
Với khoảng 1.000 công ty thành viên, Hiệp hội xúc tiến IoT đã tham gia vào việc phát triển và giới thiệu các công nghệ tiên tiến, và trong việc soạn thảo các đề xuất chính sách liên quan đến cải cách pháp lý. Các hoạt động cụ thể của các nhóm như sau.
Nhóm công tác phát triển công nghệ (Diễn đàn thúc đẩy IoT thông minh):
Diễn đàn thúc đẩy IoT thông minh, do Giáo sư Hideyuki Tokuda thuộc Đại học Keio chủ trì, được tổ chức để thúc đẩy sự phát triển và giới thiệu các công nghệ liên quan đến IoT. Nhóm công tác này bao gồm Nhóm Nghiên cứu về Chiến lược Công nghệ và Nhóm các dự án Nghiên cứu, Phát triển và Trình diễn. Nhóm thứ nhất làm về những chiến lược cho sự phát triển, trình diễn, tiêu chuẩn hóa và toàn cầu hoá các công nghệ này. Nhóm sau chuyên về quảng bá các công nghệ chia sẻ cơ bản của IoT và các hệ thống, rôbốt,... có tính di động tự động. Hai nhóm này lại có các phân nhóm nghiên cứu cụ thể hơn.
Ví dụ, phân nhóm Testbeds (hay còn goi là nền tảng thử nghiệm - là những nền tảng để tiến hành các thử nghiệm nghiêm ngặt, minh bạch và có thể sao chép các lý thuyết khoa học, các công cụ tính toán và các công nghệ mới.), là một trong những phân nhóm Nhóm nghiên cứu về Chiến lược công nghệ, tiến hành các nghiên cứu về các yêu cầu của testbed giúp đẩy nhanh việc giới thiệu và tạo giá trị xã hội của các công nghệ và việc thúc đẩy sử dụng các testbeds đó.
Testbed đề cập đến các nền tảng để thử nghiệm công nghệ mới, và các nền tảng này được sử dụng trong các điều kiện tương tự như điều kiện thực tế mà theo đó các công nghệ mới sẽ được áp dụng. Testbeds cho phép xác thực các công nghệ thực tế mà không có nguy cơ thiệt hại cho các hệ thống đang hoạt động. Các ngành công nghiệp khác nhau có các loại testbeds khác nhau.
Việc sử dụng hiệu quả các testbed tạo điều kiện cho một sự thay đổi trong các quy trình NC&PT từ mô hình tuyến tính thông thường đến mô hình xoắn ốc. Trong mô hình tuyến tính, một công nghệ được phát triển dựa trên nghiên cứu được sử dụng để phát triển sản phẩm, và các kết quả thu được nhờ triển khai và sử dụng công nghệ được đưa trở lại NC&PT. Trong mô hình xoắn ốc, các vấn đề và cải tiến cần thiết có thể được xác định và giải quyết ở từng giai đoạn phát triển và ứng dụng công nghệ. Thời gian cần thiết để chuyển đổi kết quả NC&PT thành các ứng dụng thực tế được kỹ vọng sẽ rút ngắn đáng kể trong xã hội siêu thông minh. Về mặt này, việc sử dụng các testbed là rất hiệu quả để tạo ra các đổi mới sáng tạo một cách kịp thời.
Nhóm công tác thúc đẩy mô hình doanh nghiệp tiên tiến (Phòng thí nghiệm thúc đẩy IoT)
Phòng thí nghiệm thúc đẩy IoT, do Kazuhiko Toyama, Giám đốc điều hành của Industrial Growth Platform, Inc. được thành lập như một cơ quan công nghiệp - học viện - chính phủ với bốn mục đích chính: i) phát triển cơ sở hạ tầng để tăng cường hợp tác can thiệp, ii) hỗ trợ tài chính cho các dự án IoT, iii) góp phần lập ra quy tắc và cải cách quy định liên quan đến thúc đẩy IoT và iv) đưa ra các khuyến nghị cho chính phủ để giúp xây dựng các chiến lược ngành để đẩy nhanh IoT. Ủy ban hỗ trợ của Phòng thí nghiệm thúc đẩy IoT cung cấp tư vấn cho các dự án khác nhau liên quan đến IoT, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo, và đưa ra các khuyến nghị liên quan đến cải cách pháp lý cần thiết cho việc thực hiện các dự án này. (Hơn một nửa trong số 25 thành viên của Ủy ban hỗ trợ là từ các công ty chi nhánh của nước ngoài).
Là một phần trong những nỗ lực ban đầu, Phòng thí nghiệm thúc đẩy IoT đã thực hiện: chương trình IoT Lab Selection để tìm kiếm và lựa chọn các dự án IoT tiên tiến; các sự kiện Kết nối Phòng thí nghiệm IoT (Kết hợp Giải pháp) để kết hợp các doanh nghiệp, hiệp hội và chính quyền địa phương tương xứng; và các Cuộc thi phân tích dữ liệu lớn, trong đó giải thưởng được trao cho các thuật toán trực tuyến cao cấp được phát triển bằng cách sử dụng dữ liệu lớn về du lịch do các công ty tư nhân cung cấp.
Theo chương trình IoT Lab Selection, chính phủ và khu vực tư nhân (tức là các cơ quan chính phủ, các tổ chức ngân hàng và các công ty đầu tư mạo hiểm), nhằm tạo ra các mô hình kinh doanh IoT cũng như phát hiện và nuôi dưỡng các cá nhân xây dựng nền tảng IoT, cùng nhau xác định và tìm ra các dự án IoT tiên tiến đủ điều kiện để được nhận những hỗ trợ tiếp theo.
Hỗ trợ tài chính ngắn hạn: cung cấp vốn mạo hiểm dưới dạng hỗ trợ công cho việc thương mại hóa các dự án IoT.
Cố vấn: cung cấp lời khuyên của các cố vấn từ các công ty tư nhân, IPAs,..., những người hỗ trợ doanh nghiệp mới ra mắt.
Hỗ trợ liên quan đến cải cách và chuẩn hóa quy định: Hỗ trợ cho từng dự án cụ thể để bãi bỏ quy định. Hỗ trợ tài chính cho việc bãi bỏ quy định trong từng lĩnh vực cụ thể, và những sự hỗ trợ khác liên quan đến bãi bỏ quy định và tiêu chuẩn hóa.
Tăng cường và ứng dụng thực tế các công nghệ cơ bản hỗ trợ xã hội siêu thông minh
Các công nghệ cơ bản được đề cập ở những phần trước cần phải được tăng cường để đạt được mục tiêu cao từ quan điểm trung và dài hạn, và việc phát triển hơn nữa các công nghệ cơ bản này trong một xã hội siêu thông minh cũng cần được xem xét. Để đảm bảo có thể áp dụng các công nghệ vào việc tạo điều kiện đổi mới, thì cơ sở hạ tầng cần được phát triển thông qua sự cộng tác giữa ngành công nghiệp, chính phủ và viện hàn lâm để sự phát triển, ứng dụng thực tế và thương mại hóa các công nghệ tiên tiến sẽ được đồng thời phát huy. Với mục đích này, điều quan trọng là tăng cơ hội cho các ngành công nghiệp và các trường đại học trong việc tận dụng thế mạnh tương ứng của họ và để liên kết và hợp nhất thế mạnh của họ theo cách bổ sung.
Giá trị kinh tế phát sinh từ việc thương mại hóa kết quả NC&PT sẽ đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm ở Nhật Bản. Về vấn đề này, các doanh nghiệp liên doanh do các trường đại học khởi xướng dự kiến đóng một vai trò đặc biệt quan trọng, vì các doanh nghiệp này sử dụng các kết quả nghiên cứu mới nhất và có thể nhanh chóng chuyển đổi các kết quả này thành các ứng dụng thực tế.
Doanh nghiệp có quy mô khiêm tốn có thể đưa ra quyết định linh hoạt và nhanh chóng, phù hợp hơn với đổi mới và thương mại hóa những kết quả nghiên cứu công nghệ trong một thời gian ngắn, so với các công ty lớn, có xu hướng chịu hạn chế về quy mô thị trường và cần thời gian tương đối dài đưa ra quyết định. MEXT đã làm việc với Cục Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (JST) để đưa vào hoạt động Trung tâm Đổi mới Khoa học Công nghệ dựa trên đổi mới căn bản và chương trình doanh nhân (COI STREAM) nhằm thiết lập và vận hành một trung tâm NC&PT tầm cỡ thế giới thông qua sự hợp tác giữa ngành công nghiệp và học viện. Bắt đầu bằng việc xác định tương lai mong muốn cho các cá nhân và xã hội 10 năm kể từ bây giờ, chương trình này cung cấp hỗ trợ cho các dự án NC&PT đầy tham vọng và có rủi ro cao cần được quảng bá trên các lĩnh vực khác nhau thông qua sự cộng tác của nhiều người, để kết nối tương lai được hình dung với hiện tại. Trong chương trình này, khẩu hiệu "dưới một mái nhà" đại diện cho ý định thiết lập một nền tảng đổi mới (COI Site), nơi các trường đại học và công ty có thể làm việc cùng nhau trong NC&PT.
JST cũng chịu trách nhiệm cho Chương trình hình thành các Start-ups từ Nghiên cứu và Công nghệ Tiên tiến (START) với mục đích giúp tạo ra các doanh nghiệp để thương mại hoá các nghiên cứu công nghệ tại các trường đại học. Chương trình START đồng thời hỗ trợ NC&PT các công nghệ tiên tiến thuộc sở hữu của các trường đại học và phát triển doanh nghiệp thông qua cố vấn của các nhà quản lý từ các công ty tư nhân, những người có kinh nghiệm trong việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Sự hỗ trợ tích hợp này trước khi bắt đầu hình thành kinh doanh nhằm giúp tạo ra các doanh nghiệp từ trường đại học. Theo Chương trình START, một dự án để lựa chọn và phát triển vườn ươm công nghệ được thực hiện. Dự án này nhằm mục đích khám phá và nuôi dưỡng những hạt giống công nghệ được tạo ra bởi các nhà nghiên cứu trẻ. Vì mục đích này, các nhà nghiên cứu trẻ được khuyến khích sản xuất nguyên mẫu để chứng minh tính ưu việt và tính độc đáo của những hạt giống công nghệ này đối với các nhà quảng bá dự án.